Nghiên cứu mới đáng kinh ngạc về tỷ lệ F0 vẫn còn triệu chứng sau 2 năm

Trà My | 16-05-2022 - 06:43 AM

(Tổ Quốc) - Mới đây, hãng tin Reuters đăng tải một bài viết tổng hợp kết quả một số nghiên cứu y học vừa được công bố, trong đó có một nghiên cứu đáng chú ý về các triệu chứng hậu COVID-19.

Khi nhiều quốc gia chuyển sang trạng thái sống chung với COVID, ngày càng có nhiều nghiên cứu về các triệu chứng hậu COVID-19.

Vì COVID-19 là một căn bệnh tương đối mới, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân vì sao các triệu chứng COVID-19 lại có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Các nhà khoa học nghiên cứu COVID thường cho rằng những ảnh hưởng sức khỏe kéo dài mà mọi người trải qua sau khi nhiễm COVID là do tình trạng viêm khắp cơ thể. Một số chuyên gia khác nghi ngờ những người mắc COVID kéo dài vẫn có một lượng nhỏ virus trong cơ thể, gây ra các vấn đề như mệt mỏi, chóng mặt, sương mù não, đau ngực hoặc đau khớp.

Nhiều người vẫn có triệu chứng COVID-19 sau hai năm

Một nghiên cứu mới cho thấy một nửa số bệnh nhân COVID-19 từng nằm tại một bệnh viện Trung Quốc đầu năm 2020 vẫn còn ít nhất một triệu chứng hai năm sau khi nhiễm bệnh.

Nghiên cứu vừa được đăng tải ngày 12/5 trên tạp chí The Lancet Respiratory Diseases.

Nghiên cứu mới đáng kinh ngạc về tỷ lệ F0 vẫn còn triệu chứng sau 2 năm - Ảnh 1.

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine Johnson & Johnson phòng COVID-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở Chicago, bang Illinois, Mỹ, ngày 6 tháng 4 năm 2021. Ảnh: REUTERS / Carlos Barria

Nghiên cứu đã xem xét 2.469 người từng nằm viện vì COVID-19 ở Trung Quốc và đã khỏi bệnh. Nhìn chung, bất kể mức độ nghiêm trọng của bệnh lúc đầu là gì, tất cả những người tham gia nghiên cứu đều có những cải thiện về sức khỏe thể chất và tinh thần theo thời gian.

Gần 90% những người tham gia nghiên cứu có việc làm đã đi làm trở lại trong vòng hai năm.

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine Johnson & Johnson phòng COVID-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở Chicago, bang Illinois, Mỹ, ngày 6 tháng 4 năm 2021. Ảnh: REUTERS / Carlos Barria

Tuy nhiên, những người hồi phục sau COVID-19 có tình trạng sức khỏe kém hơn "đáng kể" so với dân số nói chung sau hai năm, và ảnh hưởng của các triệu chứng COVID kéo dài "vẫn khá cao", các nhà nghiên cứu cho biết.

Ngoài ra, trong vòng hai năm, 55% số người tham gia vẫn có ít nhất một triệu chứng hậu COVID-19. Mệt mỏi hoặc yếu cơ là những triệu chứng được báo cáo nhiều nhất trong quá trình nghiên cứu. Những bệnh nhân phải thở máy vì bệnh nặng vẫn có tỷ lệ cao mắc các vấn đề về phổi sau hai năm.

Các nhà nghiên cứu nhận định: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy đối với một tỷ lệ nhất định những người hồi phục sau COVID-19 từng nhập viện, mặc dù họ có thể đã khỏi bệnh, nhưng cần hơn hai năm để hồi phục hoàn toàn sau COVID-19".

Một nghiên cứu khác tìm ra cách xác định bệnh nhân hậu COVID

Sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19, các y bác sĩ ngày càng hiểu rõ hơn về dấu hiệu nhận biết COVID kéo dài. Nhưng các nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được chính xác nguyên nhân gây ra COVID kéo dài.

"Khả năng rất cao đây không chỉ là một tình trạng bệnh", theo bác sĩ Francis Collins – Giám đốc Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ, nơi đã đầu tư hơn 470 triệu USD trong công cuộc nghiên cứu tình trạng COVID kéo dài. 

Covid kéo dài là tình trạng đa hình đa dạng có thể bao gồm hàng tá triệu chứng. Một nghiên cứu lớn thậm chí đã xác định hơn 200 triệu chứng của COVID kéo dài, điển hình như nhức đầu, kiệt sức, sương mù não (mất nhận thức, kém tập trung, thiếu minh mẫn...) và khó thở. F0 mắc bệnh nặng hoặc nhẹ, già hay trẻ đều có thể mắc COVID kéo dài. 

Nghiên cứu mới đáng kinh ngạc về tỷ lệ F0 vẫn còn triệu chứng sau 2 năm - Ảnh 3.

Covid kéo dài là tình trạng đa hình đa dạng có thể bao gồm hàng tá triệu chứng. (Ảnh minh họa)

Khoảng 10-30% bệnh nhân COVID-19 có thể gặp các triệu chứng trên liên tục trong ít nhất một tháng, nhiều trường hợp là nhiều tháng hoặc thậm chí một năm sau lần nhiễm bệnh đầu tiên (theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ).

Một nghiên cứu mới đây cho thấy các chỉ số protein gây viêm trong máu có thể giúp xác định một người có mắc COVID kéo dài hay không cũng như giúp tìm ra cách điều trị cho các vấn đề này.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét 55 người bị COVID kéo dài, tất cả đều chỉ nhiễm COVID-19 thể nhẹ.

Họ phát hiện ra rằng khoảng 2/3 người tham gia có lượng protein gây viêm cao trong máu. Tình trạng viêm xảy ra nhiều nhất ở những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các triệu chứng COVID kéo dài.

Nghiên cứu được đăng tải hôm 11/5 trên nền tảng chuyên đăng tải các nghiên cứu sinh học bioRxiv.

Các nghiên cứu trước đó đã phát hiện mức protein gây viêm tăng cao ở những bệnh nhân COVID kéo dài. Nhưng nghiên cứu mới nhất cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy hơn một nửa người tham gia có mức protein tăng cao, trong khi những người khác thì không, các nhà nghiên cứu nói.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Troy Torgerson thuộc Viện Miễn dịch học Allen ở Seattle, Mỹ, cho biết: "Ít nhất hai xu hướng protein gây viêm khác nhau đã được phát hiện. Sự tồn tại của các xu hướng này cho thấy hệ thống miễn dịch đang được kích hoạt theo những cách cụ thể, có thể đáp ứng với việc điều trị bằng các loại thuốc chống viêm hoặc ức chế miễn dịch hiện có", Torgerson nói.

"Mức protein gây viêm trong máu có thể giúp xác định những bệnh nhân COVID kéo dài. Những người này có thể là ứng cử viên tốt cho các nghiên cứu điều trị bằng cách sử dụng các loại thuốc kể trên hoặc các phương pháp điều trị tiềm năng trong tương lai".

(Nguồn: Reuters, NPR)

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM