Chạnh lòng khi cả thế giới khoe tiền thưởng Tết
Đã làm việc tự do với công việc làm tại nhà thì chắc chắn sẽ không có thưởng Tết bởi vì tên của bạn sẽ không nằm trong danh sách nhân sự của bất cứ công ty nào. Thế nhưng, cũng vì lẽ hiển nhiên này mà phần đông freelancer đều cảm thấy đôi chút chạnh lòng mỗi khi người người, nhà nhà thi nhau khoe quà Tết và tiền thưởng Tết vào mỗi dịp cuối năm.
Thành thật mà nói, nếu bạn là một freelancer chăm chỉ và uy tín thì thu nhập hàng tháng của bạn có thể nhỉnh hơn khá nhiều so với những người làm công ăn lương bình thường, lạc quan mà nói thì có thể xem là hàng tháng bạn đều có thưởng. Tuy nhiên, bao nhiêu đó không đủ để xua tan cảm giác chạnh lòng của các freelancer trước làn sóng khoe tiền thưởng Tết trên khắp cõi mạng và trong cả đời sống thực. Không khí ngày Tết nó khác lắm nên tiền thưởng Tết dù ít dù nhiều cũng đem đến cho chúng ta cảm giác hạnh phúc khó có thể lý giải được bằng lẽ thường.
Không Team building, không Gala dinner
Mặc dân tình miệt mài than vãn về vấn đề tập văn nghệ hay những trò chơi team building vô duyên hết phần thiên hạ và không ngừng tranh cãi về định nghĩa của một team building trong mơ thì team building và Gala dinner vẫn là một "món ăn" không thể thiếu của mỗi công ty, mỗi người lao động vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Nếu thiếu vắng món ăn này, những ngày cuối năm sẽ trở nên tẻ nhạt và trầm mặc hơn rất nhiều.
Với người theo nghề freelancer, họ không nằm trong biên chế của bất cứ công ty nào, do đó họ sẽ không được nằm trong danh sách tham dự team building và Gala dinner vào dịp cuối năm. Đôi khi, điều này còn đem đến cho họ một khoảng trống khó lòng lấp đầy, đặc biệt là với những freelancer hướng ngoại và có đam mê bất tận với các cuộc vui.
Nhận nhiều việc hơn, chi tiêu tiết kiệm hơn để có Tết rủng rỉnh
Như đã nói, khác với những người lao động fulltime, freelancer sẽ không có khoản tiền thưởng Tết để chi trả cho ti tỉ hoá đơn và những khoản chi tiêu không tên trong dịp Tết. Chính vì vậy, để có một cái Tết rủng rỉnh, đa số freelancer phải chuẩn bị từ rất sớm và có quá trình tích lũy nghiêm túc trong một khoảng thời gian dài.
Thứ nhất là họ không có nguồn thu nhập cố định như lúc đi làm công ty. Thứ hai là họ chưa biết tình hình kinh tế trong năm tới sẽ như thế nào. Do đó, họ cần có sự tính toán phù hợp trong chi tiêu, đồng thời cố gắng nhận nhiều việc hơn để có thu nhập cao hơn cùng một khoản tích lũy an toàn, không chỉ phục vụ cho dịp Tết mà còn để chi tiêu trong khoảng thời gian sau Tết.
Đối diện với hàng tá câu hỏi không có đáp án
Dù đã quyết định không đi làm văn phòng, mỗi ngày chỉ có màn hình máy tính làm bạn nhưng mỗi dịp Tết Nguyên Đán gõ cửa, người theo nghề freelancer vẫn cảm thấy đau đầu không thôi, chẳng biết ứng phó thế nào với tuyển tập những câu hỏi khó trả lời của đông đảo họ hàng thân sơ: Nay làm việc gì? Làm ở công ty nào? Lương tháng bao nhiêu? Thưởng Tết nhiều không? Lớn rồi tại sao không đi làm mà cứ ở nhà tối ngày? Làm freelancer là gì? Vậy thì bao giờ mới ổn định được?...
Vì khoảng cách thế hệ dẫn đến những khác biệt rõ rệt trong thế giới quan, đôi khi còn xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về xã hội hiện đại, rất khó để người lớn (những thế hệ trước) có thể hiểu và thông cảm cho công việc của freelancer. Đôi khi, freelancer còn phải nhận những lời đàm tiếu về sự nghiệp từ những người họ hàng và hàng xóm xung quanh. Bố mẹ có thể thương con, cố gắng hiểu cho việc con cái không đi làm văn phòng nhưng họ hàng thì khó hơn rất nhiều. Có thể freelancer không cần sự thấu hiểu từ họ hàng nhưng những câu hỏi dồn dập như vậy cũng khiến ngày Tết và những buổi họp mặt gia đình bớt vui đi nhiều.
Không có lựa chọn nào là tuyệt đối đúng, cũng chẳng có con đường nào là tuyệt đối sai bởi vì trên đời này không có gì là hoàn hảo. Làm nghề freelancer cũng thế, đã có được thì chắc chắn sẽ có mất. Mọi sự so sánh chỉ là nhất thời, tin rằng chỉ cần hiểu rõ, học cách chấp nhận và kiên trì đến cùng trên con đường mình đang đi, bạn hoàn toàn có thể vượt qua mọi khó khăn để chinh phục đích đến cuối cùng.