Theo một nghiên cứu mới đây của một trường Đại học ở Anh cho thấy có một số loại sữa công thức được bày bán trên thị trường có lượng đường gấp đôi so với một lon nước ngọt Fanta.
Cụ thể, Tiến sĩ Gemma Bridge, làm việc tại trường Đại học Leeds Beckett, đã kết hợp với Giáo sư Raman Bedi – Chủ tịch Quỹ Nha khoa Trẻ em Toàn cầu đồng thời là Cựu Giám đốc Nha khoa của Anh, đã nghiên cứu các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em có mặt trên thị trường.
Kết quả, Tiến sĩ Gemma phát hiện ra hơn một nửa số sản phẩm đó có chứa hơn 5gram đường trong 100ml sữa. Trọng lượng đường này còn nhiều hơn lượng đường có trong một số lon nước ngọt có ga. Thậm chí, một số loại sữa công thức dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi chứa hàm lượng đường lên đến 8,7gram/100ml, trong khi một lon nước Fanta chỉ chứa 4,6gram.
Theo khuyến nghị của Nghị viện Châu Âu, đối với trẻ sơ sinh tối đa chỉ nên sử dụng 7,5gram đường/100ml. Thế nhưng, vẫn có một số hãng sữa vi phạm quy định khi họ để lượng đường lên tới 8,7gram - tương đương với 2 muỗng cà phê đường. Và Tiến sĩ Gemma cảnh báo "vấn đề này sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vì tiêu thụ quá nhiều đường có thể khiến trẻ bị sâu răng, dẫn đến chế độ ăn uống kém và béo phì".
Giải thích tại sao sữa công thức lại chứa nhiều đường, Tiến sĩ Gemma cho rằng có thể mục đích của các hãng sữa là làm cho sữa bột ngọt như sữa mẹ. Vì sữa mẹ chứa đến 7gram đường/100ml sữa. Tuy nhiên, đây lại là loại sữa có nguồn gốc tự nhiên, được sản xuất riêng cho nhu cầu của trẻ sơ sinh.
Tiến sĩ Gemma cho biết: "Mặc dù sữa mẹ ngọt và nhiều năng lượng, nhưng đường ở đây chủ yếu là đường sữa và có hàm lượng riêng tùy theo nhu cầu phát triển của trẻ sơ sinh theo từng giai đoạn. Ngược lại, sữa công thức cho trẻ sơ sinh có lớp "trang điểm chuẩn" và chứa các loại đường bổ sung như xi-rô ngô được thêm vào trong quá trình sản xuất, tuy nhiên, thành phần này không hề được tìm thấy trong sữa mẹ.
Một số hãng sữa còn in trên bao bì hình ảnh trẻ sơ sinh hoặc đồ chơi dễ thương để lôi kéo người tiêu dùng, trong khi chất lượng sản phẩm thì đang làm trái với quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)".
Ngay khi nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí Nha khoa Anh, các nhà sản xuất sữa dành cho trẻ em đã lên tiếng bác bỏ các luận điểm của nghiên cứu. Họ nói rằng các sản phẩm của họ là an toàn và "hoàn thiện về mặt dinh dưỡng". Tuy nhiên, Tiến sĩ Gemma đang yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới nên có các quy định chặt chẽ hơn về lượng đường có trong sữa bột của trẻ em. Đồng thời, bà cũng kêu gọi các nhà nghiên cứu khác hãy nghiên cứu để điều chỉnh hàm lượng đường trong sữa công thức sao cho phù hợp với trẻ.
Tiến sĩ Gemma nói thêm: "Những phát hiện trong nghiên cứu này cho thấy các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em có hàm lượng carbohydrate, lactose và đường cao hơn sữa mẹ. Các nhãn dán trên sản phẩm cũng không rõ ràng và nhất quán giữa các thương hiệu và giữa các quốc gia. Do đó, cần phải có sự điều tiết bắt buộc về hàm lượng đường trong các sản phẩm sữa công thức. Đồng thời, các thành phần có trong sữa nên được in rõ ràng cụ thể trên bao bì trước khi đóng gói để giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn tốt cho trẻ sơ sinh".
Vì vậy, các mẹ nếu có thể, tốt nhất, nên cho con được bú sữa mẹ, bởi "sữa mẹ là thức ăn tốt nhất dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ". Trong trường hợp phải cho con uống sữa công thức, các mẹ nên tìm hiểu về các thành phần có trong sữa và hãy lựa chọn hãng sữa có chứa lượng đường thấp để bảo vệ răng cũng như các vấn đề sức khỏe khác cho con.
Nguồn: Standard, D.M