Tùng là nhân viên công chức trẻ tuổi ở Hà Nội. Tuy vậy, anh đã có vợ và hai con. Đặc biệt, anh đã từng dùng tới 3 chiếc xe khác nhau trước khi quyết định gắn bó với Mazda2 phiên bản sedan.
Đứng trước quyết định đổi xe lần thứ 4 với lời mời gọi từ Toyota Vios giữ giá thần thánh hay các mẫu SUV/crossover to lớn, rộng rãi cho cả gia đình, anh cũng có tâm sự riêng nhưng dưới đây là lý giải cho việc đồng hành với mẫu xe nhỏ do THACO phân phối – thứ có thể tham chiếu cho bạn nếu rơi vào hoàn cảnh của Tùng.
Bạn bè, đồng nghiệp, rất nhiều người đã hỏi tại sao mình không mua một chiếc SUV, Crossover cỡ nhỏ cho đúng với xu thế. Câu trả lời đơn giản là mình muốn mua xe sát với nhu cầu của bản thân và gia đình. Nhà có 2 vợ chồng trẻ và 2 cháu nhỏ, cả nhà đều không cách nơi làm việc cũng như trường học quá 2km. Vì vậy, mua một chiếc xe lớn là không cần thiết.
Trước khi đến với Mazda2, mình đã từng sở hữu 3 chiếc xe khác, bao gồm Ford Laser số sàn đời 2010, Kia Morning SLX nhập khẩu và Ford Focus 2010 số tự động. Với mỗi lần đổi xe mình lỗ khoảng hơn 200 triệu, nhưng đó không phải vấn đề quá lớn, vì mục đích của mình là trải nghiệm.
Do điều kiện công việc và mối quan hệ nên mình cũng có kha khá trải nghiệm với nhiều hãng xe ở nhiều phân khúc khác nhau. Xe Hàn phân khúc thấp thì động cơ nhanh xuống quá. Xe Mỹ chạy thì thích thật, nhưng chiếc Ford Focus đời 2010 mà mình từng sử dụng lại hay mắc lỗi động cơ. Chỉ 1 lỗi mà phải mang đi sửa quá nhiều lần, nên mình đã bán lại với giá 300 triệu vào cuối năm 2017. Còn mấy chiếc cao cấp, hạng sang thì một là nhu cầu chưa tới, hai là nó… êm quá, lái hơi buồn. Bản thân mình lại thích cảm giác lái phải thú vị và thể thao.
Thời điểm chọn mua, mình không phân vân quá nhiều khi lựa chọn giữa Mazda2, Toyota Vios và Honda City. Lúc đó, Mazda2 sedan có mức giá 499 triệu đồng, trong khi Vios G có giá 570 triệu đồng, số tiền đủ để Mazda2 lăn bánh. Nhưng nhìn mà xem, Vios thiếu sót cả về trang bị giải trí đến công nghệ an toàn. Mua Toyota chắc chắn sẽ giữ giá, nhưng mục đích mình mua xe để phục vụ gia đình, mà không an toàn thì phải loại.
Còn về Honda, khoan hãy bàn đến vấn đề giá cả, dù có trang bị cửa gió cho hàng ghế thứ 2, nhưng chắc chắn dàn lạnh trên chiếc City vẫn không thể bằng chiếc xe của mình.
Tiếp đến là hệ thống giải trí, Mazda Connect tiếp tục dành một điểm cộng. Hơn nữa, theo mình tìm hiểu, Mazda2 là một chiếc xe hạng B hiếm hoi trang bị dàn âm thanh 6 loa. Vậy nên rõ rồi, Mazda2 là một sự lựa chọn hợp lý.
Nếu hỏi Mazda2 thua gì Vios và City thì câu trả lời sẽ là nước sơn. Sơn xe khá mỏng và dễ xước. Cửa xe cũng phải dùng một lực mạnh hơn bình thường để đóng lại, cái này là bệnh nổi tiếng của xe lắp ráp.
Lúc đầu tính mua hatchback, nhưng nghĩ vì nhu cầu gia đình nên chuyển sang sedan, nhưng mà vẫn thấy thiếu chút không gian để đồ. Xe mất hẳn 2 hộc để đồ ở cửa sau, còn ở cửa trước thì rất bé. Thiếu cả bệ tì tay trung tâm cho ghế sau và ghế trước, thành ra mất luôn một hộc để đồ trung tâm.
Thêm nữa là xe bé, nhưng Mazda lại cố ép đuôi vuốt đề làm thành dáng thể thao. Thế nên người lớn mà ngồi phía sau sẽ cảm thấy chật chội và không thoáng cho lắm. Nhưng gia đình mình cũng không đi xa, và ghế sau thường dành cho 2 cháu mới học cấp 1, nên đó không phải là vấn đề quá. Các cháu có lớn lên thì 5 năm nữa mình cũng sẽ đổi xe. Còn bây giờ, mua xe ít tiền nên cũng có vài nhược điểm phải chấp nhận thôi.
Trước khi mua Mazda, mình đã nghe đến nhiều câu chuyện về những chiếc xe lắp ráp. Tất nhiên là không thể chắc nịch như xe châu Âu, nhưng với tầm tiền này, thì mình thấy sự ổn định của Mazda2 ở mức chấp nhận được.
Việc trang bị động cơ 1.5L trên một mẫu xe có kích thước nhỏ như thế này khiến Mazda2 khá bốc ở dải vận tốc dưới 60 km/h. Vậy là quá đủ để đi phố. Còn nếu cần chạy đường trường thì bật chế độ Sport lên là đủ để vượt nhiều chiếc xe chạy máy 2.0 nhưng xác nặng. Chế độ này Mazda3 phải đợi đến bản facelift mới có, nhưng lại là tiêu chuẩn trên Mazda2. Thế nên mới nói, xe lắp ráp đôi lúc cũng có cái hay riêng.
Phải tự nhận bản thân khá mát ga khi lái một mình. Đến cuối tuần, mình lái xe chở gia đình thì lại thường xuyên nổ máy ngồi đợi 3 mẹ con đi mua đồ. Đây là 2 thói quen rất không nên nếu muốn tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên, thời điểm cao nhất chiếc xe cũng chỉ báo mức tiêu thụ 9 lít/100km. Cũng với 2 thói quen ấy, chiếc Kia Morning SLX của mình trước đây chưa từng ở dưới con số 16 lít/100km. Thế mới thấy động cơ của Mazda tiết kiệm nhiên liệu.
Giá cả khi vào hãng cũng hết sức bình dân, mình mới qua đợt bảo dưỡng 1000km đầu tiên, bao gồm việc thay dầu và kiểm tra lại các chi tiết, bắt ốc cho chắc chắn. Chi phí dao động khoảng 700 ngàn đồng. Cho nên có thể thấy, chi phí nuôi một chiếc Mazda2 khá rẻ và phù hợp với đa số những gia đình trẻ Việt Nam.
Chiếc xe tiếp theo sau 5 năm nữa rất có thể sẽ là một mẫu SUV/Crossover cỡ nhỏ. Với chiếc xe hiện tại, mình đã có đủ trải nghiệm với Mazda rồi, thế nên có lẽ mình sẽ không chọn CX-5 nữa. Mình cũng sẽ không chọn hộp số CVT của Mitsubishi Outlander hay động cơ Turbo của Honda CR-V vì theo mình biết nó khá khó sửa chữa khi gặp vấn đề. Tính mình thích trải nghiệm, và mình muốn đánh giá độ bền của một chiếc xe Hàn ở phân khúc cao hơn. Có lẽ sự lựa chọn của mình sẽ là Hyundai Santa Fe, vì Santa Fe cũng như chiếc Mazda2 hiện tại sử dụng chung một trang bị mà mình đánh giá cao về sự bền bỉ, đó chính là hộp số 6 cấp.
Một số hình ảnh ngoại thất của Mazda2:
Một số hình ảnh nội thất của Mazda2: