Nghiên cứu 85 năm của Harvard kết luận đây là loại nghề nghiệp kém hạnh phúc nhất bất chấp lương như thế nào

Chi Chi | 20-03-2023 - 20:46 PM

(Tổ Quốc) - Theo một nghiên cứu kéo dài 85 năm của các chuyên gia Harvard (Mỹ), những công việc không hạnh phúc nhất chính là những công việc "cô đơn nhất".

Robert Waldinger, giáo sư tâm thần học tại Trường Y Harvard và giám đốc Nghiên cứu Phát triển Người trưởng thành của Harvard là người chịu trách nhiệm hiện tại của một trong những nghiên cứu dài nhất của ngôi trường danh giá. Kể từ năm 1938, các nhà nghiên cứu của Harvard đã thu thập hồ sơ sức khỏe của hơn 700 người tham gia từ khắp nơi trên thế giới và hỏi họ những câu hỏi chi tiết về cuộc sống hai năm một lần. Mục đích của nghiên cứu là để tìm ra đáp án điều gì khiến con người cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn sức khỏe tinh thần. 

Họ kết luận rằng, bí quyết để sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và trường thọ hơn không phải là tiền bạc, thành công trong nghề nghiệp, tập thể dục hay chế độ ăn uống lành mạnh mà chính những mối quan hệ tích cực mới là thứ giúp con người hạnh phúc trong suốt cuộc đời. 

Nghiên cứu 85 năm của Harvard kết luận đây là loại nghề nghiệp kém hạnh phúc nhất bất chấp lương như thế nào - Ảnh 1.

Điều này cũng áp dụng cả trong công việc của chúng ta. Waldinger giải thích: “Đó là một nhu cầu xã hội quan trọng cần được đáp ứng trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta. Thêm vào đó, nếu bạn kết nối nhiều hơn với mọi người, bạn sẽ cảm thấy hài lòng hơn với công việc của mình và làm việc tốt hơn”.

Nghiên cứu cho thấy những công việc đòi hỏi ít sự tương tác giữa con người với con người và không mang lại cơ hội xây dựng mối quan hệ có ý nghĩa với đồng nghiệp có xu hướng khiến những nhân viên thấy không hạnh phúc nhất.

Cô đơn nơi làm việc phổ biến hơn bạn nghĩ

Một số công việc cô lập đòi hỏi làm việc độc lập, không cần mối quan hệ giữa các cá nhân hoặc yêu cầu ca làm việc qua đêm, chẳng hạn như lái xe tải và bảo vệ ban đêm.

Ngày nay, những “công việc cô đơn” khá phổ biến trong các ngành công nghiệp mới nổi như dịch vụ giao đồ ăn và gói hàng, nơi mọi người thường không có đồng nghiệp nào cả, hoặc ngành bán lẻ trực tuyến, nơi công việc “quá nhanh và gấp gáp” đến mức các nhân viên trong cùng một ca làm việc tại kho hàng thậm chí có thể không biết tên của nhau.

Tuy nhiên, sự cô đơn không chỉ ảnh hưởng đến những người làm công việc đơn độc. Ngay cả những người bận rộn với công việc xã hội cũng có thể cảm thấy bị cô lập nếu họ không có những tương tác tích cực, có ý nghĩa với người khác.

Nghiên cứu 85 năm của Harvard kết luận đây là loại nghề nghiệp kém hạnh phúc nhất bất chấp lương như thế nào - Ảnh 2.

Waldinger chỉ ra nghề chăm sóc khách hàng là một ví dụ điển hình cho điều này: “Chúng tôi biết rằng những người ở các trung tâm chăm sóc khách hàng thường rất căng thẳng với công việc của họ, chủ yếu là vì họ phải nói chuyện điện thoại cả ngày với những người bực bội, thiếu kiên nhẫn”. 

Cảm giác bị ngắt kết nối với những người khác tại nơi làm việc cũng là một vấn đề sức khỏe tâm lý đáng lo ngại. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng khi chúng ta già đi, sự cô đơn có thể làm tăng nguy cơ tử vong ngang với việc hút thuốc, béo phì và lười vận động. 

Giao tiếp xã hội tốt cho sự nghiệp của bạn lẫn sức khỏe tinh thần của bạn. Các nhà nghiên cứu nhận thấy việc tạo ra những cơ hội nhỏ để kết nối xã hội tại nơi làm việc có thể giúp phục hồi và giúp giảm bớt cảm giác cô đơn và bất mãn.

Ví dụ bạn có thể trò chuyện trong năm phút với một đồng nghiệp thân thiện hoặc tìm những người có cùng sở thích, chẳng hạn như câu lạc bộ sách hoặc giải đấu thể thao nội bộ, mà bạn có thể dành thời gian cùng nhau sau một ca làm việc căng thẳng. 

Nghiên cứu 85 năm của Harvard kết luận đây là loại nghề nghiệp kém hạnh phúc nhất bất chấp lương như thế nào - Ảnh 3.

Một báo cáo năm 2022 của Gallup cho thấy những người có một người bạn thân nhất tại nơi làm việc sẽ làm việc hiệu quả và gắn bó hơn với những người không có. 

Khi tìm kiếm việc làm, chúng ta coi tiền lương và bảo hiểm y tế là những lợi ích quan trọng, nhưng Waldinger và đồng nghiệp của ông cho rằng các mối quan hệ với đồng nghiệp là một “lợi ích công việc” khác mà chúng ta nên chú ý hơn.

Waldinger và Schulz kết luận: “Mối quan hệ tích cực tại nơi làm việc dẫn đến mức độ căng thẳng thấp hơn, nhân viên khỏe mạnh hơn và ít ngày chúng ta trở về nhà với tâm trạng buồn bã hơn. Đơn giản là chúng cũng khiến chúng ta hạnh phúc hơn”. 

Nguồn: CNBC

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM