Ba sẽ yêu con bằng tình thương của mẹ
Ngôi nhà của anh Út nằm nép trong con hẻm nhỏ thuộc đường Âu Dương Lân (quận 8). Ngôi nhà đơn sơ, vật dụng đều đã được mang đi hết, kể từ khi vợ anh đột ngột qua đời vì Covid-19. Đó là cách anh chạy trốn nỗi đau khi nhìn thấy di vật của vợ.
Vách tường loang lổ, bong tróc được "vá" lại bằng những tấm giấy khen của cậu con trai độc nhất. "Nó giỏi lắm, chịu học mà chơi thể thao cũng cừ lắm à nghen", anh nói với giọng tự hào. Khi người vợ đầu ấp tay gối hơn 20 năm bị Covid-19 mang đi, đêm nào anh cũng vật lộn với nỗi đau và thương nhớ. Những lúc đó, anh chỉ nghĩ về con trai.
Anh kể: "Vợ chồng tôi phát hiện mắc Covid-19 qua xét nghiệm cộng đồng. Tối hôm đó, cổ than khó thở. Tôi xuống bếp khuấy nước chanh cho cổ, quay lên đã thấy cổ vật vờ, chỉ kịp kêu tên con là Nguyên ơi rồi ra đi".
Vợ anh Út là người phụ nữ hiền lành, hết mực yêu thương gia đình. Mấy chục năm qua, cuộc sống của chị chỉ xoay quanh việc đi chợ, lấy hàng, rước con, nấu cơm cho gia đình. "Cổ làm không biết mệt, cũng chẳng muốn nghỉ ngơi, đắp đổi lấy tiền lo cho con", anh Út nghẹn ngào.
Ngày vợ qua đời vì Covid-19, anh Út không dám gọi cho con trai đang ở xa, chỉ dám báo với người dì nhờ lựa lời nói giúp. Giờ đây, trong căn nhà thênh thang trống trải, anh Út nhìn đâu cũng thấy bóng hình của chị.
Anh Út thay vợ chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho con
Từ lọ muối, hủ đường, chiếc thau giặt đồ… những đồ vật đều gợi nhớ đến người phụ nữ tháo vát, đảm đang. Cuộc sống vợ chồng vốn đã khó khăn. Vợ mất, anh không thể duy trì sạp hàng của mình và vợ ở chợ Rạch Ông. "Gà trống nuôi con" có biết bao khó khăn.
Anh nhẩm tính tiền học, tiền sinh hoạt của con mỗi tháng rồi quyết định sau dịch, sẽ đi làm mướn cho người dì ở Hóc Môn. "Tôi không biết chữ, không có trình độ không thể làm gì khác được. Hiện giờ, tôi chỉ có con trai là người thân, tôi sẽ yêu con bằng tình thương của mẹ nó".
Ngày trở về không còn mẹ
Ngày dắt tay vợ con từ Đồng Tháp lên Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Lượng (52 tuổi) mang theo mong ước về một cuộc sống ổn định hơn. Công việc làm mướn, đắp bờ dưới quê nhà quá bấp bênh, ông quyết định lên thành phố làm phụ hồ cùng vợ.
Khó khăn, cực nhọc cách mấy, vợ chồng ông cũng cố gắng lo cho cuộc sống của 4 người con đàng hoàng, tươm tất nhất. Căn phòng nhỏ trong dãy trọ thuộc phường Bình Chiểu (TP. Thủ Đức), nơi gia đình sinh sống luôn đầy ắp tiếng cười.
Vào đầu tháng 8/2021, vợ ông bắt đầu có triệu chứng sốt cao sốt cao. Sau khi xét nghiệm tại bệnh viện Thủ Đức, cả nhà đều nhận được kết quả dương tính. Ông đi cách ly một nơi, vợ và con gái út đi cách ly một nơi. Những ngày vợ trở nặng, bà liên tục được chuyển viện. Dù rất lo lắng nhưng ông chỉ dám gọi chừng mực vì sợ bà mệt, khó thở.
N.Y (cô con gái thứ 3) chỉ được nhìn mẹ qua màn hình điện thoại, một người đàn ông tốt bụng cùng khu cách ly đã video call cho cô nhìn thấy mẹ. "Người ta nói phổi mẹ trắng hết rồi, mẹ em rất yếu, cũng không ăn uống được nữa", Y. nhớ lại.
Ngày thứ 7, ông Lượng vẫn còn nghe giọng vợ nói.
Ngày chủ nhật, không cuộc gọi nào đổ về, lòng ông như lửa đốt.
"Lúc bác sĩ báo cổ mất, tôi điếng người, chân tay bủn rủn. Đêm đó, tôi thức trắng, đốt nhang ở nhà cầu nguyện cho cô ấy. Trước đó, như có linh tính, vợ gọi về dặn dò tôi hãy chăm sóc các con, cổ mệt lắm rồi", ông nghẹn ngào.
Trong kí ức của mấy đứa nhỏ, 4 giờ 30 sáng, mẹ sẽ lục đục thức dậy, làm cơm rồi cùng ba vượt mấy chục cây số để đi làm. Từ ngày không còn vợ, ông Lượng tự tay giặt đồ đạc, nấu cơm cho con. Mỗi lần như thế, những nỗi buồn lại vây lấy ông. Phần vì nhớ vợ, phần vì thương con.
Bé Út dù được đi cách ly cùng lúc với mẹ, nhưng vì mẹ chuyển nhiều bệnh viện, bé vẫn không được gặp mẹ. Mọi người quyết định giấu kín chuyện mẹ mất để tránh làm ảnh hưởng tâm lý của bé.
Ngày Út trở về nhà, Út dự định sẽ kể biết bao chuyện với mẹ. Nhưng ngày đó, bóng hình của mẹ chỉ còn nằm lại trong di ảnh trên bàn thờ. Út khóc nức nở, nhiều đêm vẫn nằm mơ thấy mẹ.
Cảnh "gà trống nuôi con" của ông Lượng cũng trăm bề vất vả. Công trình mà ông theo đã đóng cửa gần 2 tháng này. Nỗi lo cơm áo gạo tiền ngày càng đè nặng lên đôi vai của ông. Đáng lẽ ngày 20 vừa qua, ông đã có thể đi phụ hồ lại, nhưng vì thương con gái Út chưa thể ở nhà một mình, ông đành ở lại.
N.Y chia sẻ: "Em đi học ở Bình Dương nhưng vì giãn cách xã hội nên kẹt luôn bên này. Em thấy thương Út lắm. Mỗi lần nó ngủ là em phải gọi điện canh. Dịch bệnh nhà em càng khó khăn hơn, nhưng cha không muốn đi làm xa để ở nhà lo cho hai chị em".
Căn trọ nhỏ giờ chỉ còn tiếng tụng kinh đều đều phát ra. Từ khi vợ mất, ông cố gắng dặn con đừng khóc nhiều, để mẹ ra đi thanh thản. Ngày mai, dù khó khăn, phải bươn chải thế nào, ông vẫn sẽ cố gắng vì các con. Đó là ước muốn của cùng của vợ ông trước khi ra đi.