Nghiên cứu: Loại cà phê làm tăng mỡ máu, đặc biệt ở nam giới

Lam Chi | 10-05-2023 - 22:36 PM

Loại cà phê nào có thể tăng mỡ máu? (Ảnh: The Spruce Eats / Abbey Littlejohn)

(Tổ Quốc) - Ai cũng biết rằng uống cà phê tốt cho sức khỏe. Nhưng không phải ai cũng biết cà phê cũng có thể làm tăng mỡ máu.

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 5/2022 trên trên Tạp chí BMJ Open Heart cho thấy thói quen uống nhiều cà phê espresso có thể liên quan tới lượng mỡ máu cao hơn, đặc biệt là ở nam giới.

Theo Viện y học ứng dụng Việt Nam, cà phê espresso được tạo ra bằng cách ép nước sôi hoặc hơi nóng dưới áp suất qua các hạt cà phê đã được nghiền mịn. Mỡ máu bao gồm 2 loại chính là cholesterol và triglycerid. Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học của Đại học Bắc Cực, Đại học Oslo (Na Uy) và Đại học Gothenburg (Thụy Điển) đã xem xét mối liên quan giữa mức cholesterol trong máu và thói quen uống cà phê của 21.083 người Na Uy từ 40 tuổi trở lên. Họ muốn tìm hiểu xem các loại cà phê khác nhau có thể ảnh hưởng thế nào tới mức cholesterol trong máu.

Vì sao cà phê espresso lại có thể làm tăng mỡ máu? 

Kết quả cho thấy những người uống 3-5 tách cà phê espresso mỗi ngày có mức cholesterol cao hơn so với những người không uống cà phê espresso. Theo dữ liệu, mối liên hệ giữa việc tiêu thụ cà phê espresso và mức cholesterol ở nam giới mạnh hơn so với nữ giới. 

Ngược lại, ở nữ giới, uống 6 tách cà phê phin trở lên mỗi ngày có liên quan đến mức cholesterol cao hơn so với ở nam giới. 

Nghiên cứu cũng chỉ ra nếu uống 6 tách cà phê pha bằng bình (ví dụ như French press) có liên quan tới lượng cholesterol cao hơn ở cả 2 giới. 

Các phát hiện cho thấy mỗi loại cà phê khác nhau tạo ra sự khác biệt về sức khỏe. Các bằng chứng trước đây đã chỉ ra rằng phương pháp pha cà phê theo kiểu được lọc qua bộ lọc có thể tốt hơn cho sức khỏe tim mạch. Những loại cà phê không được lọc như espresso hoặc French press chứa nhiều hợp chất cafestol và kahweol có liên quan đến mức cholesterol cao hơn. 

Có nên dừng uống cà phê để tránh tăng mỡ máu?

Nghiên cứu: Loại cà phê làm tăng mỡ máu, đặc biệt ở nam giới - Ảnh 1.

Cà phê đã được lọc qua giấy lọc sẽ an toàn hơn với mỡ máu (Ảnh: Shutterstock)

Mặc dù cà phê có thể chứa các hợp chất làm tăng cholesterol trong máu nhưng cà phê cũng chứa hàng nghìn hợp chất, trong đó có nhiều hợp chất có liên quan đến tác dụng tích cực đối với sức khỏe. Vì vậy, cần có nhiều nghiên cứu khác để xác định đâu là cách uống cà phê lành mạnh nhất.  

Nghiên cứu trước đây cho thấy lượng cà phê tối đa mà mọi người có thể uống mỗi ngày để an toàn cho sức khỏe tối đa là 5 tách. Bất chấp mối lo ngại về mức cholesterol, cà phê được coi là an toàn đối với hầu hết mọi người. Cà phê còn được coi là loại đồ uống tốt cho sức khỏe. 

Theo một đánh giá năm 2020 về 95 nghiên cứu liên quan tới thói quen uống cà phê, việc uống cà phê ở mức độ vừa phải - tối đa 5 tách mỗi ngày - không gây ra mối nguy hiểm nào đối với sức khỏe mà còn có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.

Cà phê là một nguồn giàu chất chống oxy hóa và các vi chất dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật khác, giúp ngăn ngừa ung thư, bệnh tim và suy giảm nhận thức. Các hợp chất trong cà phê có thể giúp giảm viêm, cải thiện tiêu hóa và giảm bớt các triệu chứng sức khỏe tâm thần như trầm cảm.

Caffeine có trong cà phê cũng có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, ví dụ như cải thiện hiệu suất tập thể thao và tăng cường sự tập trung nếu uống ở mức độ vừa phải. 

Uống quá nhiều cà phê - hoặc bất kỳ loại đồ uống nào khác có chứa caffeine - có thể gây ra các tác dụng phụ như bồn chồn, lo lắng, buồn nôn, tim đập nhanh, trong các trường hợp nặng có thể là bất tỉnh hoặc tử vong. Giới hạn tiêu thụ caffeine mỗi ngày được khuyến nghị là 400mg, tương đương khoảng 4 tách cà phê. Các triệu chứng ngắn hạn có thể xảy ra sau khi tiêu thụ nhiều hơn giới hạn khuyến nghị này. Quá liều caffeine nghiêm trọng xảy ra ở mức cao hơn nhiều, tương đương với khoảng 30-50 tách cà phê trở lên. 

Nguồn: Insider

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM