Mặc dù điện thoại thông minh hay smartphone mang lại nhiều tiện nghi cho cuộc sống nhưng nó cũng có thể gây tổn thương tới cơ thể nếu dùng quá nhiều và sai cách. Dưới đây là 7 vấn đề phổ biến nhất phát sinh do dùng các thiết bị công nghệ như smartphone hay máy tính quá nhiều và cách phòng tránh chúng.
1. iPosture
iPosture hay “iHunch”, “Text neck” là thuật ngữ chỉ vị trí cơ thể của chúng ta khi sử dụng điện thoại thông minh và máy tính xách tay. Vì chúng ta thường khom lưng, cúi đầu khiến cổ bị cong về phía trước khi sử dụng các thiết bị này đã dẫn đến hiện tượng đau mỏi cổ và thậm chí có thể dẫn đến suy yếu các cơ.
Để tránh hiện tượng này, hãy chú ý tránh gập người khi sử dụng điện thoại hay máy tính và đảm bảo, khi sử dụng các thiết bị điện tử, hãy để chúng ở ngang tầm mắt.
2. Hội chứng "ngón út smartphone - smartphone pinky"
Hội chứng này xảy ra khi ngón út của bạn bị lõm ở gần đốt đầu tiên do bạn cầm điện thoại quá nhiều. Hiện tượng này mới xuất hiện gần đây do người ta sử dụng điện thoại quá thường xuyên trong suốt nhiều năm, khiến ngón út bị lõm hoặc bị cong do thói quen nâng điện thoại bằng ngón út. Mặc dù tình trạng này được coi là tạm thời, nhưng vẫn có những khía cạnh tiêu cực có thể xảy ra với cơ thể. Hội chứng này có thể dẫn đến căng cơ ở cánh tay và ngón tay, thậm chí gây tổn thương dây thần kinh.
Để ngăn ngừa bệnh này, hãy luyện tập cho bàn tay hàng ngày bằng cách nắm chặt và duỗi các ngón tay đều đặn.
3. Hội chứng ống cổ tay - Cell phone elbow
Hội chứng ống cổ tay xảy ra khi thần kinh giữa, một dây thần kinh lớn ở cổ tay, bị chèn ép khi nó đi qua ống cổ tay bị bó chặt. Ống cổ tay được hình thành bởi những xương nhỏ ở bên dưới và một sợi dây chằng ở phía trên. Nếu áp lực được hình thành ở ống cổ tay, dây thần kinh bị chèn ép và sẽ bắt đầu xuất hiện những bất thường trong chức năng của tay. Khi hệ thần kinh không hoạt động đúng, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng điển hình bao gồm đau, kiến bò và tê bì.
Một nghiên cứu đã tiến hành điều tra gần 7.000 trường hợp trên khắp đất nước Đan Mạch đã rút ra kết luận rằng: những người dùng máy tính liên tục, cụ thể là sử dụng chuột máy tính trên 30 giờ/tuần sẽ có nguy cơ tổn thương cẳng tay cao gấp 8 lần người bình thường.
Chính thao tác đánh chữ trên bàn phím và điều khiển chuột liên tục nhiều giờ liền khiến khớp xương cổ tay phải hoạt động quá mức dẫn đến cổ tay bị tê, sưng, đau nhức.
Ngoài ra, dùng máy tính liên tục mà ngồi trước máy tính không đúng tư thế, vị trí cầm chuột hay tư thế gõ bàn phím không hợp lý sẽ tạo thêm áp lực lên cổ tay nên khả năng gây bệnh cao hơn.
Để tránh hội chứng này, hãy giảm thời gian sử dụng điện thoại và máy tính, thay đổi tư thế và luyện tập cho tay thường xuyên bằng các động tác duỗi tay và cánh tay.
4. Đau ngón tay - Text claw
Nếu bạn bị chuột rút ở các ngón tay và đau ngón tay, bạn có thể bị chứng "text claw". Nguyên nhân gây hội chứng này là do do liên tục nhắn tin, chơi game, vuốt màn hình điện thoại.
Để phòng tránh text claw hay hội chứng chèn ép thần kinh trụ ở khuỷu tay, bạn nên thay đổi tư thế cầm điện thoại thường xuyên, dùng tai nghe khi gọi điện thoại trong thời gian dài, đồng thời thường xuyên luyện tập giãn cơ cho bàn tay. Nếu cần, hãy sử dụng túi chườm nóng hoặc chườm lạnh.
5. Đau ngón cái - Texting thumb
Texting thumb là thuật ngữ chỉ cảm giác đau ở ngón tay cái sau khi sử dụng smartphone trong một thời gian dài. Đây là một tổn thương cơ thể phổ biến có nguyên nhân từ cuộc sống hiện đại, khi con người coi smartphone là vật bất li thân.
Người mắc hội chứng "texting thumb" có thể phát sinh tình trạng viêm gân do ngón tay và các nhóm cơ bị cọ xát quá lâu. Dùng smartphone càng lâu, nguy cơ đau ngón tay cái sẽ càng lớn.
Cách phòng tránh tốt nhất là hạn chế sử dụng smartphone, dùng phụ kiện giảm áp lực cho ngón tay khi sử dụng điện thoại và tránh cầm điện thoại ở tư thế thẳng đứng quá lâu.
6. Hội chứng thị giác máy tính - Computer vision syndrome
Trong một xã hội hiện đại, nơi mà các công việc thường gắn liền với những thiết bị công nghệ như hiện nay, điện thoại hay máy tính đã trở thành những vật bất ly thân. Đối với những người làm việc hàng ngày với máy tính và điện thoại sẽ có khả năng bị mỏi mắt, nhức đầu, khô mắt, mờ mắt do màn hình kỹ thuật số đòi hỏi nhu cầu thị giác cao. Tình trạng này được gọi là Hội chứng Thị giác Máy tính (CVS).
Để phòng tránh, bạn nên dùng mắt kính chống ánh sáng xanh và thay đổi vị trí làm việc tùy theo nhu cầu.
7. Bỏng
Đây là một trong những hành động đáng lo ngại nhất trong danh sách này. Nhiều người có thói quen đặt điện thoại dưới gối khi ngủ hay khi sạc pin. Thói quen này có thể làm tăng nguy cơ cháy nổ, khiến người dùng có thể bị bỏng.
Nếu bạn có thói quen này, hãy thay đổi ngay để phòng tránh hiểm họa.
Theo Brightside