Ánh mắt hai người bắt gặp nhau. Như một dòng điện chạy qua, cả hai cảm giác đã gặp đúng định mệnh của đời mình. Buổi hẹn hò thứ nhất, thứ hai, thứ ba trôi qua… họ chính thức trở thành một cặp đôi, mối quan hệ được công khai và dường như không chuyện gì có thể hoàn hảo hơn thế.
Nhìn mọi thứ qua lăng kính màu hồng là hiện tượng phổ biến khi các cặp đôi mới bắt đầu mối quan hệ. Khoảng 6 tháng đến 1 năm đầu tiên được ví với thời kỳ trăng mật khi người đồng hành mới và tình yêu mới trong mắt bạn thật hoàn hảo.
Sau thời kỳ trăng mật, mọi chuyện dần thay đổi. Những khiếm khuyết mà trước đây đôi bên không thấy ở nhau bắt đầu lộ ra, những cuộc cãi vã thường khó tránh khỏi. Đây cũng là lúc nhiều người cảm thấy họ không nhận được mọi thứ mình cần trong một mối quan hệ. Những điều nhỏ nhặt họ muốn hay họ cần bị thiếu và chúng trở thành mầm mống của các phi vụ ngoại tình tư tưởng.
Ngoại tình tư tưởng xảy ra khi một người có mối gắn kết về mặt tình cảm với người thứ ba thay vì với đối tác yêu đương chính thức của mình. Ban đầu đó có thể chỉ là tình bạn đơn thuần nhưng qua thời gian sợi dây kết nối tình cảm dần trở nên bền chắc hơn.
Những lý do nào khiến một số người dễ có xu hướng ngoại tình tư tưởng nhiều hơn người khác?
Họ muốn được công nhận nhiều hơn
Nếu ai đó thiếu tự tin, họ thường muốn được công nhận nhiều hơn người bình thường. Nếu họ ở trong một mối quan hệ mà họ không cảm thấy mình được công nhận, được trân trọng đủ, họ sẽ tìm kiếm điều đó ở nơi nào đó ngoài mối quan hệ chính thức đang có. Ví dụ đăng hình selfie, khêu gợi để nhận và trả lời các bình luận tán tỉnh từ các bên thứ ba hoặc cần nhiều lời khen không chỉ từ người yêu để cảm thấy hài lòng về chính mình.
Họ không thể xây dựng cho mình những giới hạn lành mạnh
Thường thì người thiếu giới hạn dễ cởi mở mình và đón nhận tình cảm từ nhiều người.
Các mối quan hệ được hình thành vì người này vô cùng quan trọng trong mắt của người kia hoặc vì một người cảm thấy họ cần "bảo vệ" đối phương, hoặc họ có nhu cầu cảm thấy mình là người quan trọng của ai đó. Việc này có thể khởi phát từ mục đích tốt, nhưng với những người không biết đặt ra những giới hạn rõ ràng, họ có thể dễ bị thân thiết ngoài mức cần thiết với những đối tượng không phải người yêu của mình.
Thiếu sự tôn trọng trong mối quan hệ
Hai người yêu nhau có thể có nhiều sự khác nhau trong quan điểm sống. Đây chưa hẳn là việc xấu, chỉ là nếu một bên thiếu tôn trọng những giá trị khác biệt mà đối phương vẫn đề cao, mâu thuẫn rất dễ xảy ra.
Cả hai bên đều cảm thấy sự thiếu kết nối vì những gì mình nghĩ không được người kia đề cao. Thế là họ gặp khó khăn trong việc chia sẻ suy nghĩ của mình cho đối phương biết vì dù sao thì người kia cũng đâu có hiểu mình. Nếu việc né tránh xung đột tiếp diễn lâu dài, sẽ rất khó khăn để hai bên có được những cuộc trò chuyện thật lòng để nói ra những gì họ nghĩ, một điều vô cùng cần thiết để mối quan hệ trở nên lành mạnh.
Thế là thay vì lao mình vào việc khó, một số người tìm đến con đường dễ hơn là tìm kiếm những đối tượng hiểu mình hơn, họ không thẳng thắn bày tỏ với người yêu và mối quan hệ chính thống ngày càng lỏng lẻo.
Họ thích cảm giác mới lạ của những mối quan hệ mới
Các mối quan hệ lâu năm thường đem lại cảm giác an toàn. Với người "nghiện" giai đoạn trăng mật ngọt ngào, họ không thể chịu nỗi thất vọng khi mối quan hệ ngày càng nhàm chán. Mối quan hệ lâu năm lành mạnh có sự an toàn và chắc chắn nhưng cũng không tránh khỏi sự khác biệt so với những ngày đầu mới yêu.
Sau tất cả, có những người không thuộc về nhau. Điều đó không hẳn là có ai đó trong hai người có vấn đề. Đó cũng không phải lỗi của bạn nếu mối quan hệ đi vào ngõ cụt, nhưng nếu bạn có rơi vào hoàn cảnh đấy, thay vì ngoại tình tư tưởng, bạn nên chấm dứt mối quan hệ một cách đàng hoàng để cả hai có thể tìm kiếm một nửa phù hợp với mình một cách tử tế.