Theo các học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Quốc gia Nhật Bản, cư dân thành phố Naha, Okinawa, đặc biệt là phụ nữ, có tỷ lệ ung thư thấp nhất cả nước. Người dân địa phương có thói quen tiêu dùng đặc trưng, đó là họ sẽ mua các sản phẩm từ đậu nành thường xuyên, trung bình mỗi người chi 7.000 yên một năm cho chúng, đây là mức mua cao nhất cả nước.
Các sản phẩm từ đậu nành hầu như xuất hiện trên bàn ăn hàng ngày của họ, thậm chí một số người dân Okinawa còn ăn 2 đến 4 phần sản phẩm từ đậu nành mỗi ngày. Theo phân tích của chuyên gia, tỷ lệ ung thư thấp của người dân Okinawa có thể liên quan đến thói quen ăn nhiều sản phẩm từ đậu nành, chẳng hạn như đậu phụ và miso.
Người dân Okinawa đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và bệnh tim mạch rất thấp. Đây cũng chính là những căn bệnh phổ biến, cướp đi mạng sống của nhiều người nhất trên thế giới. Keiichi Nakagawa, giáo sư danh dự tại Khoa X quang thuộc Đại học Y khoa Tokyo (Nhật Bản), giải thích rằng isoflavone trong đậu nành có tác dụng ức chế tế bào ung thư vú. Điều này là do isoflavone đậu nành và nội tiết tố nữ estrogen có cấu trúc hóa học tương tự nhau, ăn đậu nành có thể liên kết isoflavone đậu nành với các thụ thể estrogen, ức chế tế bào ung thư vú và estrogen kết hợp, đồng thời ngăn ngừa sự sinh sôi nảy nở của tế bào ung thư.
Ngoài ra, chất isoflavone trong đậu nành còn có thể làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng và ung thư biểu mô tuyến phổi, đồng thời có thể làm tăng lượng cholesterol tốt, hạ huyết áp, ức chế quá trình xơ cứng động mạch, hỗ trợ phòng ngừa bệnh cao huyết áp, tiểu đường và các bệnh khác.
Iamori Yukio, Giám đốc Viện Phát triển Y tế Quốc tế tại Đại học Nữ sinh Mukugawa (Nhật Bản), gợi ý rằng đậu nành nên được nấu với ít muối và hấp chín, hoặc kết hợp với các loại gia vị và rau giàu chất dinh dưỡng chống oxy hóa, chẳng hạn như tía tô và gừng. Tránh dùng nước tương với đậu nành, nếu không hàm lượng natri có thể vượt quá tiêu chuẩn.
Nguồn và ảnh: TOPick, Healthline