Ngôi nhà an toàn cho trẻ lớn khôn từng ngày

Quang Vũ | 12-08-2022 - 12:52 PM

(Tổ Quốc) - Óc hiếu kỳ, tính hiếu động của trẻ con và sự chủ quan, bất cẩn của người lớn khiến nhiều tai nạn thương tích xảy ra ngay chính tại nhà.

Chương trình giáo dục cộng đồng Sinh Con, Sinh Cha khuyên cha mẹ hãy nhìn ngôi nhà theo cách nhìn của con để sắp xếp không gian sống hợp lý và bảo vệ trẻ khỏi các rủi ro tai nạn, và đưa ra các lưu ý quan trọng để đảm bảo an toàn cho con tại gia đình, đặc biệt là khi con trẻ dành nhiều thời gian ở nhà hơn trong mùa hè này.

Nhà chưa hẳn là nơi an toàn với trẻ

Một báo cáo của Tổ chức Global Health Advocacy Incubator cho biết, 55% các tai nạn thương tích (TNTT) của trẻ xảy ra tại nhà hoặc xung quanh nhà, và đây cũng là tỷ lệ cao nhất khi so sánh các địa điểm trẻ dễ gặp tai nạn nhất. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y Tế, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ em bị TNTT.

Vậy mới thấy rằng, nhà tưởng chừng như là nơi an toàn nhất vẫn có thể là nơi ẩn chứa nhiều hiểm nguy cho con trẻ nếu người lớn lơ là, thiếu cẩn trọng. Chẳng hạn như hạt đậu phộng, chiếc cúc áo gây hóc dị vật đường thở; dao - kéo để hớ hênh; bàn là quên cất; bếp gas quên khoá…

Ngôi nhà an toàn cho trẻ lớn khôn từng ngày - Ảnh 1.

Rất nhiều tai nạn thương tích của trẻ xảy ra trong chính ngôi nhà

Nguyên nhân dẫn đến TNTT thường là sự cộng hưởng của nguyên nhân chủ quan: óc hiếu kỳ, tò mò khám phá thế giới xung quanh đặc trưng của trẻ nhỏ, và nguyên nhân khách quan: sự chủ quan, bất cẩn của người lớn.

Để chốn yêu thương là nơi an toàn cho con khôn lớn

Cha mẹ không nên vì quá lo lắng hoặc vì muốn đảm bảo an toàn cho con mà ngăn cấm hoặc la mắng khi con hiếu động, nghịch ngợm, khám phá lúc ở nhà. Bởi theo "Sinh Con, Sinh Cha" những năm đầu đời, đặc biệt, từ 0 đến 6 tuổi là thời kỳ "vàng" trong tiến trình phát triển của trẻ. Ở giai đoạn này, não bộ của trẻ phát triển và hoàn thiện tới 80% với tốc độ tiếp thu học hỏi nhanh gấp hàng trăm lần các giai đoạn sau đó.

Thay vào đó, giải pháp tối ưu để phòng tránh TNTT là cha mẹ nên chủ động tạo lập môi trường an toàn cho con - nhất là khi trẻ còn quá nhỏ và chưa thể tiếp thu lời ba mẹ dặn dò. Vậy thì làm thế nào để tạo lập môi trường an toàn cho con tại nhà? Ngay bây giờ, cha mẹ có thể dạo một vòng quanh nhà cùng với "checklist" dưới đây của "Sinh Con, Sinh Cha" để xem các hạng mục trong nhà có đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ chưa. Hãy cố gắng nhìn ngôi nhà và đồ vật theo cách nhìn của con để hình dung được trẻ sẽ có thể tiếp cận và ‘chơi’ với những đồ vật này ra sao, và chúng có thể gây nguy hiểm như thế nào cho trẻ để từ đó có các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ.

Đồng thời, cha mẹ hãy cùng nhau trao đổi về các thói quen, hành động tiềm ẩn rủi ro trong nếp sinh hoạt hàng ngày của gia đình, nhắc nhở nhau về các nguy cơ gây TNTT cho trẻ.

Tai nạn về điện: Che các ổ điện, buộc gọn dây, và cất các thiết bị dùng điện khỏi tầm với của trẻ. Sử dụng các thiết bị điện tử, đồ sạc chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng. Hạn chế sử dụng hoặc cho trẻ sử dụng các thiết bị khi đang sạc.

Tai nạn đuối nước: Không để trẻ tắm hay ở gần chậu nước, bồn tắm một mình. Làm tường rào, lấp kín những ao hồ không cần thiết, làm nắp đậy chắc chắn cho giếng nước, lu chứa nước trong gia đình. Trang bị kỹ năng bơi cho trẻ từ sớm.

Tai nạn bỏng: Khi ăn hay chuẩn bị thức ăn, hãy đảm bảo đồ ăn nóng không để gần trẻ hay có nguy cơ đổ, vãi. Luôn kiểm tra nhiệt độ nước phù hợp không làm tổn thương da trẻ. Giữ trẻ tránh xa khu vực làm bếp và các thiết bị bếp, lò vi sóng, bình gas…

Tai nạn thương tích: Cần chống trơn trượt trong nhà, trong buồng tắm. Sử dụng các tấm chắn ở cầu thang, lan can, cửa ra vào. Để dao, kéo, các đồ vật sắc nhọn xa tầm với của trẻ. Bao bọc các đồ vật, dụng cụ sắc nhọn trong nhà bằng các đầu mút an toàn.

Tai nạn về hoá chất: Các hóa chất độc hại, thuốc men cần được cất kín trong tủ để trẻ không mở được, lấy được. Đồ chơi của trẻ cũng nên được đảm bảo an toàn về chất liệu.

Tai nạn ngạt đường thở: Loại bỏ các đồ chơi nhỏ, đảm bảo môi trường thoáng khí, không khói thuốc, và giường của trẻ không có nhiều đồ chơi dễ hóc hay thú nhồi bông, chăn màn dễ gây ngạt thở.

Ngoài ra, cha mẹ có tham khảo cách tiếp cận "lạc mềm buộc chặt" của bố Xuân Bắc khi trang bị cho con kiến thức về TNTT thay vì ngăn cấm, la mắng qua tập phim "Ngôi nhà an toàn cho trẻ" trong chuỗi tiểu phẩm giáo dục về làm cha mẹ trực tuyến của "Sinh Con, Sinh Cha"

"Sinh Con, Sinh Cha" tập 10 – Ngôi nhà an toàn dành cho trẻ

Cha mẹ có thể theo dõi fanpage The Human Safety Việt Nam hoặc tham gia cộng đồng Sinh Con - Sinh Cha để tìm hiểu thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm hữu ích trong việc chăm sóc sức khỏe thể chân, tinh thần, cũng như phát triển trí tuệ và các hành vi tích cực của trẻ. Sinh Con, Sinh Cha là chương trình giáo dục cộng đồng về làm cha mẹ được biên soạn và xây dựng bởi Generali Việt Nam và Quỹ BTTEVN với tài liệu tham khảo từ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM