Nhập viện cấp cứu vì ăn dứa
Nhiều người ăn dứa thường bị ngứa lưỡi. Họ cho rằng đây là triệu chứng rất bình thường.
Theo TS.BS Bùi Văn Khánh - Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ngứa lưỡi khi ăn dứa là một trong những triệu chứng dị ứng. Bác sĩ Khánh đã từng gặp trường hợp bệnh nhân sốc phản vệ nguy kịch với dứa phải nhập viện cấp cứu.
Một số phản ứng bất lợi liên quan đến dứa đã được báo cáo như: kích ứng niêm mạc, hội chứng dị ứng miệng hoặc sốc phản vệ sau ăn dứa. Phản ứng thường gặp nhất là kích ứng niêm mạc.
Nguyên nhân của tình trạng kích ứng niêm mạc khi ăn dứa là do trong dứa có chứa bromelain – một loại enzyme phân hủy protein ở niêm mạc lưỡi, má. Bởi vậy, khi chúng ta ăn nhiều dứa thường xuất hiện triệu chứng ngứa, rát lưỡi. Phản ứng này sẽ hết khi các tế bào của cơ thể tự chữa lành.
Bác sĩ Khánh phân tích thêm: "Hội chứng dị ứng miệng là tình trạng người bệnh có dị ứng với phấn hoa từ trước, phấn hoa này có cấu trúc tương đối giống profilin (Ana c1) – một loại protein có trong dứa. Điều này gây hiện tượng dị ứng chéo.
Người bệnh thường có biểu hiện ngứa, sưng môi lưỡi và hầu họng khi ăn dứa. May mắn là profilin không bền với nhiệt và bị phá hủy khi nấu ăn. Bởi vậy người bệnh vẫn có thể ăn các món ăn có dứa đã được nấu chín.
Đối với trường hợp bị phản vệ với dứa là tình trạng dị ứng thực sự do quá trình phân hủy tế bào mast (Mastocytosis) qua trung gian IgE. Người bệnh có thể có biểu hiện mày đay, phù mạch, ho, khó thở, nôn vọt, tụt huyết áp.
Để phòng tránh phản vệ với dứa, người bệnh tuyệt đối không được ăn dứa và được hướng dẫn sử dụng bút tiêm adrenalin tự động trong trường hợp cấp cứu".
Bác sĩ Khánh lưu ý: "Ở những người có cơ địa dị ứng, sau ăn dứa có thể xuất hiện hội chứng dị ứng miệng hoặc phản vệ nguy kịch. Người bệnh có thể có biểu hiện ngứa, sưng, miệng, lưỡi, hầu họng, mày đay, phù mạch, nôn mửa, khó thở thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời", bác sĩ Khánh nói.
Phát hiện triệu chứng dị ứng
Dị ứng, phản vệ với các loại thực phẩm khá thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, mỗi gia đình nên có thuốc chống dị ứng trong nhà. Bên cạnh đó mọi người cần có kiến thức phòng tránh và xử lý tình huống khi xảy ra dị ứng.
Theo đó cần nhận biết các triệu chứng dị ứng với thức ăn bằng cách quan sát. Người bệnh sau khi ăn các thức ăn lạ, thức ăn nghi ngờ gây dị ứng có thể xuất hiện các biểu hiện:
+ Da, niêm mạc xuất hiện ban đỏ, ngứa, mày đay; sưng phù môi, mắt, lưỡi.
+ Đường thở: Chảy nước mũi, ngạt mũi, thở nhanh, nghẹn họng, khó thở.
+ Đường tiêu hóa: Nôn vọt, tiêu chảy, đau quặn bụng.
+ Tim mạch: Mạch nhanh, huyết áp tụt.
+ Ý thức: chóng mặt, lơ mơ, ngất xỉu.
Khi có biểu hiện ở từ hai cơ quan trở lên, ví dụ biểu hiện da và đường thở, người bệnh có thể đang gặp tình trạng sốc phản vệ và cần được cấp cứu. Lúc này bạn nên:
+ Cho người bệnh ngừng tiếp xúc ngay lập tức với thức ăn gây dị ứng hoặc nghi ngờ gây dị ứng.
+ Gọi cấp cứu 115 để được hỗ trợ.
+ Nếu người bệnh đã từng được chẩn đoán dị ứng và có bút tiêm tự động adrenalin, hãy giúp họ sử dụng bút tiêm nếu cần.
+ Cố gắng giữ người bệnh bình tĩnh.
+ Cho người bệnh nằm ngửa, nâng cao chân của họ (khoảng 12 inch).
+ Cho người bệnh nằm nghiêng nếu họ bị nôn.
+ Nới lỏng quần áo của người bệnh để họ thở dễ dàng.