Làm nhiều công việc "tay trái"
Phi Hùng (1995, Thạc sĩ Luật sư, TP. Hồ Chí Minh), hiện đang phụ trách pháp lý tại một Tập đoàn Bất động sản. Ngoài công việc văn phòng, Phi Hùng còn có năm nghề "tay trái" khác nhau bao gồm: quản lý và điều hành một công ty riêng; partner, luật sư của công ty khác; cố vấn pháp lý cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp; giảng viên nội bộ và tư vấn quản trị nhân sự cho doanh nghiệp; đầu tư và cho thuê bất động sản. Hiện tại mức thu nhập từ nghề tay trái cao hơn so với công việc tại văn phòng.
"Ngay từ nhỏ, mình đã được gia đình và nhà trường dạy bảo về các kỹ năng quản lý tài chính, đồng thời được trao cơ hội để trải nghiệm về giá trị của sức lao động. Từ nhận thức sâu sắc và thái độ trân quý đối với sức lao động chân chính, mình mong muốn khai thác các giá trị và tiềm năng vốn có của nó. Vì vậy, ngay từ khi ra trường, mình đã lựa chọn và làm rất nhiều công việc tay trái khác nhau".
Ngoài chủ động trong quản lý tài chính cá nhân, giảm thiểu rủi ro từ sự biến động của một nguồn thu nhập duy nhất, sự đa dạng công việc còn mang lại nhiều cơ hội và lợi ích đáng kể trong phát triển cá nhân và sự nghiệp. Chẳng hạn phát triển thêm một loạt kỹ năng và kinh nghiệm khác nhau khi làm nhiều công việc khác nhau, xây dựng và mở rộng các mối quan hệ trong nhiều ngành nghề và tăng cơ hội tương lai,…
Bên cạnh đó, Yến Nhi (sinh năm 2000, Hà Nội) hiện đang là nhân viên marketing. Đồng thời, cô bạn đang vận hành 3 dự án kinh doanh cá nhân về sức khỏe, tiêu dùng, ẩm thực và phụ giúp việc kinh doanh của gia đình.
"Mình bắt đầu kinh doanh nghiêm túc từ 2020, đến nay là được hơn 3 năm. Vốn dĩ mình chọn lĩnh vực này bởi mình rất đam mê kinh doanh, thích tìm tòi và trải nghiệm những điều mới lạ. Có công việc tay trái giúp mình có khả năng thích nghi với mọi môi trường và tình huống có thể xảy ra". Thu nhập từ nghề tay trái của cô bạn dao động 10-30 triệu đồng mỗi tháng đủ để chi tiêu thoải mái hơn.
Giống như Yến Nhi và Phi Hùng, Lê Lâm (sinh năm 1994, TP Hồ Chí Minh) cũng đang có nghề tay trái là kinh doanh cho thuê và làm content marketing. Công việc văn phòng của anh chàng là trong lĩnh vực marketing. Lê Lâm đã làm những công việc này đến nay được 10 năm, từ khi còn là sinh viên đại học.
"Mình lựa chọn những nghề này là bởi vì muốn gia tăng thu nhập, hỗ trợ cho công việc, phục vụ đam mê và sở thích của mình. Kinh doanh căn hộ rất phù hợp với sở thích trang trí nhà cửa. Còn làm thêm về content marketing sẽ giúp mình nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong công việc".
Thu nhập trung bình từ nghề tay trái không cố định. Những thời điểm tốt nhất, thu nhập từ nghề tay trái bằng với công việc chính. Còn như bây giờ khi thị trường việc làm khó khăn, anh chàng không thể tìm được công việc freelancer về content marketing. Do vậy, trung bình số tiền kiếm được từ nghề tay trái bằng khoảng 30% so với công việc văn phòng.
Bắt đầu làm xây dựng nghề tay trái càng sớm càng tốt
Theo Lâm Lê, đừng ngại bắt đầu thử thách bản thân mình với công việc tay trái. Hãy coi nó là một cơ hội để học tập, tích lũy kinh nghiệm. "Cầm tấm bằng đại học không có nghĩa là đã học xong. Cái sự học sẽ theo cả đời. Và làm nghề tay trái cũng là một cách học rất hiệu quả, giúp nâng cao tay nghề của bản thân".
Khi đã trau dồi bản thân đủ mạnh mẽ và cứng cáp, những biến động từ thị trường lao động nói chung sẽ không gây ảnh hưởng quá nhiều. Chẳng hạn, khi một công việc bị ảnh hưởng, bạn có thể tập trung thời gian và tâm sức cho những công việc khác.
Mặt khác, lợi thế khi còn trẻ đó là được phép sai. Bởi vì đây chỉ là nghề tay trái, bạn đang đa dạng thu nhập, do vậy kể cả thất bại cũng sẽ không ảnh hưởng quá to lớn trong tài chính và sự nghiệp. Ngược lại, nếu thành công, đây sẽ là yếu tố giúp làm đẹp CV hơn.
Còn đối với Phi Hùng, người trẻ nên lựa chọn các công việc "tay trái" phù hợp với năng lực và trình độ chuyên môn của bản thân. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, tùy thuộc vào mỗi cá nhân và hoàn cảnh cụ thể, bạn có thể tham khảo ý tưởng về việc làm song song cả công việc "tay trái" và công việc "tay phải", không nên bỏ hẳn công việc "tay phải" để tập trung cho "tay trái".
Yến Nhi cho rằng nếu bạn đang có nguyện vọng lấn sân tìm nghề tay trái, trước hết hãy chuẩn bị 1 tinh thần sẵn sàng, sức khỏe tốt và kế hoạch chi tiết. Điều này tưởng chừng như dư thừa nhưng nó lại giúp bạn không bị choáng ngợp với khối lượng công việc nhiều hơn bình thường.