Đêm trước khi phẫu thuật, Thanh Nga (30 tuổi, ngụ Gia Lai) thức trắng, cô áp mặt vào gối, nước mắt không ngừng chảy. Khi bình minh ló dạng, Nga sẽ phải đến bệnh viện tháo mất 1 chân, chấp nhận phần đời còn lại không còn là người lành lặn.
Vậy mà 2 năm sau, chính Nga là người khép lại chuỗi ngày đẫm nước mắt ấy, tự tạo cho mình lối rẽ mới với đầy sự lạc quan. Câu chuyện được kể theo lời tự sự của Nga sẽ là lời cổ vũ cho bất kì ai đang tuyệt vọng trong cuộc sống.
Bi kịch tuổi 28
Tháng 3/2020, tôi phát hiện phía sau chân phải của mình sưng to. "Chị bị u", bác sĩ ở Gia Lai nhận định. Câu nói vỏn vẹn vài chữ đó như khiến cả bầu trời như sụp đổ dưới chân tôi. Vào TP.HCM, bác sĩ đề nghị tôi phải cắt bỏ một chân để chặn khối u ác tính di căn, nó đang lớn dần trong cơ thể. 3 ngày sau khi nhận kết quả, tôi chỉ biết khóc. Tương lai con tôi sẽ thế nào? Công việc ra sao?... Hàng trăm câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu tôi.
2 tháng chờ phẫu thuật là thời gian kinh khủng nhất. Tôi sẽ trở thành một người mẹ khuyết tật tuổi 28. Tôi sợ cảm giác bị phụ thuộc vào gia đình, sợ không đủ sức khỏe để lo cho con gái. Chuỗi ngày đó, tôi chỉ biết giam mình trong phòng. Anh trai thấy thế liền tất tả vào TP.HCM để chăm tôi, chị dâu, mẹ và con gái cứ liên tục động viên.
Đêm trước ngày phẫu thuật, tôi thao thức, nước mắt không ngừng tuôn, tôi nấc lên như một đứa trẻ. Bởi tôi biết rằng, ngày mai, cái hình hài mà mẹ cha ban tặng sẽ không còn lành lặn nữa. Cơn phẫu thuật thành công nhưng nỗi đau mà nó để lại khiến tôi ngã quỵ. Tôi được tiêm thuốc và uống giảm đau liên tục nhưng cơ thể vẫn như bị giày xéo, vật vã. Những giấc ngủ luôn tròng trành, tôi mơ màng trong những cơn đau.
Hiện tại, chị đã có thể sống đầy tích cực
Trong 8 ngày đằng đẵng tại bệnh viện, có không ít lần tôi phải bật khóc trong bất lực, nắm níu chiếc ga giường. Tôi tự động viên mình phải để cơ thể tập làm quen và không phụ thuộc thuốc. Về nhà, tôi chập chững trên nạng, tập ra vào nhà với chiếc chân độc nhất. Bác sĩ nói rằng tôi phát hiện ung thư giai đoạn sớm và tháo hẳn chân nên không cần hóa trị. Tôi chợt thấy mình may mắn!
Đứng lên bằng 1 chân
Con gái là động lực để tôi đứng lên bằng một chân. Thời gian tôi ở TP.HCM chữa bệnh, con cứ gọi điện nói nhớ tôi và khóc. Tôi chợt thèm cảm giác được ôm ghì lấy con bé, hôn lên đôi má phúng phính của con. Lúc xuất viện, con tôi xin được ngủ chung nhưng sợ chạm vào vết mổ của mẹ nên dùng chiếc gối ôm chặn ở giữa. Tôi trở mình thao thức lúc 1-2h sáng , đôi tay bé xíu của con cứ xoa lưng, bóp vai. Con bé chỉ mới 7 tuổi nhưng rất hiểu chuyện.
Có lần, tôi hỏi con rằng mẹ chỉ còn 1 chân, con có xấu hổ không? Con liền đáp: "Mẹ con bị bệnh nên mới bỏ chân, con thương mẹ rất nhiều..." Từ sau câu nói ấy, tôi thấy mình có động lực phải sống tiếp và sống tốt.
Chị Nga vẫn duy trì việc tập Yoga
Tôi bắt đầu quen với cơ thể mới, sống cùng chiếc nạng, tập chạy xe máy 4 bánh. Khi chia sẻ nhật kí ung thư xương của mình trên mạng xã hội, tôi bất ngờ nhận được rất nhiều tin nhắn thăm hỏi, động viên từ người xa lạ. Tôi có gia đình để yêu thương, có cô con gái ngoan ngoãn, có những người luôn động viên mình. Tôi nhớ như in tin nhắn của anh trai: "Dù có ra sao, anh cũng sẽ cố gắng hết sức để em khỏe mạnh". Tôi biết mình phải sống tiếp cuộc đời còn lại thật mạnh mẽ.
Tôi đi chùa, đi xem phim, tìm những quán ăn ngon để thử, tìm sách để đọc... Tôi làm những gì mình thích để tâm trạng phấn chấn hơn. Trước khi đổ bệnh, tôi từng học Yoga và hay đi du lịch cùng con gái. Tôi quyết định sẽ duy trì những điều đó, dẫu chỉ còn có 1 chân.
Tôi nhờ cô giáo Yoga hướng dẫn thực hiện được nhiều động tác phù hợp với mình. Và sau phẫu thuật 3 tháng, tôi đã có thể khỏe hơn, cơ thể dẻo dai. Thậm chí gần đây, tôi đã học thêm môn bơi lội. Hè năm nay, tôi dắt tay con gái đi Phú Quý để bé có thêm kỉ niệm đẹp trước khi vào nhập học.
Nhìn lại khoảng thời gian đã qua, điều khiến tôi tự hào nhất là mình mạnh mẽ vượt qua được những cái khó khăn nhất cuộc đời, đã dũng cảm đứng lên đi tiếp. Tôi hiện tại là cô gái tích cực, vui vẻ và hay cười. Tôi thấy mình đang có phần đời còn lại đáng sống hơn bao giờ hết. Những điều này chỉ khi mắc ung thư và mất chân đi tôi mới nhận ra được.