Nỗ lực “vượt khó để thành công” và thất bại đầu tiên trong sự nghiệp
Lớn lên trong một ngôi làng nhỏ, nghèo khó. Cũng giống như bao đứa trẻ ở quê, tuổi thơ của Tào Ngọc Căn gắn liền với đồng ruộng. Không có điều kiện đến trường học hành như các bạn đồng trang lứa, mỗi ngày ông đều phải làm lụng vất vả phụ giúp gia đình.
Năm ông 7 tuổi, một vụ hỏa hoạn đã khiến ông bỏng nặng, để lại trên tay và khuôn mặt những vết sẹo mà suốt đời không thể xóa bỏ. Lớn lên ông theo học tại một trường trung cấp chuyên nghiệp, sau đó bỏ về quê làm ruộng rồi cưới vợ sinh con.
Cuộc sống của ông cứ vất vả lận đận như thế cho đến khi ông 32 tuổi, ông quyết định phải thay đổi cuộc đời mình. Cuối cùng ông tạm biệt quê hương, dứt áo ra đi để gây dựng sự nghiệp. Ông một mình đến Thâm Quyến - thành phố rực rỡ, phồn hoa. Khi mới đặt chân đến đây, ông luôn tin tưởng bản thân sẽ thành công lập nghiệp ở thành phố này.
Thế nhưng hiện thực luôn phũ phàng. Ông không được học hành tử tế, chưa từng được tận mắt chứng kiến thế giới của sự giàu có, chưa từng thực sự tiếp xúc với xã hội đầy rẫy những góc khuất và quy tắc ngầm. Vì thế, ông đều bị các nhà tuyển dụng từ chối hết lần này đến lần khác, không thể tìm nổi một công việc tử tế để mưu sinh. Điều này khiến Tào Ngọc Căn dần dần chán nản, không biết tương lai của mình rồi sẽ đi về đâu?
Không tìm được việc, ông đành phải thuê một căn nhà rẻ để tạm thời sống qua ngày. Đó là một căn nhà dột nát, không ai dám ở. Không chỉ có chật hẹp mà thậm chí đến cả cửa sổ cũng không có. Xung quanh chỉ toàn là cỏ cây và những bãi đất hoang tàn.
Làm lại cuộc đời từ… “rác”
Sau đó, ông bắt đầu mở một quầy hàng ở chợ đêm và bán bắp rang, tìm đủ mọi nghề để kiếm sống. Sau ba tháng, số tiền ông kiếm được vẫn không đáng là bao, chỉ đủ để trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày.
Ông bắt đầu lên kế hoạch thu thập đồ đồng nát, vì dù sao đây cũng là mô hình kinh doanh không tốn nhiều chi phí nhất. Nhưng ông thậm chí còn không có xe để đi thu thập đồ đồng nát. Lúc này trong túi ông chỉ còn 1.000 nhân dân tệ cuối cùng và ông đã dùng hết số tiền đó mua một chiếc xe ba bánh.
Đây cũng là dấu mốc khởi đầu sự nghiệp làm giàu đầy gian khổ của ông. Thời điểm đó, Tào Ngọc Căn đã 33 tuổi.
Mỗi ngày Tào Ngọc Căn đều ra ngoài từ 5h sáng bắt đầu công việc đến tận 9h tối mới về đến nhà. Cứ như thế, một ngày ông ấy có thể kiếm được 100 nhân dân tệ hoặc hơn. Hằng ngày ông chỉ ăn món bún hấp đơn giản, vừa không có mùi vị lại vừa không đủ chất dinh dưỡng và công việc này thực sự khiến ông cảm thấy có chút xấu hổ.
Tuy nhiên, Tào Ngọc Căn vẫn rất luôn lạc quan, coi đây là một trải nghiệm, một bài học, thúc giục bản thân không ngừng cố gắng, nỗ lực. Mọi khó khăn, mọi khổ cực đối với ông đều không đáng sợ, mà điều ông sợ nhất là vợ con ở quê biết được tình trạng hiện tại của mình. Mỗi lần gọi điện về nhà, ông luôn giả vờ bản thân đang sống tốt, vì sợ gia đình sẽ lo lắng.
