Nghề làm hoa giấy ở Thanh Tiên (xã Phú Mậu, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) vốn xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng dân gian của người Huế, và đã tồn tại khoảng 400 năm từ thời các chúa Nguyễn. Ở mảnh đất nằm ở hạ nguồn sông Hương này, những bông hoa không nở trên cánh đồng mà được tạo ra bằng những đôi tay khéo léo của người nông dân chân chất, hiền lành.
Người đầu tiên hồi sinh hoa sen giấy làng Thanh Tiên
Thời gian khiến vật đổi sao dời, hơn 20 năm trước, làng hoa giấy truyền thống Thanh Tiên chỉ có lác đác vài ba hộ còn giữ nghề.
Khi hoa sen được chú ý trong cuộc bình chọn quốc hoa của Việt Nam, nghề làm hoa giấy ở Thanh Tiên được hồi sinh trở lại. Nhiều hộ trong làng vừa giữ nghề làm hoa giấy truyền thống vừa kết hợp làm hoa sen để tồn tại và lưu giữ nét đẹp làng nghề.
Chính điều này đã khiến làng quê nhỏ ở Huế trở nên sôi động hẳn lên, bởi không khí rộn ràng của tiếng đục, tiếng cưa, tiếng se giấy và cả tiếng cười rộn rã của những nghệ nhân làm hoa giấy.
Người có công lớn trong việc giúp làng nghề khởi sắc trở lại là họa sĩ Thân Văn Huy. Ông được xác lập kỷ lục Việt Nam cho người đầu tiên phục hồi làm hoa sen bằng giấy vào năm 2010.
Chia sẻ nguyên nhân mà hoa sen giấy của làng nghề bị thất truyền, ông Huy cho biết, hoa sen giấy truyền thống thuở sơ khai là những cánh hoa được làm bằng một loại giấy rất mỏng, không có màu, dễ rách. Do vậy sau một thời gian trưng bày, hoa sẽ bị móp méo và nhanh hư hỏng. Một phần nữa là vì thời tiết của Huế nắng gắt và mưa cũng nhiều nên khó bảo quản cho hoa được đẹp như lúc ban đầu. Đây cũng chính là điều khiến ông Huy trăn trở.
Học hỏi kinh nghiệm từ những người làm nghề trước đây, lại vốn là một họa sĩ, ông Huy đã nhanh chóng nắm bắt, tìm hiểu nhằm phục hồi cách làm hoa sen từ giấy. Sau một thời gian cật lực nghiên cứu, ông đã phục chế thành công và những tác phẩm hoa sen giấy cũng ra đời.
Khi đã thử nghiệm và cho ra đời những bông hoa sen đầu tiên, ông vô cùng mừng rỡ vì công sức bấy lâu đã có kết quả. Năm 2006, trong dịp Festival Huế, ông Huy đã trưng bày tác phẩm của mình và thu hút sự chú ý của nhiều người. Đây cũng chính là bước ngoặt khiến làng nghề hoa giấy Thanh Tiên khởi sắc, cũng như là một lời thông báo chính thức về hoa sen giấy sắp thất truyền đã được phục hưng.
Giờ đây, hoa sen giấy của nghệ nhân Thân Văn Huy và các nghệ nhân khác trong làng Thanh Tiên là một phần không thể thiếu trong tất cả các kỳ lễ hội diễn ra tại Huế.
Thừa hưởng phương pháp tạo nếp giấy từ làng nghề
Trong quá tìm cách phục hồi, ông may mắn gặp được một số người dân trong làng giúp đỡ và cùng nhau trao đổi. Ông cũng khẳng định rằng bản thân được thừa hưởng lại kỹ thuật tạo nếp của cánh hoa, còn lại thì ông phải tự sáng tạo thêm.
Với kiến thức và kỹ năng của một họa sĩ có tình yêu to lớn với hoa sen, nghệ nhân Thân Văn Huy đã tạo ra những tác phẩm hoa sen hoàn chỉnh có đủ hoa, lá, thân và đài sen như hiện nay.
Sau khi đã phục dựng được cách làm thì ông tiếp tục tìm cách để tạo màu sắc cho hoa và tạo dáng lại. Ông cũng tìm một nguyên liệu thích hợp thay thế vật liệu cũ để hoa sen có thể chịu được khí hậu khắc nghiệt của Huế.
"Trước đây hoa sen không có phần thân hay lá… Vì thế tôi đã tìm cách tạo ra phần thân là bằng cây mây. Theo cách làm của người xưa, những cánh sen được liên kết bằng sợi chỉ, dùng từng đoạn chỉ để buộc lại, nhưng tôi đã dùng keo để liên kết làm cho cánh hoa nhẹ nhàng và mềm mại hơn".
Chia sẻ các bí quyết để làm nên sản phẩm, nghệ nhân Thân Văn Huy cho biết, trước hết là chế tạo dụng cụ, tạo nếp gấp cho giấy thật đều tay, tạo độ cong cho cánh hoa, liên kết nếp và cánh hoa không bị thô cứng; phối màu để màu hoa gần với tự nhiên, màu sắc phải pha sao cho không chói loá cũng không quá nhạt nhoà để những bông hoa sen trở nên sống động như thật.
Ông Huy cho biết: "Hoa sen giấy của ông bà ngày xưa làm không có màu, để hoa nhìn chân thật và sống động hơn, tôi đã nghiên cứu cách nhuộm màu cho từng cánh hoa sao cho màu sắc hài hoà và trông giống như một bông hoa sen giữa hồ đang nở".
Không giữ riêng bí quyết cho bản thân, sau khi đã phục chế hoa sen giấy thành công, ông bắt tay vào việc truyền nghề cho dân làng, đặc biệt là chú trọng dạy nghề cho thanh niên để giữ nghề. Đây cũng là cách để hoa sen giấy không bị thất truyền và bị lãng quên một lần nữa.
"Làng nghề truyền thống trong thôn làng nhỏ như vậy nhưng đã được rất nhiều nơi yêu chuộng, sự lan toả của nó đã góp phần trong việc bảo tồn văn hoá và quảng bá nét đẹp dân tộc Việt Nam ra nước ngoài".