Ngoài Nhật Bản, Mỹ cũng là quốc gia triển khai chương trình dinh dưỡng học đường hiệu quả

Quang Vũ | 05-12-2024 - 07:00 AM

Các đạo luật dinh dưỡng giúp học sinh Mỹ có được những bữa ăn lành mạnh với mức giá ưu đãi hoặc miễn phí hoàn toàn.

Nhiều đạo luật dinh dưỡng học đường được ban hành ở Mỹ

Tại Hội thảo Dinh dưỡng người Việt (Lần II) - Dinh dưỡng học đường mới được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10/2024, GS. Nakamura Teiji - Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai thành công Chương trình Bữa ăn học đường tại nước này.

Nhờ có sự can thiệp kịp thời về dinh dưỡng học đường mà Nhật Bản từ quốc gia nằm trong nhóm có chiều cao thấp nhất khu vực và thế giới đã "lột xác" ngoạn mục về tầm vóc.

Trước năm 1950, chiều cao trung bình của nam giới Nhật là 1m50, nữ là 1m49. Đến năm 2023, theo kết quả khảo sát của bộ Y Tế, Lao Động và Phúc Lợi Nhật Bản (MHLW), chiều cao trung bình của nam là 1m72, nữ 1m58, thuộc nhóm quốc gia cao nhất Châu Á.

Ngoài Nhật Bản, Mỹ cũng là quốc gia triển khai chương trình dinh dưỡng học đường hiệu quả - Ảnh 1.

GS. Nakamura Teiji

Ngoài Nhật Bản, nhiều nước trên thế giới cũng đã can thiệp dinh dưỡng học đường hiệu quả, trong đó có phải kể tới Mỹ. Nước này từng ban hành nhiều đạo luật dinh dưỡng như Đạo luật Bữa trưa Học đường Quốc gia năm 1946, Đạo luật Dinh dưỡng Trẻ em năm 1966, Đạo luật Trẻ em khỏe mạnh, không đói năm 2010. Các đạo luật này nhằm giúp học sinh có bữa ăn dinh dưỡng, cân bằng chất, giảm thiểu tỷ lệ béo phì, đồng thời hỗ trợ hoàn toàn hoặc phần lớn chi phí bữa ăn...

Có mặt trong buổi hội thảo, Ths. Josselyn Neukom - Th.s Quản trị công tại trường Đại học Princeton đã chia sẻ cụ thể cách nước Mỹ và thế giới triển khai hiệu quả chương trình dinh dưỡng học đường.

Ngoài Nhật Bản, Mỹ cũng là quốc gia triển khai chương trình dinh dưỡng học đường hiệu quả - Ảnh 2.

Ths. Josselyn Neukom

Từ bữa trưa "ăn lấy no" đến bữa trưa lành mạnh

Trong quá khứ, bữa trưa của học sinh tại Mỹ được cho là "ăn lấy no". Những người đi học vào thập niên 70, 80, 90 cho biết, bữa trưa ở trường không ngon và chỉ tập trung vào việc cung cấp đủ calo.

Ngày nay, bữa trưa lại là một phần năng động và lành mạnh hơn trong cuộc sống của học sinh. Theo JAMA, tạp chí y học nổi tiếng nước Mỹ, bữa trưa tại trường học có thể coi là bữa ăn lành mạnh nhất mà trẻ em Mỹ ăn trong ngày.

Một nghiên cứu của GS.TS Dariush Mozaffarian tại Trường Y khoa Đại học Tufts về chế độ ăn uống của người Mỹ từ năm 2003 đến năm 2018 chỉ ra: Bữa ăn ở trường là nơi cung cấp nguồn thực phẩm lành mạnh nhất, đặc biệt khi so sánh với bữa trưa ở nhà hàng.

Để có những bữa ăn học đường chất lượng, Mỹ đã ban hành nhiều đạo luật dinh dưỡng như đã liệt kê ở trên. Sau Đạo luật Trẻ em khỏe mạnh, không đói năm 2010, tỷ lệ thực phẩm kém chất lượng, kém dinh dưỡng được tiêu thụ ở trường học đã giảm từ 55% xuống 24%.

