Người đàn ông 'muôn năm cũ' bơm quẹt gas giữa lòng Sài thành
Chiếc xe đạp cũ kỹ của ông Nam đậu ở số 117 Quốc lộ 50 (Bình Chánh, TP. HCM) mỗi buổi sáng từ 6 giờ. Chiếc xe đạp đơn sơ, có mỗi tấm biển màu đỏ để người ta biết rằng người đàn ông này ngoài việc bán vé số còn có thêm nghề bơm quẹt gas.
Không bỏ nghề vì sợ… người ta hỏi quẹt gas
Người đàn ông gầy gò, nhỏ thó, mái tóc bạc trắng và hàng lông mày cũng trắng phau gây ấn tượng cho những người qua đường bởi một hình ảnh lạc quan, vui vẻ của chính mình. Ông nở nụ cười và chào hỏi tất cả những người đi qua với hy vọng họ vì thế mà dừng lại, chú ý đến chiếc xe đạp đặc biệt này. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng hằng ngày ông Nam vẫn đạp xe đi hành nghề bơm quẹt gas với nụ cười hồn hậu.
Trong cái giỏ xe phía trước là toàn bộ đồ nghề để bơm quẹt gas của ông. Cũng không có gì nhiều nhặn, chỉ là một cái bình bơm gas, và hộp đồ nghề cũ kỹ theo ông vài chục năm nay.
Ông bảo, ngày đó người ta còn dùng nhiều quẹt gas nên bản thân mới theo được nghề này. Sau này khi hộp quẹt được công nghiệp hóa, sản xuất đại trà thì số lượng khách cũng thưa dần. Tuy vậy, ông Nam vẫn không bỏ được nghề.
"Tôi nghỉ vài hôm là có người ra hỏi. Tôi cũng có khách quen nữa.", ông Nam vui vẻ cho biết. Chính vì lẽ đó mà mặc dù bơm một cái hộp quẹt chỉ có vài đồng, mà còn chẳng có mấy khách, nhưng ông Nam vẫn giữ cái nghề.
"Mỗi lần bơm hộp quẹt thì phải tầm nửa tháng sau người ta mới quay lại, nên cũng hiếm hoi lắm mới có một người đến bơm. Có hôm cả ngày tôi cũng chẳng bơm được cho ai", người đàn ông ở tuổi 70 chia sẻ.
Trong giỏ đồ nghề của ông Nam cũng có một chiếc hộp quẹt cũ kỹ. Ông "biểu diễn" cho tôi xem bằng những đường điêu luyện. Ghim kim, bơm gas,... chỉ vài phút là ông bơm xong một chiếc hộp quẹt.
Có lẽ vì còn ít người mặn mà với hộp quẹt gas, hoặc họ có thể tự bơm tại nhà nên cái xe đạp nhỏ nhoi của ông Nam hiếm có khách ghé qua bơm. Vì thế mà ngoài nghề bơm hộp quẹt, ông Nam còn có bán thêm vé số để có đồng ra đồng vào.
Mỗi ngày ông ráng bán được trăm tờ, coi như được hơn 100 ngàn, cũng là đủ sống. Bán vé số với ông chỉ là cái nghề kiếm sống, cho đủ đồng ra đồng vào, còn bơm hộp quẹt gas mới là cái nghiệp ông mang theo hơn 40 năm nay.
Cuộc sống nhọc nhằn của người "muôn năm cũ"
Vợ ông Nam cũng bán vé số để có thể lo chạy từng bữa cơm ở cái tuổi xế chiều. Vợ ông năm nay cũng đã 75 tuổi. Cả hai vợ chồng không có con cháu gì. Vợ ông Nam bán vé số ở Q.5, "tại bán quen chỗ đó rồi, không có bỏ được". Cứ mỗi buổi trưa, ông Nam lại nhờ xe ôm rước bà về nhà ở Bình Chánh để hai vợ chồng cùng được ăn uống, nghỉ ngơi.
Mặc dù có thể ăn cơm bụi nhưng ông Nam vẫn quyết định buổi trưa để dành cho gia đình. Cuộc sống của đôi vợ chồng già không con cái chỉ vọn vẻn trong căn nhà thuê nhỏ nhưng ấm áp với từng bữa cơm nhà.
Ông Nam dậy từ 5 giờ sáng để đi lấy vé số cho cả mình và vợ, sau đó đi bán từ 6 giờ đến hơn 10 giờ, lại trở về nhà tiếp tục ăn trưa, rồi đi bôn ba tiếp đến gần 8 giờ tối mới trở về nhà.
Cả một ngày dài như vậy, nhưng có những hôm chiều trời đổ bão, vé số ông không trả về được, ngày hôm đó lòng người cũng nặng nề như màu bầu trời.
Ông cho biết, dạo này trời hay nổi những cơn mưa bão bất chợt, chuyện buôn bán của ông cũng ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, ông cũng không lấy đó làm chuyện phiền lòng.
Ở tuổi xế chiều, ông Nam vẫn giữ được vẻ lạc quan, khỏe mạnh. Lúc nào ông Nam cũng cười hiền lành với râu tóc bạc phơ như hình ảnh một ông tiên bước ra từ câu chuyện cổ tích ngày xưa.
Từ 6 giờ đến 7 giờ rưỡi ông đứng ở một chỗ bán cho khách quen, sau đó phải chạy vòng quanh để chào mời khách lạ mua vé số. Ông không đứng một nơi cố định để bán mà cứ chạy vòng quanh khu lân cận, với chiếc loa nhỏ rè rè phát ra tiếng nhạc để thu hút người mua vé số.
Trời nắng lên cũng là lúc tấm thân gầy gò của ông lao ra đường để kiếm kế mưu sinh. Mặc dù ngoài kia không mấy ai mặn mà với những chiếc hộp quẹt gas như ngày trước, ông Nam vẫn giữ nguyên cái nghề như một của báu ở tuổi xế chiều.