''Người khổng lồ thức giấc'': Một cổ phiếu nhóm Big4 tăng gần 20% sau 9 phiên đầu năm 2022

Quốc Thụy | 14-01-2022 - 18:00 PM

(Tổ Quốc) - Giá và thanh khoản của cổ phiếu BID tăng mạnh trong những phiên giao dịch đầu năm 2022. Đà tăng của cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh một loạt thông tin tích cực về hoạt động kinh doanh của BIDV được công bố gần đây.

Sau một thời gian dài "im hơi lặng tiếng", cổ phiếu BID của BIDV đã bật tăng mạnh mẽ trong những ngày giao dịch đầu tiên của năm 2022.

Cụ thể, BID đóng cửa ngày 14/1 ở mức 44.250 đồng/cp, tăng 19,3% chỉ sau 9 phiên giao dịch của năm 2022. Với nhịp tăng trên, cổ phiếu BID đang được giao dịch ở vùng giá cao nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2014 và là một trong những mã ngân hàng có tỷ suất sinh lời tốt nhất kể từ đầu năm.

Diễn biến trên cũng hoàn toàn trái ngược với những gì mà BID thể hiện suốt năm 2021 khi đây là cổ phiếu ngân hàng duy nhất giảm giá trong bối cảnh các "anh em" lớn nhỏ trong ngành đồng loạt tăng phi mã.

Kết phiên 14/1, vốn hóa BIDV đã đạt gần 223.840 tỷ đồng, đứng thứ hai toàn ngành sau Vietcombank (394.692 tỷ đồng) và bỏ xa nhà băng đứng kế sau là VietinBank (hơn 170.364 tỷ đồng). Như vậy, so với mức chốt ngày 31/12/2021, vốn hóa BIDV đã tăng thêm hơn 26.050 tỷ đồng.

Bên cạnh xu hướng tích cực của thị giá, thanh khoản của BID cũng tăng mạnh trong những ngày vừa qua. Tính chung 9 phiên giao dịch đầu năm 2022, số cố phiếu được trao tay qua hình thức khớp lệnh đạt bình quân 4,7 triệu đơn vị/phiên, gần gấp đôi so với khối lượng giao dịch trung bình của năm 2021. Trong đó, ngày 13/1 ghi nhận mức thanh khoản cao nhất trong hơn 6 tháng qua với gần 9,7 triệu cổ phiếu được mua – bán trực tiếp trên sàn.

Người khổng lồ thức giấc: Một cổ phiếu nhóm Big4 tăng gần 20% sau 9 phiên đầu năm 2022 - Ảnh 1.

Diễn biến cổ phiếu BID trong hơn một năm qua. (Nguồn: SSI)

Đà tăng của cổ phiếu BID diễn ra trong bối cảnh một loạt thông tin tích cực về hoạt động kinh doanh của BIDV được công bố gần đây.

Tại Hội nghị trực tuyến Triển khai nhiệm vụ công tác Đảng và công tác kinh doanh năm 2022 diễn ra mới đây, lãnh đạo BIDV cho biết ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2021 được Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao.

Tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,65 triệu tỷ đồng; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020, tuân thủ giới hạn tín dụng NHNN giao (12%) và chiếm hơn 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng.

Đáng chú ý hơn là nợ xấu, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn của BIDV giảm rất mạnh. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021 giảm 0,73 điểm % so với năm 2020 xuống còn 0,81% và tỷ lệ nợ nhóm 5 ở mức 0,42%, giảm 0,82 điểm %.

Đi cùng đà giảm của nợ xấu, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (dư quỹ dự phòng rủi ro tín dụng/dư nợ xấu) của BIDV đã đạt 235% vào cuối năm 2021, mức cao nhất trong các năm gần đây.

Trong báo cáo mới phát hành, Bộ phận phân tích SSI dự báo lợi nhuận trước thuế quý 4/2021 của BIDV sẽ tăng trưởng mạnh, từ 40 đến 42% so với mức thấp cùng kỳ năm trước. SSI kỳ vọng ngân hàng vẫn tiếp tục trích lập dự phòng ở mức cao để tạo ra bộ đệm tốt hơn cho năm 2022.

Còn theo đánh giá của Chứng khoán MB, với sự bổ sung mạnh mẽ về mặt tài chính trong năm 2021 thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, tỉ lệ hệ số an toàn vốn CAR của BIDV sẽ có sự cải thiện hơn trong năm sau. Điều này tạo tiền đề giúp mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trong năm 2022 được dự đoán sẽ đạt 14%.

Ngoài ra, sự cải thiện về mặt chất lượng tài sản trong thời gian qua của BIDV được MBS đánh giá cao. Sự chủ động trích lập dự phòng cũng như trích lập dự phòng bổ sung cho nợ tái cơ cấu của BIDV sẽ giúp giảm áp lực lên lợi nhuận trong các năm tới.

Bên cạnh những thông tin tích cực về lợi nhuận và chất lượng tài sản, giới phân tích cũng kỳ vọng việc tăng vốn sẽ là chất xúc tác cho hoạt động kinh doanh của BIDV cũng như cổ phiếu BID.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết, mặc dù đã được chấp thuận chia cổ tức 25,77% để tăng vốn song theo hiện hệ số an toàn vốn (CAR) của BIDV vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh dư nợ cho vay, cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng và yêu cầu thực hiện Basel II, Basel III khiến áp lực với hệ số CAR ngày càng tăng.

Chính vì vậy, ông Phan Đức Tú đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện tăng vốn cho BIDV và ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 BIDV đã thông qua phương án chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ 8,5% vốn điều lệ trong giai đoạn 2021-2022.

Chia sẻ với cổ đông khi đó, ông Tú tiết lộ, để chuẩn bị cho đợt chào bán cổ phiếu để tăng vốn, BIDV đã tiếp xúc với rất nhiều nhà đầu tư tiềm năm. "Đã có khá nhiều nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu BIDV nhưng do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp nên họ đang cân nhắc thêm", ông Tú nói.

Ông Tú cũng cho biết thêm, ngân hàng đã thông báo cho KEB Hana Bank với tư cách là cổ đông chiến lược. Hana Bank cũng đồng ý với việc tăng vốn điều lệ và cho rằng sau khi tăng vốn thì tỷ lệ sở hữu của họ không giảm đi nhiều. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng không dám chắc Hana Bank có tham gia vào quá trình mua vốn sắp tới hay không", ông Tú cho biết.

Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, room ngoại còn lại của BIDV (13,3%) cho thấy ngân hàng này vẫn còn dư địa để gia tăng vốn thông qua phương thức bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.

''Việc tăng vốn và kì vọng tăng room ngoại sẽ là chất xúc tác tích cực đối với giá cổ phiếu của các ngân hàng'', Yuanta Việt Nam nhận định.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM