Ngủ dậy thấy tay xuất hiện dấu hiệu này, cảnh giác u não “hoành hành”: Cô gái trẻ 25 tuổi cảnh báo mọi người!

Nhung Mai | 09-01-2022 - 17:44 PM

(Tổ Quốc) - Sau cuộc phẫu thuật não kéo dài 6 giờ, cô gái 25 tuổi này cảm thấy tự hào về sự quyết đoán và dũng cảm của bản thân.

Vào tháng 10/2020, Danielle Soviero, 25 tuổi, thức dậy và cảm thấy tê liệt một bên cơ thể. Cô là giáo viên mầm non sống tại Long Island, New York. Vào thời điểm đó, Danielle vừa trở lại giảng dạy trực tiếp sau nhiều tháng phải dạy học online vì dịch bệnh.

Cô gái trẻ vươn tay tắt chuông báo thức nhưng ngay lập tức cảm thấy có điều gì không ổn. Danielle cho biết: “Tôi nhanh chóng nhận ra tay đã mất cảm giác. Dù vậy, hiện tượng này không khiến tôi lo lắng vì có lẽ tất cả chỉ do thói quen ngủ sai tư thế”.

Buổi sáng bất thường

Bị tê tay sau khi ngủ dậy, người phụ nữ này không thể ngờ đây là triệu chứng cảnh báo có một khối u trong não - Ảnh 1.

Danielle đã coi nhẹ triệu chứng tê tay và chỉ nghĩ bản thân bị chèn ép dây thần kinh lúc ngủ.

Danielle hoàn toàn khỏe mạnh cho đến khi cô bị tê tay phải. Người phụ nữ này chia sẻ: “Tôi loạng choạng bước ra khỏi giường, định đánh răng nhưng cánh tay vẫn còn tê cứng. Hiện tượng này thực sự hơi lạ. Tôi vơ vội đồ đạc, nhanh chóng đến trường để kịp giờ dạy. Cánh tay vẫn tê và ngứa ran trong suốt nhiều tuần sau đó”.

Thay vì đến gặp bác sĩ, cô lại tự chẩn đoán tại nhà thông qua Google và các trang web tương tự. Theo Danielle: “Tôi không nói với gia đình về hiện tượng này vì không muốn họ lo lắng”.

Mọi chuyện dần trở nên tồi tệ hơn vào tháng 11 khi việc cầm nắm đồ vật trở nên khó khăn. Cô cho biết: “Khi về đến nhà, tôi bắt đầu nói lắp, nói lảm nhảm và phát âm các từ không rõ chữ. Điều này thực sự làm tôi sợ hãi. Tôi ngay lập tức gọi cho cha mẹ rồi đặt lịch hẹn khám bác sĩ”.

Sau khi nghe kể về các triệu chứng, bác sĩ chuyên khoa thần kinh đã đưa Danielle đi chụp cộng hưởng từ não. Cô gái trẻ không hề nghĩ tới đây mới chỉ là khởi đầu cho nhiều lần chụp sau này.

Tìm kiếm câu trả lời

Bị tê tay sau khi ngủ dậy, người phụ nữ này không thể ngờ đây là triệu chứng cảnh báo có một khối u trong não - Ảnh 2.

Sau một thời gian bị tê tay, nói lắp và đau đầu, Danielle đã tìm tới sự trợ giúp từ bác sĩ.

Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy cô có một khối u nhỏ nằm trong não, còn gọi là u máu dạng hang (CCM). Đây là tình trạng hiếm gặp và hầu như lành tính. Tuy nhiên, Danielle lại không may mắn nằm trong số 40% những người gặp phải các triệu chứng do khối u này gây ra như xuất huyết, kích thích trong não.

Cô chia sẻ: “Đầu tôi quay cuồng và tai ù đi sau khi nghe những gì bác sĩ nói. Tôi đổ đầy mồ hôi”.

Bác sĩ tiếp tục theo dõi khối u và khuyên cô gái trẻ đừng suy nghĩ nhiều về điều này. Tình trạng xuất huyết có thể chỉ xảy ra một lần và không bao giờ xuất hiện nữa.

Tuy nhiên, tới tháng 4 năm ngoái, Danielle đã phải trải qua một cơn đau nửa đầu kinh khủng nhất trong cuộc đời. Chúng ập đến vào nửa đêm và đánh thức cô khi đang ngủ. Danielle chia sẻ: “Cơn đau xuyên thấu trong đầu tôi. Tôi nghĩ mình sắp chết. Về sau tôi mới biết có lẽ lúc đó khối u đang chảy máu”.

Đi đến quyết định

Bị tê tay sau khi ngủ dậy, người phụ nữ này không thể ngờ đây là triệu chứng cảnh báo có một khối u trong não - Ảnh 3.

Danielle thậm chí đã nghỉ dạy một năm để điều trị và hồi phục sau phẫu thuật.

Cô gái trẻ đã dành nhiều đêm để tự nghiên cứu tình trạng của bản thân. Sau khi nhận ra phẫu thuật là một lựa chọn phù hợp, Danielle đã tham khảo ý kiến của một số bác sĩ chuyên khoa thần kinh trước khi đi đến quyết định.

Tại thời điểm đó, dù khối u không còn gây xuất huyết, các mô xung quanh cũng đã chịu ảnh hưởng. Hơn nữa, khả năng hiện tượng này xuất hiện trở lại là rất cao vì khối u đã gây xuất huyết hai lần trong một khoảng thời gian ngắn.

Vào tháng 7/2021, cô gái trẻ được đưa đi phẫu thuật. Do ảnh hưởng từ dịch bệnh, bác sĩ chỉ cho phép một người thân vào bệnh viện cùng Danielle. Bác sĩ tiến hành chụp cộng hưởng từ một lần nữa và nhận thấy khối u đã phát triển gấp 3 lần kể từ lần chụp trước. Nếu không can thiệp kịp thời, cô có thể bị xuất huyết nghiêm trọng, gây đột quỵ hoặc thậm chí tử vong.

Sau ca phẫu thuật não kéo dài 6 giờ, Danielle bắt đầu quá trình hồi phục. Cô chia sẻ: “Cha mẹ tôi đều ở đó với đôi mắt đẫm lệ chào đón tôi. Tuy nhiên, tôi sớm nhận ra mình không thể nói được. Bác sĩ cho rằng đây có thể là ảnh hưởng tạm thời sau cuộc phẫu thuật, bắt nguồn từ vị trí tổn thương trong não”.

Từ một cô gái 25 tuổi sống tự lập, Danielle hiện đã phải hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình. Cô bắt đầu tham gia các khóa trị liệu hai lần một tuần để lấy lại giọng nói và hồi phục sau phẫu thuật.

Hiện tại, Danielle rất vui mừng vì kết quả chụp cộng hưởng từ gần nhất cho thấy khối u không có dấu hiệu mọc lại hoặc xuất hiện thêm. 

Nhìn lại những gì đã trải qua, cô gái 25 tuổi này cảm thấy tự hào về sự dũng cảm của bản thân. Theo Danielle: “Nếu không đưa ra quyết định, tôi có lẽ đã không được như bây giờ hoặc mọi thứ có thể chuyển biến theo hướng tồi tệ hơn. 

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải trải qua một cuộc phẫu thuật não. Tôi đã không nghĩ mình đủ mạnh mẽ để vượt qua tất cả. Tuy nhiên, sự thật chứng minh tôi đã sai”.

(Nguồn: Pre)

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM