Khác với lực lượng hải quân của hầu hết các quốc gia trên thế giới, Hải quân Hoa Kỳ kiểm tra sức bền của các tàu do họ tự đóng bằng những điều kiện giống với thực tế chiến đấu. Để phục vụ mục đích này, chương trình FSST (Full Ship Shock Trials - Thử nghiệm chống va chạm toàn tàu) đã được phát triển, theo đó, mỗi con tàu sẽ được thử nghiệm bằng một loạt ba vụ nổ. Theo quan điểm của những người đề xuất ra chương trình thử nghiệm, 3 vụ nổ sẽ chứng nhận rằng con tàu đã sẵn sàng chiến đấu và có thể "sống sót" khi bị trúng tên lửa hoặc bị tấn công bằng bom.
Cụ thể các thông số của phương pháp kiểm tra FSST là bí mật quân sự, nhưng sơ lược có thể hình dung như sau: Trong bán kính nhỏ hơn 100 m tính từ con tàu, người ta đặt những khối thuốc nổ bên dưới mặt nước, còn trên thân tàu bố trí hàng trăm đến hàng nghìn cảm biến ở những vị trí khác nhau. Sau khi kích nổ, một nhóm các nhà nghiên cứu sẽ thu thập dữ liệu từ các cảm biến này để xác định mức độ thiệt hại mà vụ nổ đã gây ra cho con tàu.
Trong đoạn video dưới đây chúng ta sẽ được thấy nhiều góc quay trong vụ thử nổ (shock-test) con tàu chiến ven biển USS Jackson (LCS-6) thuộc lớp LCS-2 Independence. Cuộc thử nghiệm đã được tiến hành ngoài khơi bờ biển Florida vào ngày 16 tháng 7 năm 2016.
USS Jackson Completes Full Ship Shock Trials
Kết quả phân tích dữ liệu ban đầu từ 260 cảm biến đặt ở nhiều nơi khác nhau trên con tàu (bao gồm cả dưới mặt nước) cho thấy USS LCS-6 đã vượt qua cuộc thử nghiệm một cách hoàn hảo và thậm chí còn "chứng tỏ bản thân" tốt hơn so với mong đợi của Bộ tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ.
Nhận xét về kết quả thử nghiệm, Thurraya Kent, nữ phát ngôn viên của lực lượng Hải quân Hoa Kỳ nói: "Con tàu chỉ bị hư hại nhẹ - một số vật trên boong bị rơi và vài cửa kính vỡ. Chỉ cần được "trang trí lại" là nó đã sẵn sàng để thử nghiệm thêm".
USS Jackson (LCS-6) là con tàu thứ ba thuộc lớp LCS-2 Independence. Nó có thiết kế ba thân song song (trimaran) và được coi là một trong những chiếc lớn nhất trên thế giới trong số những con tàu cùng loại.
Tàu có chiều dài 127,4 m, rộng 31,6 m, mớn nước 4,3 m, lượng choán nước - từ 2300 đến 3100 tấn. USS Jackson (LCS-6) có thể đạt vận tốc 47 hải lý/giờ (87 km/h) và tầm hoạt động 8000 km mà không cần tiếp nhiên liệu.
USS Jackson LCS-6 được trang bị một pháo 57mm, bốn súng máy 12,7mm và một bệ phóng với mười một tên lửa SeaRAM Evolved. Ngoài ra, trên boong của nó còn có bãi đáp và nhà chứa máy bay để phục vụ cho hai trực thăng MH-60R/S Seahawk cùng một máy bay không người lái MQ-8 Fire Scout.
Chương trình Thử nghiệm chống va chạm toàn tàu (FSST) sau đó đã trở thành tiêu chuẩn bắt buộc đối với những con tàu chiến của Hải quân Mỹ., Vào hôm 16 tháng 7 năm 2021 vừa qua, chúng ta lại được chứng kiến thử nghiệm chống va chạm toàn tàu (FSST) giai đoạn hai đối với tàu sân bay USS Gerald R. Ford.
Các thủy thủ trên tàu USS Gerald R. Ford mặc đồ bảo hộ chữa cháy. Hải quân Mỹ sử dụng chất nổ thật để thử nghiệm sốc các thiết kế tàu mới nhằm xác nhận khả năng có thể đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi trong trận chiến của các tàu chiến.
"Giai đoạn thử nghiệm thứ hai này đã được lên kế hoạch vào ngày 1 tháng 7, nhưng vài thiết bị trên một trong những tàu hỗ trợ thử nghiệm gặp vấn đề kỹ thuật nên chúng tôi phải lùi thời gian lại. Vụ nổ thứ hai đã diễn ra vào ngày 16/7 – chậm hơn 2 tuần so với dự kiến. Dù có chậm trễ nhưng nhìn chung các cuộc thử nghiệm vẫn đang được tiến hành theo lịch trình đã chỉ định từ trước" – người phát ngôn của Hải quân Mỹ cho biết.