Ông vừa làm việc vừa không ngừng học hỏi, trau dồi bản thân. Từ một người xuất thân từ làng quê nghèo, không được học hành tử tế, ông đã dần dần học được cách đối nhân xử thế, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Cũng nhờ đó Tào Ngọc Căn được rất nhiều người yêu quý, nhiều người còn đánh giá ông là người có tố chất trong lĩnh vực kinh doanh.
Tuy nhiên, Tào Ngọc Căn tự ý thức được rằng thu gom phế phẩm không phải là giải pháp lâu dài. Vì vậy, ông bắt đầu chuyển qua tái chế một số phế phẩm điện tử. Mặc dù chi phí cao hơn nhưng lợi nhuận thu được là cũng cao hơn. Từ đó, cuộc sống của ông cũng đỡ vất vả và thoải mái hơn.
Con đường thành công không có những bước chân vội vã
Trong một lần tụ tập cùng bạn bè, một người bạn của ông đã khoe một chiếc máy ảnh và nói rằng nó chỉ mua được ở nước ngoài. Vốn dĩ đây chỉ là lời nói đùa trên bàn ăn, nhưng một ý tưởng kinh doanh chợt lóe lên trong đầu Tào Ngọc Căn. Ông nghĩ nếu chiếc máy ảnh này rất phổ biến ở thị trường quốc tế, thì chắc chắn cũng sẽ được ưa chuộng từ thị trường trong nước.
Chỉ có điều hình dáng của chiếc máy ảnh này không phù hợp với thẩm mỹ người Trung Quốc. Vì vậy, ông đã tìm một nhà thiết kế trên mạng, bắt đầu thiết kế lại vỏ máy ảnh. Sau đó, tìm một nhà máy để tự sản xuất rồi bán nó cho một công ty máy ảnh.
Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng ông cũng gặp được ông chủ của một công ty. Ban đầu, ông chủ không mấy hài lòng về thiết kế của sản phẩm, nhưng không ngờ khách hàng lại cho rằng vẻ ngoài của chiếc máy ảnh này rất đặc biệt và đánh giá cao về sản phẩm này. Cũng từ đó sản phẩm của ông bắt đầu được sản xuất hàng loạt, và ông đã thu về 600.000 nhân dân tệ đầu tiên.
Thời gian sau, ông nhận thấy những sản phẩm nhái lại từ các thương hiệu cao cấp của nước ngoài nhân được rất được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Ngay cả nhiều người tiêu dùng ngoài nước cũng bắt đầu chọn những sản phẩm do Trung Quốc sản xuất với giá thành rẻ hơn và chất lượng tốt hơn. Vì thế ông đã tạo ra ứng dụng “Chaoduoduo” thu hút được các ông lớn đầu tư mạo hiểm. Từ đó, những sản phẩm Made in China bắt đầu phổ biến trên thị trường quốc tế.
Đây là cũng lần đầu tiên Tào Ngọc Căn kiếm được nhiều tiền như vậy. Nhưng không lâu sau đó, vì khủng hoảng kinh tế năm 2010 nên nhà máy phải đóng đóng cửa. Tào Ngọc Căn thua lỗ rất nhiều tiền, phải trở về quê nhà. Tại đây, ông hợp tác làm ăn với công ty chuyển phát nhanh YTO Express do một người họ hàng làm đại diện.
Lúc đó ở An Huy, đây là công ty chuyển phát nhanh làm ăn kém nhất, thậm chí chỉ vỏn vẹn vài nhân viên làm việc. Tào Ngọc Căn bắt đầu thức đêm để học hỏi kiến thức vận hành, tuyển dụng nhân viên bán hàng với quy mô lớn và tăng lương khích lệ nhân viên hăng hái làm việc.
Nhờ có Tào Ngọc Căn, YTO Express đã lọt vào bảng xếp hạng trong số các công ty dịch vụ hàng đầu ở địa phương.
Tào Ngọc Căn nay đã bước qua tuổi 46. Đã 13 năm trôi qua kể từ khi nhặt rác, bây giờ ông đã trở thành một tỷ phú và một nhà từ thiện. Trong những năm qua ông đã cho xây đường xá, quyên góp tiền và thậm chí là xây dựng một công viên hậu cần, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.
Theo QQ