Kể từ khi đọc cuốn sách "Why We Sleep" của Matthew Walker, tôi càng hiểu rõ giấc ngủ ảnh hưởng thế nào đến từng tế bào, cũng như việc thiếu ngủ có thể tác động ra sao đến cơ thể.
Tôi tự hứa với bản thân sẽ ngủ ít nhất 7 tiếng/ngày để cải thiện năng suất lao động, cảm thấy hứng khởi hơn trong ngày mới. Tôi lên giường lúc 23h hàng đêm và thức giấc vào lúc 6h mỗi sáng. Thế nhưng kỳ lạ thay, tôi vẫn cảm thấy uể oải và ngái ngủ trong suốt quãng thời gian sau đó, đặc biệt là vào lúc 16h.
Tôi thử ngủ thêm nửa tiếng/ngày và cảm thấy tình trạng cải thiện hơn. Tuy nhiên, sau 2 tuần ngắn ngủi, điều kỳ diệu đó cũng biến mất. Tôi tiếp cảm thấy mệt mỏi kể cả sau khi đã có một giấc ngủ ngon và dài.
Ngoài ra, trong lúc ngủ, tôi liên tục thức giấc khoảng 7-8 lần. Đây là hiện tượng không hiếm gặp, nhưng riêng tôi phải mất đến 10 phút mới có thể quay trở lại giấc ngủ. Việc này diễn ra suốt 4 ngày, đến mức tôi phải tăng thời gian ngủ lên 8 tiếng để bù lại những lúc tỉnh giấc.
Dù vậy, mọi chuyện vẫn ngày càng tồi tệ hơn. Tôi vẫn không cảm thấy thư giãn do liên tục thức dậy giữa đêm. Cuối cùng, tôi đành kiểm tra lại thời gian biểu, xem điều gì đang ảnh hưởng xấu tới mình.
- Ăn uống: Tôi tiêu thụ khá nhiều chất xơ trong ngày. Một vài thực phẩm khác mà tôi cũng hay ăn gồm có: trứng, táo, cam, sữa chua, sữa tươi, hạnh nhân,... Mọi thứ đều rất bổ dưỡng, nên đây có lẽ không phải là nguyên nhân gây ảnh hưởng tới giấc ngủ của tôi.
- Chất lượng giấc ngủ: Tôi nằm trên một chiếc đệm êm ái cùng bộ chăn ga rất dễ chịu. Ánh sáng được giữ ở mức tối thiểu nên không tác động nhiều đến đôi mắt tôi
- Hoạt động thường ngày: Mỗi ngày, tôi đều làm việc, tập gym, viết blog, dùng máy tính và điện thoại,...
Tới lúc này, sai lầm khủng khiếp của tôi mới được tiết lộ. Do dịch bệnh, tôi thường xuyên phải làm việc online, đồng nghĩa với việc dành hàng giờ đồng hồ bên máy tính và điện thoại.
Ăn xong là tôi dùng máy tính. Tập thể dục xong tôi lại dùng máy tính. Trò chuyện với người thân xong, tôi cũng dùng máy tính. Trước khi lên giường lúc 11h, tôi vẫn sử dụng điện thoại khoảng 20 phút, hoặc tranh thủ mở laptop hoàn thành công việc.
Các nhà khoa học đã chứng minh, ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử có thể ức chế sản sinh melatonin - chất giúp chúng ta cảm thấy buồn ngủ. Phát hiện ra điều này, tôi quyết định ngừng sử dụng các thiết bị điện tự ít nhất 30 phút trước khi lên giường, theo khuyến cáo của Hiệp hội Giấc ngủ Quốc gia.
Sau khi thay đổi thói quen, kết quả mà tôi nhận được kỳ diệu đến không ngờ!
Trải qua 3 đêm không dùng thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ, tôi đã có được một giấc ngủ ngon, liền mạch suốt 7,5 tiếng. Tôi thức dậy với một tâm trạng phấn khởi và tràn đầy năng lượng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, vì lý do công việc, không phải lúc nào tôi cũng tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc này. Để khắc phục, tôi bật chế độ lọc ánh sáng xanh trên máy tính và điện thoại của mình. Màn hình sẽ chuyển sang màu vàng nhẹ hơi khó nhìn, nhưng giúp bảo vệ đôi mắt và não bộ của bạn.
***
Trong xã hội hiện đại, chúng ta bị ám ảnh quá mức bởi các thiết bị điện tử, từ đó tiếp xúc không ngừng với ánh sáng xanh. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ mà chúng ta chẳng hề hay biết.
Do đó, trong vài ngày tới, hãy thực hiện những thói quen sau đây để có một giấc ngủ ngon hơn:
- Ngừng sử dụng các thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước giờ đi ngủ.
- Bật chế độ lọc ánh sáng xanh khi sử dụng máy tính hoặc điện thoại vào buổi tối.
- Đánh giá lại chất lượng giấc ngủ mình sau khi thực hiện những thay đổi trên.
Nếu không thấy thay đổi gì về chất lượng giấc ngủ, bạn đừng vội bỏ cuộc. Cứ tiếp tục duy trì những thói quen này, vì về lâu dài, chúng sẽ giúp giảm thiểu tác hại của ánh sáng xanh lên mắt và não bộ của bạn.
(Bài chia sẻ của Samir S. - blogger về sức khỏe và thể chất trên trang Medium)