Mỗi vụ thử nổ dưới nước trong khuôn khổ FSST được lặp lại với khoảng cách ngày càng gần với con tàu. Defensenews.com
Ban đầu, Hải quân Mỹ đề xuất đối tượng thử nghiệm là chiếc USS John F. Kennedy (CVN-79) trong thử nghiệm FSST năm nay. Đây là chiếc tàu sân bay thứ hai thuộc lớp Gerald R. Ford. Theo ý kiến của các chuyên gia quân sự, quyết này sẽ đẩy nhanh việc triển khai tàu và tăng cường khả năng chiến đấu của hạm đội, nhưng về sau ý tưởng này đã bị bỏ. Theo nguồn tin không chính thức, một trong những lý do dẫn đến quyết định này là do sự xuất hiện của tên lửa chống hạm DF-21D mới do Trung Quốc phát triển.
Full Ship Shock Trials Aboard USS Gerald R. Ford (CVN 78)
Tàu sân bay đầu tiên thuộc lớp Gerald R. Ford là chiếc USS Gerald R. Ford (cùng tên lớp) (CVN-78), và nó cũng là chiếc tàu đầu tiên trong số 10 chiếc thuộc lớp siêu mẫu hạm này. Những con tàu sân bay mới sẽ dần dần thay thế cho các tàu lớp Nimitz – vốn đã được đưa vào biên chế từ năm 1975.
Gerald R. Ford là lớp hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân thế hệ thứ ba đang phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ. Lớp tàu sân bay hạt nhân đầu tiên là Enterprise với dự kiến 6 tàu nhưng cuối cùng chỉ có 1 chiếc được do chi phí quá đắt đỏ. USS Enterprise (CVN-65) có thủy thủ đoàn khoảng 4.600 người, phục vụ từ năm 1962 đến năm 2012 và là chiếc tàu hải quân dài nhất từng được đóng.
Chuyên gia hậu cần lớp 2 Jinaki Boston thuộc bộ phận tiếp tế của tàu sân bay Gerald R. Ford thực hành báo cáo thương vong mô phỏng
USS Gerald R. Ford được đánh giá là mạnh hơn đáng kể so với các tàu sân bay tiền nhiệm. Hôm 09/8/2021, Hải quân Mỹ tiếp tục thông báo về cuộc thử nghiệm thứ ba (và cũng là lần cuối cùng) của tàu USS Gerald R. Ford trong khuôn khổ chương trình FSST.
Third and Final Shock Trial Event For USS Gerald R. Ford (CVN 78)
Vụ nổ thứ ba diễn ra ngoài khơi bờ biển St. Augustine Beach, Florida. Giống như hai lần trước, người ta đã kích nổ một đầu đạn có sức nổ tương đương 18 tấn TNT nhưng gần mạn tàu hơn so với hôm 16/7. Vụ nổ được ghi nhận tương đương với một trận động đất 3,9 độ Richter, nhưng chỉ huy của con tàu cho biết vụ nổ gây ra ít thiệt hại hơn so với dự đoán.
Các thủy thủ trên tàu sân bay USS Gerald R. Ford chuẩn bị cho cú sốc vì sóng xung kích
Giai đoạn thứ ba của FSST thử nghiệm tàu sân bay USS Gerald R. Ford
"Có tới hàng nghìn cảm biến trên tàu để giúp chúng tôi giám sát tình trạng của các hệ thống, và hàng nghìn cảm biến khác đã được bổ sung vào để kiểm tra tác động của vụ nổ. Kết quả là không có vụ cháy nào xảy ra, tàu không bị vào nước và cũng không có thương tích nghiêm trọng gì cả" - Paul Lanzilotta, thuyền trưởng tàu sân bay USS Gerald R. Ford, cho biết.
Các thủy thủ trên USS Gerald R. Ford huấn luyện tập hợp đến các trạm phao cứu sinh với trường hợp giả định bỏ tàu
Trong thời gian tiến hành các vụ nổ, trên tàu có khoảng 3.000 thủy thủ và một nhóm các chuyên gia thử nghiệm đặc biệt.
Hồi năm 2019, theo tính toán của các chuyên gia, tàu sân bay USS Gerald R. Ford sẽ chịu ít thiệt hại hơn 50% so với tàu sân bay Theodore Roosevelt lớp Nimitz (thử nghiệm nổ vào năm 1987) trong cùng điều kiện thử nghiệm FSST. Sau lần thử nổ FSST thứ 2, con số dự báo này đã được nâng lên và kết quả của thử nghiệm cuối cùng đã cho thấy chỉ số sức bền mới vượt trội.