Elon Musk hứa hẹn tốc độ mạng của dịch vụ cung cấp internet vệ tinh Starlink sẽ “nhân đôi vào năm tới”, lên mức 300 Mbps và độ trễ sẽ chỉ còn khoảng 20ms. Với nhiều người sử dụng, tốc độ thế này là chưa đủ, nhưng có vẻ những lời phàn nàn này đều đến từ những cá nhân … sướng quen rồi, khổ không chịu được.
Bản thân Elon Musk nhấn mạnh rằng Starlink cũng giống với những dịch vụ internet vệ tinh băng thông rộng khác, sẽ tập trung vào khai thác tập khách hàng sống tại những khu vực “có mật độ dân cư từ thấp tới trung bình”. Như để chứng minh lời Elon Musk, một người dùng bản beta của Starlink có tài khoản Reddit là u/Wolf__lodge đã tiến hành thử nghiệm, mang chảo vệ tinh lên độ cao 3269 mét để lắp thử xem sao.
Khó khăn đầu tiên mà anh gặp phải: đem bộ thiết bị lên độ cao hơn 3 cây số một cách an toàn.
Tôi cho rằng nếu bộ thiết bị đã sống sót được qua quãng đường chuyển phát, nó cũng sẽ vượt qua được chặng đường 8 km trên lưng xe trượt tuyết", anh u/Wolf__lodge viết trong bài đăng Reddit.
Sau quá trình lắp đặt, u/Wolf__lodge thử nghiệm tốc độ mạng và có kết quả mỹ mãn.
Video YouTube trên máy tính bảng của u/Wolf__lodge chạy gần như ngay lập tức. Tốc độ mạng nhanh như vậy với những người phải sinh sống ở vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, trong trường hợp phong cảnh đẹp như vậy, phải nói anh u/Wolf__lodge “được” sống ở vùng sâu vùng xa mới đúng.
Thử nghiệm internet vệ tinh Starlink trên độ cao hơn 3 km.
Trong một bài đăng Twitter, Musk nói lên điều ai cũng biết: mạng internet di động sẽ luôn có lợi thế trong các khu vực đông dân cư. Nếu bạn sống tại thành phố lớn, Starlink sẽ khó có thể trở thành nhà mạng chính của bạn, sẽ đành phải phụ thuộc vào những nhà cung cấp quen thuộc thôi.
Còn với những người sống tại những khu vực khó tiếp cận với internet, dịch vụ của Starlink có thể sẽ là cầu nối của họ với thế giới mạng muôn màu. Tốc độ hiện tại của internet do Starlink cung cấp mới được hậu thuẫn bởi 1.000 trong tổng số 42.000 vệ tinh dự kiến sẽ được lên quỹ đạo. Một khi SpaceX hoàn thiện dự án này, thì theo lời Musk, internet sẽ được phủ lên hầu hết Trái Đất vào cuối năm 2021.
Vẫn còn một điều nữa cần nói: SpaceX đặt biệt danh cho chảo vệ tinh của mình là Dishy McFlatface, tạm dịch là Đĩa Thị Mặt Mẹt (“dish” là “đĩa”, thêm hậu tố “y” vào cho đáng yêu thêm chút; “Mc” là tên đệm thường thấy trong cách đặt tên của phương Tây, tương tự như Văn hay Thị trong tiếng Việt; “Flatface” có thể hiểu là mặt mẹt, mặt phẳng lì). Cái tên dài được gọi tắt là “Dishy”, nhưng có lẽ cái tên này không phù hợp với người Việt ta vì thói quen gọi thiết bị này là “chảo”.
Kiên nhẫn đợi đến lúc “chảo chống dính” thương hiệu SpaceX được nhập về Việt Nam.