Cảnh "gà trống nuôi con"
Anh Nguyễn Văn Lâm (39 tuổi) ở thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) thuộc diện hộ cận nghèo. Anh cùng mẹ già và 2 con nhỏ sống trong căn nhà cấp 4 xuống cấp nằm lọt thỏm giữa thôn.
Mẹ của anh là bà Nguyễn Thị Minh nghẹn ngào khi nghĩ tới những khổ đau mà anh Lâm đã trải qua trong suốt 39 năm cuộc đời. Từ năm 4 tuổi, anh Lâm đã mồ côi cha, chịu bao thiệt thòi khi thiếu vắng đi bàn tay chăm sóc của bố.
Bà Minh bùi ngùi cho Dân Trí biết: Người chồng của bà đã qua đời từ 35 năm trước, bởi căn bệnh gan quái ác. Để theo đuổi việc chữa bệnh cho chồng, có thứ gì bán được bà Minh đã bán, thậm chí ngôi nhà đang ở cũng phải bán. Sau khi chồng mất, bà con trong thôn mỗi người góp một chút, cất một căn nhà nhỏ trên mảnh đất mượn của Hợp tác xã ngoài rìa cánh đồng, để mẹ con bà Minh sống qua ngày.
Căn nhà của mẹ con bà Minh. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống
Một mình bà Minh nuôi đông con lại nhà nghèo nên cũng không thể cho anh Lâm đi học. Anh Lâm từ nhỏ đã phải làm đủ mọi việc phụ mẹ nuôi các em.
Theo Sức khỏe & Đời sống, năm 2009, anh xây dựng gia đình riêng, những tưởng cuộc sống của anh từ đây sẽ chỉ toàn hạnh phúc bên gia đình nhỏ với sự ra đời của 3 đứa con.
Thế nhưng cuộc sống 10 năm bên nhau với nhiều mâu thuẫn, bất đồng, vợ chồng anh đã phải ly thân rồi ly hôn. Bố mẹ chia tay, bé Nguyễn Tùng A. (12 tuổi) và bé Nguyễn Thùy D. (10 tuổi), được anh Lâm nuôi dưỡng còn con út thì đi theo mẹ.
Sau khi chia tay vợ, anh Lâm tiếp tục gồng mình lên nuôi 2 con. Để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống và lo cho 2 con đi học đầy đủ, anh Lâm làm nghề sửa chữa máy giặt. Anh làm ngày làm đêm, dù vất vả nhưng vẫn cố gắng làm tốt vai trò "gà trống nuôi con".
Căn bệnh u não ác tính
Cuộc sống của ông bố đơn thân cứ tưởng sẽ lặng lẽ trôi, chỉ cần chăm chỉ là được nhưng không, ông trời lại thử thách cuộc đời người cha khốn khổ lần nữa.
Năm 2020, anh Lâm có triệu chứng đau đầu liên miên nhưng anh cố chịu đựng vì nghỉ làm ngày nào thì mẹ già và con thơ đói ăn ngày đó. Rồi bệnh ngày một nặng lên, anh ngất xỉu rồi bất tỉnh ở chỗ làm.
Vào viện trong tình trạng nguy kịch, sau các thăm khám, xét nghiệm, bác sĩ thông báo anh Lâm bị ung thư não. Lời bác sĩ như sét đánh ngang tai, khiến cuộc sống của gia đình trở thành một chuỗi ngày cùng cực.
Thời điểm đó, khối u đã quá lớn, bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật gấp nên bà Minh phải vay mượn đủ nơi mới có tiền mổ. Ca phẫu thuật thành công giữ được tính mạng cho anh Lâm, thế nhưng cũng từ đó mà cuộc sống của gia đình lâm vào bần cùng.
Trụ cột gia đình nằm một chỗ, các con nheo nhóc ở nhà bên bà nội gần 80 tuổi sức tàn lực kiệt, không thể làm ra kinh tế nên gia đình gần như vô vọng khi bác sĩ thông báo cần tới 300 triệu để hóa trị, xạ trị.
Tiền để chi tiêu còn không có, bà Minh biết lấy đâu tiền chạy chữa tiếp cho anh Lâm đây. Không muốn trở thành gánh nặng cho các con và mẹ, anh Lâm cương quyết xin về nhà để chờ đợi cái chết từ từ đến với mình.
"Nó thương mẹ, thương các con nên cứ xin về. Nó bảo không muốn cả nhà phải mang nợ vì nó nữa. Nó dặn, sau này nó có thế nào cũng không để mấy đứa con nó đứt bữa. Về nhà được ít hôm thì nó yếu dần đi, giờ không nói được nữa mà chỉ nhìn mẹ, nhìn các con rồi khóc", bà Minh vừa nói với PV Vietnamnet vừa khóc nức nở.
Sau khi anh Lâm về điều trị tại nhà, 2 đứa trẻ có ngày phải nhịn đói vì bà nội không kiếm ra tiền trong khi tiền phẫu thuật còn chưa trả nổi, chủ nợ ngày nào cũng đến nhà tìm.
Nhìn gia đình rơi vào bĩ cực, anh Lâm đau đớn nhưng không thể nói sau ca mổ, chỉ hướng ánh mắt xót xa, đau khổ nhìn các con. Đôi lúc, những giọt nước mắt lại lăn dài nơi khóe mắt vì anh không dám nghĩ những tháng ngày sau này, số phận sẽ đẩy những đứa trẻ tội nghiệp của anh về đâu.
Cái kết buồn
Những ngày đầu tháng 4, sức khỏe anh Lâm đã khá lên đôi chút. Giữa lúc hy vọng của gia đình mới được nhen nhóm trở lại, thì anh Lâm đã mất, chính thức đầu hàng số phận.
Anh Nguyễn Văn Duẩn (em trai anh Lâm) chia sẻ với PV Dân Trí qua điện thoại: "Anh Lâm mất rồi ạ. Anh đi lúc 5h30 ngày 17/4. Mấy hôm trước sức khỏe của anh đã khá hơn, vậy mà rồi lại đột ngột yếu đi nhanh chóng. Dù đã được gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, nhưng anh vẫn không qua khỏi".
Để chữa bệnh cho anh Lâm suốt 2 năm qua, gia đình đã nợ số tiền lớn. Gia đình không có đất đai hay tài sản gì đáng giá để thế chấp nên chỉ có thể vay ngoài, từ người thân cho đến vay lãi. Anh Lâm ra đi khi gia đình vẫn còn nợ đến 300 triệu đồng.
Thương những đứa cháu tội nghiệp nhưng bà nội mắt đã mờ, chân đã chậm nên cũng không biết những ngày tới phải sống sao. "2 đứa đang tuổi ăn tuổi lớn, giờ bố như thế, có hôm không có gì ăn, tôi đau lòng lắm, nhưng đành bất lực…", người bà lại ứa nước mắt.
Tổng hợp