Người đàn ông bỏng 62% vì điện cao thế giật: Ác mộng kinh hoàng và nỗ lực 'sống vì con'

Lan Chi | 09-11-2021 - 12:50 PM

(Tổ Quốc) - Hôn mê 3 ngày, tỉnh dậy với muôn vàn đau đớn, ông Triệu Vĩnh Cường vẫn gượng dậy để làm lại cuộc đời, lo lắng cho những đứa con của mình.

Khoảng 8 giờ sáng, ông Triệu Vĩnh Cường (SN 1960) lại đẩy chiếc xe đạp cọc cạch ra khỏi khu chung cư cũ. Ông rong ruổi ở khắp các con đường thuộc khu vực quận 5 (TP.HCM) để nhặt ve chai. Đôi chân ông tập tễnh, dáng người xiêu vẹo, đôi tay có những ngón bị cháy dính chặt vào nhau. Da thịt đã liền lại nhưng nỗi đau vẫn còn âm ỉ.

Hơn 10 năm trước, ông Cường là một người thợ điện khỏe khoắn, lành nghề. Tai nạn kinh hoàng xảy ra vào năm 2010 đã khiến ông bị bỏng đến 62%. Kể từ đó, ông không thể đi đứng, nằm ngồi như người bình thường...

Cơn ác mộng kinh hoàng

"Hôm đó, tôi nhận lời đi lắp ăngten cho người ta với giá 800.000 đồng (100.000 đồng tiền công, 700.000 đồng tiền vật liệu). Do bất cẩn, tôi để cây tầm vông rớt vào người. Một tia lửa điện từ đường dây điện cao thế 110 KV truyền thẳng vào người tôi.

Lửa phật lên, cháy khắp người tôi, tôi giãy giụa kêu lên trong đau đớn nhưng không ai nghe vì mọi người đều đang ở tầng trệt. Nón bảo hiểm tôi có mút xốp khiến lửa lan đến tận đỉnh đầu. Tôi tự dập lửa cho mình rồi bò xuống được dưới nhà. Lúc này, vài người công nhân mới biết chuyện tức tốc chở tôi vào bệnh viện", ông Cường nói.

Người đàn ông bỏng 62% vì điện cao thế giật: Ác mộng kinh hoàng và nỗ lực sống vì con - Ảnh 1.

Ông Cường khi đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM

Vụ chạm điện đã khiến hệ thống điện khu vực ngưng hoạt động hoàn toàn. Vào tới bệnh viện, ông Cường đã rơi vào tình trạng mê man. Khi nghe tin chồng nhập viện, vợ ông Cường vẫn nghĩ rằng chồng mình chỉ bị phỏng nước sôi. Lúc vào đến bệnh viện, bà gần như muốn ngất lịm khi nghe chồng mình bị phỏng cấp độ III (62%).

Từng tờ giấy viện phí được gửi đến gia đình, 10 triệu, rồi 15 triệu, gia đình ông Cường gần như kiệt quệ.

Ông Cường nhớ lại: "Có một lần, vợ tôi đã đến gặp bác sĩ và năn nỉ rằng liệu có loại thuốc nào rẻ tiền hơn không. Thu nhập của người làm thợ điện như tôi khi ấy chỉ vừa đủ nuôi gia đình. Chúng tôi đã chạy đôn chạy đáo, hàng xóm mỗi người gom cho chút ít tiền nhưng vẫn không đủ. Vị bác sĩ trầm ngâm hồi lâu rồi động viên vợ tôi. Liệu trình đã đi được một nửa, khuyên bà ấy hãy cố gắng để có thể giữ được mạng sống cho tôi".

Nhờ có mạnh thường quân, vợ chồng ông Cường đã có thể trang trải phần nào viện phí. "Lúc mở mắt tỉnh dậy, tôi đau đớn như muốn chết đi sống lại. Tay bị cháy khiến những ngón tay co rút, dính vào nhau. Suốt mấy tháng liền, tôi chỉ nằm trên giường không di chuyển".

Tôi phải sống vì con

Đối với ông Cường, con cái là tài sản quý giá nhất. Ông có hai người con, một trai và một gái. Sau khi tai nạn kinh hoàng xảy ra, ông Cường lại đón nhận thêm nhiều biến cố.

Người con trai cả đang khỏe mạnh, làm việc tại một ngân hàng ở TP.HCM đột nhiên bị tâm thần. "Nó chơi với nhóm bạn rồi đứng ra gánh nợ, mượn tiền giúp họ. Lúc đầu, khi biết tin này gia đình chúng tôi đã hết sức ngăn cản nhưng nó không nghe. Rồi khi sự việc đổ bể, bạn bè nó trốn nợ để lại khoản tiền lớn chưa chi trả.

Ông Triệu Vĩnh Cường được một cô gái tốt bụng giúp đỡ (Clip: Ly Ly)

Mỗi tháng, nó phải đứng ra góp cho người ta vài triệu. Tôi biết tin đau lòng lắm. Cú sốc này đã khiến nó từ một con người khỏe mạnh, bình thường trở nên điên dại. Có lần nó đến nơi công cộng, cởi hết quần áo ra rồi la hét.

Làm cha, làm mẹ ai thấy cảnh này không đau lòng. Hiện tại, cháu ở nhà, không đi làm nữa vì thần kinh nó bất ổn. Thi thoảng, nó vẫn "lên cơn" khiến chúng tôi rất buồn", ông Cường nói.

Sau tai nạn, ông Cường không còn khả năng lao động như trước. Ông tập tễnh đi nhặt ve chai để bán kiếm tiền, mỗi ngày vài chục nghìn đồng. Con gái ông đã lấy chồng, vừa mới sinh con nên cũng không thể đi làm.

Ông Cường cho biết thêm: "Mùa dịch vừa qua, gia đình tôi sống bằng sự quan tâm, giúp đỡ của bà con chòm xóm và chính quyền địa phương. Họ cho lương thực, trợ cấp để chúng tôi có thể đi qua được mùa dịch. Tôi cũng không hiểu vì sao những biến cố đó cứ xảy đến với cuộc đời mình. Nhưng tôi phải chấp nhận nó, cố gắng vì con".

Trên chiếc xe đạp cọc cạch, ông đi nhặt ve chai khắp các con đường, ngõ hẻm quận 5. Những ngón tay dính chặt vào nhau khiến ông cầm nắm khó khăn.

Tuy nhiên, đúng 8 giờ sáng hằng ngày, ông vẫn lao ra đường, bởi sau lưng ông là những đứa con đang cần mình.


CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM