Khi dịch virus corona bùng phát dữ dội ở Vũ Hán, Hàn Quốc vẫn là một trong những quốc gia kiểm soát tình hình khá tốt, với khoảng 30 ca nhiễm bệnh và không có trường hợp nào tử vong. Thế nhưng, chỉ trong chưa đầy 1 tuần, số lượng người nhiễm bệnh đã tăng vọt gấp 3 lần, biến thành phố Daegu trở thành tâm dịch mới chỉ sau Vũ Hán (Trung Quốc).
Tất cả đều bắt nguồn từ “Bệnh nhân số 31” - thành viên Giáo phái Tân Thiên Địa, người đã tới nhà thờ cầu nguyện và đi ăn buffet trong khi thời gian ủ bệnh. Đây chính là trường hợp “siêu lây nhiễm” đã lan truyền virus cho hàng chục người khác nhau, khiến dịch bệnh trở nên nghiêm trọng ngoài tầm kiểm soát tại “xứ sở kim chi”.
Tuy nhiên, “Bệnh nhân số 31” không phải là trường hợp đầu tiên trong lịch sử y khoa thế giới. Trước đó cũng từng có rất nhiều ca bệnh “siêu lây nhiễm”, mà nổi tiếng nhất có lẽ là trưởng hợp của Mary “thương hàn” - người làm chao đảo cả thành phố New York một thời.
Nữ đầu bếp đi tới đâu reo rắc cái chết tới đó
Mary Mallon sinh năm 1869 tại một trong những quận nghèo nhất Bắc Ireland. Khoảng 14-15 tuổi, người phụ nữ này đã di cư sang Mỹ và làm đầu bếp cho các gia đình giàu có. Mary nấu nướng rất ngon nên mọi chủ nhà đều không có lý do gì để phàn nàn về bà.
Từ năm 1900 đến năm 1907, người phụ nữ này đã làm đầu bếp cho 7 gia đình khác nhau. Tất cả bọn họ đều bỗng dưng trở bệnh, xuất hiện những triệu chứng như sốt và tiêu chảy. Thậm chí, một nữ thợ giặt đã tử vong.
Nghiêm trọng hơn, Mary lại chăm sóc tất cả những người bệnh này mà không biết rằng mình chỉ làm tình hình thêm tồi tệ đi. Bà chuyển tới làm việc cho thêm 3 gia đình nữa, nhưng tình hình vẫn không đổi.
Chỉ khi Mary đến làm việc cho Charles Warren - một chủ nhà băng giàu có tại New York, mọi chuyện mới vỡ lở. Warren đã thuê một căn hộ cạnh vịnh Oyster và mời Mary tới đó làm đầu bếp. Khi cả 6 người trong gia đình ông mắc thương hàn, cộng đồng dân cư ở đó rất hoảng loạn. Bởi lẽ, đây là căn bệnh gắn liền với sự nghèo đói và những khu ở chuột.
Vì không biết tại sao người giàu như Warren lại thương hàn, lại sợ căn họ này không thể cho thuê nữa, chủ nhà đã mời nhà nghiên cứu George Soper đến để tìm hiểu nguyên nhân.
Thói quen “chết người” ẩn sau món kem tráng miệng đào tươi
Soper đã cho kiểm tra nguồn nước và món hải sản được phục vụ tối hôm đó, rồi kết luận rằng cả hai thứ đó đều không phải là nguyên nhân bệnh. Ông bắt đầu chuyển hướng nghi ngờ sang Mary. Tuy nhiên, vì nhiệt độ dùng để nấu chín thức ăn có thể giết chết vi khuẩn, nhà nghiên cứu này không thể tìm được bằng chứng xác thực 100%.
Cuối cùng, ông cũng tìm ra câu trả lời trong món tráng miệng trứ danh của Mary - kem kèm những lát đào tươi. Đào không thể nấu chín, nên đây chính là thứ đã tố cáo Mary.
Phát hiện của Soper đã khiến tất cả ngỡ ngàng, bởi khi ấy không ai nghĩ một người khỏe mạnh lại có thể trở thành mầm dịch. Để đảm bảo rằng mình đúng, nhà nghiên cứu này đã đi tìm Mary.
Mary thay đổi nơi làm việc liên tục, cũng chẳng để lại địa chỉ liên lạc nên việc tìm người phụ nữ này khá khó khăn. Chỉ sau khi có người thứ hai chết - một tiểu thư con nhà giàu có, ông Soper mới tìm được nữ đầu bếp này.
Soper đến gặp Mary rồi thuyết phục bà làm xét nghiệm, nhưng người phụ nữ này lại tấn công ông rồi bỏ trốn. Với sự trợ giúp của lực lượng cảnh sát, Mary đã bị đưa tới bệnh viện. Tới tận lúc này, bà vẫn tin rằng mình bị bắt vô cớ và không làm gì sai. Một bác sĩ tham gia trông coi cho biết, ngồi cạnh Mary trên đường đến bệnh viện giống như ngồi trong chuồng với một con sư tử đang giận giữ.
Rốt cuộc, người ta đã tìm thấy vi khuẩn gây thương hàn từ các mẫu bệnh lấy từ cơ thể Mary. Trong quá trình phỏng vấn, tất cả mới vỡ lẽ ra rằng Mary không hề có thói quen rửa tay trước khi nấu nướng, bởi bà nghĩ điều đó không quan trọng.
Cuộc sống biệt lập suốt 26 năm ngoài đảo
Mallon bị giam giữ suốt 3 năm trong một phòng khám trên đảo North Brother. Sinh vật duy nhất sống cùng bà trong căn nhà gỗ là một chú chó. Người ta chỉ đồng ý thả Mary nếu bà chấp nhận tránh xa công việc đầu bếp mãi mãi.
Sau đó, Mary đã thử làm thợ giặt là, nhưng tiền lương mà bà nhận được thấp hơn nhiều so với việc nấu nướng. Vì thế, người phụ nãy đã thay đổi họ tên và quay trở lại công việc cũ. Bà đã dùng 5 năm tiếp theo để lây truyền căn bệnh cho đến khi tới bệnh viện nấu nướng. Tại đây, Mary khiến cho 25 người bị nhiễm bệnh và 2 người chết vì thương hàn. Lúc này, thân phận thật của người phụ nữ này bị bại lộ và bà lại bị giam giữ lần nữa.
Mary phải sống một cuộc đời đơn độc trên đảo North Brother trong suốt 23 năm, trước khi qua đời vì viêm phổi vào năm 1938. Tại đây, bà đã làm việc như một y tá chuyên rửa ống xét nghiệm cho các bệnh nhân bị lao. Mary thậm chí còn trở thành một ngôi sao, được giới truyền thông tìm đến nhiều lần. Họ được dặn là không được phép nhận thứ gì từ Mary, cho dù chỉ là một cốc nước.
Vì người phụ nữ này đã nhiều lần thay tên đổi họ và làm việc cho nhiều gia đình khác nhau, không ai biết chính xác số lượng nạn nhân của “Mary Thương hàn”. Nhiều nguồn tin cho biết bà đã lây lan cho hơn 50 người. Tuy nhiên, theo ghi chép của Soper, con số này là 122, trong đó có 5 ca tử vong.
Mary Mallon trên giường bệnh vào năm 1907. (Ảnh: © Bettmann / Contributor / Getty Images)
Mary Mallon tuy đáng trách vì đã khiến cho bệnh dịch lây lan, nhưng cũng rất đáng thương vì mang trong mình mầm mống của căn bệnh quái ác. Ngoài ra, đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người, nhất là trong thời điểm dịch virus covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay: Chỉ một hành động chủ quan, thiếu suy nghĩ về vấn đề an toàn vệ sinh cũng có thể để lại hậu quả khôn lường phải trả giá bằng mạng sống con người.
Theo Brightside