Mới nhất, Mỹ tiếp tục đề ra nhiều quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn dinh dưỡng cho bữa sáng, bữa trưa học đường vào năm 2024. Điều này được Th.s Josselyn chia sẻ tại hội thảo: "Các bữa ăn phải tăng cường trái cây và rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, đảm bảo quy định về mức năng lượng, giảm muối, giới hạn lượng đường bổ sung, giới hạn chất béo không lành mạnh, tiêu chuẩn về sữa, cung cấp nước uống. Đồ ăn vặt trong trường học cũng có tiêu chuẩn dinh dưỡng, phải đảm bảo: là sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt, có thành phần chính là trái cây, rau củ, sản phẩm từ sữa, hoặc thực phẩm giàu protein,...".

Vào mùa thu năm 2027, lượng đường bổ sung trong bữa ăn ở trường sẽ được giới hạn ở mức dưới 10% tổng lượng calo mỗi tuần cho bữa sáng và bữa trưa. Đến mùa thu năm 2029, quy định sẽ giảm 30% natri trong các bữa ăn ở trường so với hiện nay.

Ngoài Nhật Bản, Mỹ cũng là quốc gia triển khai chương trình dinh dưỡng học đường hiệu quả - Ảnh 3.

Làm sao để trẻ hào hứng tiếp thu kiến thức dinh dưỡng?

Ngoài cung cấp bữa ăn lành mạnh, Mỹ còn chú trọng giáo dục dinh dưỡng. Các bài giảng được tích hợp vào chương trình học chính khóa, giúp trẻ nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe.

Tuy nhiên tích hợp sao cho trẻ hứng thú học là vấn đề không đơn giản. Về điều này, Th.s Josselyn dẫn chứng một số cách tiếp cận chương trình dinh dưỡng học đường đã đạt hiệu quả ở Mỹ và toàn cầu như: Tăng cường cho trẻ tiếp cận trái cây và rau củ thông qua việc cung cấp miễn phí tại các căn-tin, phòng học và máy bán hàng tự động.

Thiết kế các chương trình giáo dục số dưới hình thức trò chơi mô phỏng, cho phép học sinh tham gia vào các hoạt động tương tác và giải trí - có thể thực hiện ở trường học hoặc tại nhà. Các chương trình giảng dạy do giáo viên hướng dẫn, như "Bài học về hương vị", bao gồm khoảng 12 bài học tập trung vào dinh dưỡng, sức khỏe, kỹ năng nấu ăn, quy trình sản xuất thực phẩm,...

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động học tập trải nghiệm giúp trẻ phát triển kỹ năng chế biến món ăn nhẹ và bữa ăn lành mạnh, khuyến khích tạo dựng và chăm sóc một khu vườn tại trường học. Ngoài ra trao tặng phần thưởng và khuyến khích trẻ bằng những món quà nhỏ, lời khen,... để trẻ có động lực ăn uống lành mạnh.

Ngoài Nhật Bản, Mỹ cũng là quốc gia triển khai chương trình dinh dưỡng học đường hiệu quả - Ảnh 4.

"Một cách khác là tạo điều kiện thuận lợi để trẻ lựa chọn thực phẩm lành mạnh, chẳng hạn lắp đặt quầy sal ad trong bữa trưa tại trường và sử dụng bát, giỏ bắt mắt để đựng rau củ, trái cây. Chúng ta cũng có thể khuyến khích phụ huynh tham gia thông qua việc phát hành các bản tin gia đình về dinh dưỡng, hoặc cung cấp gợi ý về thói quen ăn uống lành mạnh tại nhà" , Th.s Josselyn chia sẻ thêm.

Bài học cho Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm của Mỹ và toàn cầu

Theo Ths Josselyn, dựa trên kinh nghiệm của nước Mỹ và thế giới, Việt Nam có thể khai thác thực hành để tăng cường khả năng tiếp cận và tiêu thụ các bữa ăn, đồ ăn vặt đa dạng, giàu dinh dưỡng cho trẻ.

Thông qua các chương trình giáo dục số được thiết kế dưới hình thức trò chơi mô phỏng và trải nghiệm, trường học có thể trang bị cho học sinh cả kiến thức lẫn kỹ năng cần thiết để duy trì thói quen dinh dưỡng lành mạnh và vận động suốt đời.

Th.s Josselyn cũng chỉ ra: "Có 8 tiêu chuẩn toàn cầu về trường trường học nâng cao sức khỏe, bao gồm: Chính sách và nguồn lực của Chính phủ, Chính sách và ng uồn lực của trường học, Quản lý và lãnh đạo trường học, Mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và cộng đồng, Chương trình giảng dạy tại trường học, môi trường xã hội - tinh thần tại trường học, môi trường xung quanh trường học, Dịch vụ y tế trong trường học".

Như vậy, cần có sự tham gia, phối hợp của rất nhiều bên bao gồm nhà trường, học sinh, gia đình, các ban ngành, cộng đồng. Để làm được điều đó, phải có luật Dinh dưỡng học đường để tác động toàn diện. Như tại Mỹ, các chính sách được Quốc hội thông qua đã cải thiện đáng kể tình trạng dinh dưỡng của hàng triệu trẻ em tại nước này, đồng thời khiến trẻ được giáo dục kiến thức dinh dưỡng mọi lúc.

Còn tại Việt Nam, trước thực trạng người Việt đang phải đối mặt với 4 gánh nặng dinh dưỡng, bữa ăn học đường chưa đạt chuẩn, các chuyên gia đều nhất trí rằng, cần sớm luật hóa Dinh dưỡng học đường.

Phát biểu tại buổi hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD-ĐT cho biết: Các chương trình về Dinh dưỡng học đường như Sữa học đường, bữa ăn học đường chưa được thực hiện đồng bộ, liên tục trên cả nước.

Chưa có hệ thống các văn bản quy phạm về dinh dưỡng học đường như một số quốc gia phát triển trên thế giới. Bữa ăn học đường chưa có sự chuẩn hóa và được kiểm soát đồng bộ bằng các văn bản quy phạm. Do đó, việc tổ chức, quản lý, giám sát bữa ăn học đường và công tác chăm sóc dinh dưỡng học đường vẫn còn nhiều hạn chế.

Ngoài Nhật Bản, Mỹ cũng là quốc gia triển khai chương trình dinh dưỡng học đường hiệu quả - Ảnh 5.

Theo PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Bộ Y tế: Cần xây dựng các chính sách dinh dưỡng học đường tập trung nội dung: cơ sở vật chất, nhân lực, đào tạo; tiêu chuẩn bữa ăn học đường; giáo dục dinh dưỡng trong trường học; vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát cung ứng thực phẩm và suất ăn trường học, giáo dục thể chất; môi trường thực phẩm, tiếp thị quảng cáo thực phẩm; theo dõi sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng cho trẻ học đường.

Sự xuất hiện của Luật sẽ giúp chuẩn hóa bữa ăn cho học sinh, chuẩn hóa quy trình chế biến, tăng cường nhận thức dinh dưỡng lành mạnh để giúp cho trẻ phát triển toàn diện, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng sau này.

"Luật cũng là căn cứ để quy định cho những người làm công tác dinh dưỡng học đường phải được đào tạo bài bản; đưa kiến thức dinh dưỡng vào các bài học chính khóa cho học sinh; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong chăm sóc dinh dưỡng cho học sinh", PGS.TS Trần Thanh Dương nói thêm.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Phương Mai đến từ Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan cũng nhất trí về sự cần thiết của Luật Dinh dưỡng học đường. Bà chỉ ra hiện nay các quy định, nghị định và hướng dẫn đã có rải rác trong một số văn bản, nhưng chưa được tập hợp lại và luật hóa một cách có hệ thống, cũng như chưa được áp dụng thống nhất cho các doanh nghiệp cung cấp bữa ăn học đường.

Một khi có Luật, mọi học sinh đều được hưởng lợi, không riêng gì học sinh nghèo. Việc được đảm bảo dinh dưỡng sẽ nâng cao hiệu quả học tập của học sinh, giúp xây dựng nguồn lực trí tuệ của quốc gia trong tương lai gần.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM