Sau thời gian tập huấn ở thao trường Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, ngày 14/9/1971, ông được điều vào Trung đội 2, Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Trung đội của ông gồm 20 tay súng là những chàng trai anh dũng, quả cảm do đồng chí Mai Quốc Ca làm Trung đội trưởng.
Nhiệm vụ chính của đơn vị là vận chuyển đạn, gạo và lương thực tiếp tế cho các Tiểu đoàn đánh ở các cao điểm 241, Ba Hồ, Đông Toàn…giáp ranh bên bờ sông Thạch Hãn. Với tinh thần bất khuất, mưu trí, Trung đội của ông đã tạo ra nhiều chiến công hiển hách, được tuyên dương trong toàn đơn vị.
Người lính già của thời hoa lửa
Đêm 9/4/1972, Trung đội của ông gồm 20 chiến sỹ do Trung đội trưởng Mai Quốc Ca chỉ huy, nhận lệnh vận chuyển 1 tạ TNT (thuốc nổ bộc phá) vào để phá cầu Thạch Hãn nhằm ngăn chặn sự tiếp tế của địch từ thị xã Quảng Trị lên căn cứ Ái Tử.
Đến 4giờ sáng ngày 10/4/1972 khi Trung đội của ông đã tiến sát đến cầu Thạch Hãn (cách chân cầu khoảng 50m) thì bất ngờ bị địch phát hiện. Quân địch điên cường nổ súng, Trung đội của ông Thành vẫn không lùi bước, anh dũng đánh trả.
"Quân địch đông gấp 3 Trung đội, trong khi đó toàn đội của chúng tôi có 20 người, đội trưởng Mai Quốc Ca hô hào anh xem xông lên chiến đấu, nổ súng chống trả. Sau nhiều giờ chiến đấu cam go, đánh giáp lá cà với quân địch. Kiệt sức, anh em chúng tôi đều ngã xuống" - Ông Thành hồi tưởng.
Đêm đến khi tỉnh dậy, ông phát hiện mình bị trúng đạn pháo vào hông trái. Toàn thân máu đầm đìa. Bởi mất quá nhiều máu, khát nước, ông bò ra phía bờ sông tìm nước uống thì bị phát hiện và bị địch bắt.
"Chúng ném tôi lên xe ô tô, vết thương liên tục nhói đau, ộc máu. Rồi chúng đưa tôi về điều trị tại bệnh viện quân y Nguyễn Tri Phương ở Huế. Do bị thương nặng vào khoang bụng và ngực, tôi phải chịu đau đớn vì những cắt nối ruột và nhiều thứ phẫu thuật khác" - Ông Thành kể lại.
Vết thương dần lành, ông Thành lại đối mặt với những cuộc tra tấn, ép cung của quân địch. Không thành công, chúng đưa ông ra nhà tù Phú Quốc. Tại đây chúng liên tục dọa nạt, đánh đập, ép cung, có ngày chúng hỏi cung lên đến 50 lần.
Gần 1 năm bị giam ở trại giam Phú Quốc là quãng thời gian không thể nào quên. Ông Thành nhớ: "Địch nhiêu lần dùng dùi cui, roi điện, roi da đánh tôi cùng các chiến sỹ của ta cho đến khi chúng tôi lả đi.
Giở đủ các "ngón đòn" tra tấn, chúng chuyển sang giọng điệu phỉnh nịnh, dụ dỗ, mua chuộc, cốt để dò la tin tức về "quân giải phóng". Nhưng dù là hình thức gì, chúng tôi vẫn một lòng kiên định với Đảng, với cách mạng".
Tại trại giam Phú Quốc ông Thành cùng các anh em trong trại giam thực hiện 2 nhiệm vụ chính là đòi quyền dân chủ và dân sinh. Năm 1973, sau Hiệp định Pari được ký kết, ông Thành cùng nhiều tù binh khác được trả tự do tại cầu Thạch Hãn.
Thắp hương trên chính mộ của mình
Ngày ông trở về quê hương, ai cũng bất ngờ vì tưởng rằng ông đã hy sinh. Bởi đã có giấy báo tử mang tên ông gửi về đến UBND xã, song vì bố đẻ của ông mới mất, cán bộ xã chưa thông báo. "Hôm đấy mẹ tôi đang nhổ lạc ngoài đồng, nghe tin tôi về, bà đã bỏ cả đồ đoàn, chạy về ôm chầm lấy tôi khóc nức nở" - Ông Thành kể.
Dù còn sống trở về, nhưng những năm sau đó, nhiều đêm nằm ngủ ông vẫn mơ về những trận đánh. Vẫn nhớ về Trung đội của mình, ông liên tục dò hỏi tin tức về đồng đội, mong rằng sẽ có người còn sống sau cuộc quyết chiến anh dũng ấy…
Tháng 6/1996, gia đình của một đồng đội đã nhờ ông đi tìm lại phần mộ thân nhân, dịp này, ông có cơ hội trở lại chiến trường xưa, thắp hương trên mộ phần của đồng đội. "Vào đến nơi, một điều bất ngờ khi tôi phát hiện có tên mình khắc trên tấm bia liệt sỹ. Rồi tôi lần tìm lại danh sách liệt sỹ của Trung đội vẫn còn tên tôi trong đó" - Ông Thành tâm sự.
Cựu binh Thành chụp bên cạnh phần bia mộ của mình
Kể đến đây, những ký ức hào hùng 50 năm về trước lại hiện về, ông Thành kể: Từ 4 giờ sáng đến 11 giờ trưa ngày 10/4/1972, 20 anh em Trung đội đã tiêu diệt được 120 lính ngụy và 2 cố vấn Mỹ.
"Đã 50 năm trôi qua, nhưng tôi luôn nhớ về sự hy sinh anh dũng của đồng đội mình. Tôi nhớ, anh Phạm Xuân Đức - Tiểu đội trưởng lao xuống hào ngay cạnh chỗ tôi và chỉ thấy anh ấy nấc lên mấy tiếng rồi hy sinh. Tôi đã lấy cơ số đạn của Tiểu đội trưởng tiếp tục chiến đấu. Rồi, thời điểm đó, anh Phạm Văn Tiến dù bị thương nhưng vẫn chiến đấu. Anh Tiến đã quay khẩu AK lại bắn về phía địch và bị trúng đạn hy sinh…" - Ông Thành nhớ lại.
Ông Thành quay mặt đi, như muốn giấu những giọt nước mắt đang trực chờ rơi trên khuôn mặt của những người lính từng trải, rồi ông tiếp lời: Trưa hôm ấy, xác 19 đồng đội đã hy sinh, địch không cho chôn mà bắt đem phơi trên miệng hố bom. Nhưng vì quần chúng Nhân dân đấu tranh, địch buộc phải cho chôn, và tất cả đồng đội của ông đã được chôn tập thể xuống 2 hố bom.
"Trung đội của tôi có 20 người nhưng chỉ tìm thấy 19 xác, Nhân dân ở vùng không tìm thấy xác của tôi, nghĩ rằng tôi đã hy sinh nên họ lập một tấm bia mang tên tôi bên cạnh những đồng đội của mình" - Ông Thành kể.
Ngày trở lại chiến trường xưa, ông Thành đau đớn và bàng hoàng khi nhận ra trong nghĩa trang Ái Tử có 20 ngôi mộ nằm sát bên nhau. Phần mộ của ông nằm thứ 2 từ ngoài vào trong. Trên bia đều đề chung một cái tên "Mộ liệt sĩ Trung đội Mai Quốc Ca".
Với tinh thần chiến đấu quả cảm và sự hy sinh anh dũng, năm 1973 Trung đội Mai Quốc Ca được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
Năm 1996, để tưởng nhớ chiến công của trung đội Mai Quốc Ca, Nhà nước đã xây dựng đài tưởng niệm có tấm bia khắc hình 20 quả tim màu đỏ như một biểu tưởng bất diệt của tinh thần chiến đấu quả cảm và sự hy sinh anh dũng của trung đội Mai Quốc Ca.
Tháng 3/2007, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cùng với Sư đoàn 304 đã cử cán bộ đến nhiều địa phương để xác minh cụ thể tên tuổi của 19 anh hùng liệt sĩ thuộc Trung đội Mai Quốc Ca.