Nghệ sĩ Trung Dân có ba cô con gái. Trong đó, con gái lớn của ông sau một thời gian du học tại Úc đã lấy chồng ngoại quốc.
Tại chương trình Chuyện cuối tuần mới đây, nghệ sĩ Trung Dân đã chia sẻ về chuyện sống chung với con rể ngoại quốc của mình.
Tôi sốc thực sự và buộc phải họp mặt gia đình để giải quyết chuyện con rể ngoại quốc hỏi cưới
Trong lần đầu tiên trò chuyện cùng con rể, tôi nhận được một tin nhắn bằng tiếng Anh, nên gọi con gái út ra dịch. Tới lúc đó, tôi mới biết bạn trai của con gái lớn muốn nói chuyện cùng mình.
Tôi bất ngờ vì không nghĩ mình sẽ có một thằng rể ngoại quốc. Cậu ấy bảo là cậu ấy yêu con gái tôi và muốn tiến tới hôn nhân.
Thời điểm ấy, con gái lớn của tôi đang học tập tại Úc, còn bạn trai của nó lại làm trong trường đại học mà nó theo học.
Nghe câu ngỏ lời cưới con gái từ một người đàn ông ngoại quốc, tôi thẳng thắn đáp rằng mình không quyết định được nên phải hỏi ý kiến ba mẹ tôi, tức là gia đình nội ngoại hai bên.
Tôi tin rằng, mỗi gia đình đều có cách dạy con cái với những chuẩn mực riêng và gia đình tôi cũng vậy.
Tôi không đặt ra tiêu chuẩn gì quá cao sang cho một cậu con rể, nhưng nhất định phải là người phù hợp với văn hóa của gia đình tôi. Vì vậy nên lần đầu tiên nghe con rể ngoại quốc thưa chuyện, tôi sốc thực sự và buộc phải họp mặt gia đình để giải quyết vấn đề này.
Tôi cứ tưởng những người lớn sinh ra từ thế kỷ trước như ba mẹ tôi sẽ rất cổ hủ, lạc hậu, nhưng hóa ra lại là những người có suy nghĩ rất đơn giản, thậm chí còn dễ hơn cả tôi.
Người lớn trong nhà nói với tôi, nếu chúng nó thương nhau thì cứ gả, chỉ có điều xa quá, nay mai muốn thăm cháu cố cũng khó khăn.
Tuy nhiên với riêng tôi, tôi không lo ngại chuyện xa xôi vì tôi có đủ điều kiện cũng như nhà cửa ở Úc để có thể thăm nom con cái nếu cần.
Tôi tự nhận bản thân mình hẹp hòi
Tôi tự nhận bản thân mình hẹp hòi và thua cả những người ở thế hệ trước như ba mẹ tôi.
Ba mẹ tôi luôn nghĩ người phương Tây rất thoáng trong vấn đề tình cảm nên họ dễ thay đổi, còn tôi thì sợ con gái thua thiệt. Chính vì thế, phải mất đến 3 lần họp đại gia đình như vậy, tôi mới chấp nhận gả con gái lớn cho chồng ngoại quốc.
Dù không ở chung nhưng mỗi lần hai con có dịp nghỉ phép về thăm nhà, tôi vẫn cố gắng giao tiếp cùng con rể.
Thậm chí, có lần cả hai con về chơi suốt 1 tháng, tôi còn tập cho con rể ăn những món của Việt Nam.
Sau hơn một năm có con rể người Úc, tôi thừa nhận rằng, bất đồng ngôn ngữ là cản trở lớn nhất giữa tôi và con rể, còn lại thì không có bất cứ "va đập văn hóa" nào xảy ra giữa chúng tôi.
Không chỉ con rể tôi chủ động hòa nhập cùng gia đình vợ, mà đến ba mẹ của cậu ấy cũng muốn thực hiện đúng mọi thủ tục cưới hỏi của người Việt khi hai đứa kết hôn. Đó là điều khiến tôi rất vui mừng.
Họ còn nhờ tôi dẫn đi may áo dài. Đến con dâu của họ qua đây cũng mặc áo dài, đứa cháu nội nhỏ xíu cũng mặc áo dài khăn đóng. Đây là điều khiến tôi rất thích. Tôi tự hào vì thông gia ngoại quốc luôn tôn trọng giá trị Việt.