Người dân lao động rời TP HCM: Thiếu tiền trọ đã 3 tháng, "chịu hết nổi" phải đánh liều về quê

Minh Minh | 15-08-2021 - 23:58 PM

(Tổ Quốc) - Mặc dù biết việc di chuyển về quê bằng xe máy là không đúng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 căng thẳng nhưng nhiều người cho biết họ đã quá khó khăn nên đành đánh liều.

Không được về quê, trọ thì trả, quay lại biết ở đâu?

Ngày 15/8, theo ghi nhận tại cửa ngõ TP HCM lượng người dân tự ý đi xe máy về quê quá đông khiến một đoạn Xa Lộ Hà Nội tắc nghẽn kéo dài. Lực lượng chức năng đã phải có mặt điều phối các phương tiện lưu thông ổn định.

Chia sẻ nhanh với Thanh Niên Online khi đang kẹt tại Bến xe Miền Đông Mới, TP Thủ Đức, anh Hồ Chí Dũng (26 tuổi, quê Bình Định, tạm trú TP.Thủ Đức) cho biết anh cùng 2 người đồng hương xuất phát từ hơn 6 giờ sáng tại nhà trọ ở quận 9 định về quê. Tuy nhiên, đến đây thì đường ùn ứ, không thể di chuyển, lực lượng chức năng không giải quyết cho qua chốt kiểm soát dịch.

Trên chiếc xe chất đầy đồ đạc như quạt, nồi cơm điện... trời gần 12h trưa nắng nóng, anh Dũng tìm chỗ có bóng ngồi nghỉ.

Anh chia sẻ thêm, mới vào TP.HCM làm công nhân gần 1 năm thì bị vướng dịch Covid-19 rồi cứ thế bị kẹt lại suốt 3 tháng qua. Suốt 3 tháng không có thu nhập, gia cảnh ở quê thì nghèo khó, anh nói mình không thể nào trụ lại được ở đây.

"Nói thật là tôi thiếu trọ 3 tháng rồi, lúc trả trọ vẫn không có tiền đề gửi người ta nên hẹn lại hết dịch thì trả. May là chủ thương nên thông cảm cho mình. Bây giờ không được về quê, trọ thì trả, quay lại tôi biết ở đâu đây? Về không được, ở cũng không xong", Thanh Niên dẫn lời nam công nhân.

Người dân lao động rời TP HCM: Thiếu tiền trọ đã 3 tháng, chịu hết nổi phải đánh liều về quê - Ảnh 3.

Nhiều người cho biết do mất việc thời gian dài, cuộc sống khó khăn nên mới đánh liều về quê (Ảnh: Tiền Phong)

Tương tự anh Dũng, báo Tuổi Trẻ Online cũng ghi nhận tại khu vực các chốt ở khu du lịch Suối Tiên và trước cổng bến xe Miền Đông mới, nhiều người đi xe máy về quê các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên…

Một nam công nhân làm nghề bốc vác đang chở đồ đạc định về Huế cho biết 3 tháng nay anh thất nghiệp vì dịch, không làm ra tiền nên nợ tiền trọ 2 tháng nay. Đến hiện tại chủ trọ không cho nợ nữa nên anh không còn chỗ ở mới đánh liều đi xe về quê.

Chung cảnh ngộ, một nữ công nhân xí nghiệp may 21 tuổi, tạm trú tại Thủ Đức cho biết chị hẹn về quê Bình Định cùng với một người bạn nhưng đến cửa ngõ thành phố thì không được lực lượng chức năng giải quyết cho về. Nữ công nhân cũng chia sẻ, mấy tháng nay không đến xí nghiệp may làm được, thu nhập không có.

Sau khi đọc tin tức thấy TP HCM kéo dài giãn cách đến 15/9, chị không chịu nổi nên mới đánh liều đi về bởi "ở lại nằm một chỗ không làm ăn được gì thì lấy gì sống".

Đã hỗ trợ để người dân quay về nơi trọ, yên tâm ở lại TP.HCM

Trước tình trạng ùn ứ trên, TP Thủ Đức đã cử công an, quân đội... phát loa, thông báo những ai ở phường nào của quận nào ở TP.HCM thì đứng thành một nhóm, sẽ có cán bộ phụ trách đưa tất cả người dân về lại nơi tạm trú.

Khi cán bộ đưa về đến phường, địa phương sẽ lên danh sách những ai khó khăn thì có phương án hỗ trợ để bà con yên tâm ở lại TP.HCM và cùng TP chống dịch.

Các anh chị tụ tập ở đây cũng không giải quyết được gì. Các anh chị đi về là sai chỉ thị của Chính phủ, ai ở đâu ở đó, mong rằng bà con hiểu như thế. Còn chuyện an sinh, chăm lo đời sống cho người dân, chính quyền địa phương sẽ có trách nhiệm làm việc đó", Tuổi Trẻ Online dẫn lời đại tá Phạm Đức Châu Trần - chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự TP Thủ Đức - giải thích với người dân.

Sau khi nghe giải thích, phần lớn người dân đã hiểu được tình hình dịch bệnh lúc này và sự quan trọng của việc thực hiện nghiêm yêu cầu của chính phủ "ở yên tại chỗ" nên đã đồng ý và đi theo cán bộ về từng phường nơi người dân tạm trú.

Ngay trong tối cùng ngày, VnExpress cho hay, 26 người có hoàn cảnh khó khăn, đã trả phòng thuê, đã được lực lượng chức năng đưa về và vận động chủ nhà trọ cho ở miễn phí. Có 6 người quê An Giang, Long An được UBND phường Long Bình tìm giúp nhà trọ, nhận phần quà trị giá 800.000 đồng (300.000 đồng lương thực và 500.000 đồng tiền mặt).

Sau 38 ngày thực hiện Chỉ thị 16 và 16 tăng cường (từ ngày 31/5), TP HCM đã quyết định kéo dài đợt giãn cách xã hội thêm một tháng đến 15/9, với nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó" để phòng chống dịch Covid-19.

Chính quyền thành phố tiếp tục yêu cầu người dân không ra khỏi nhà sau 18h đến 6h hôm sau.

Tính từ 18h ngày 14/8 đến 18h30 ngày 15/8, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 4.516 ca mắc mới Covid-19.

(Tổng hợp)


CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.