Ngày ngày chăm làm 5 điều này, chẳng lo đường huyết tăng cao, tiểu đường 'tìm đến'

Mộc Miên | 08-07-2023 - 20:02 PM

(Tổ Quốc) - Lượng đường huyết tăng đột biến hoặc giảm đột ngột có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Tuy nhiên có một số cách có thể giúp bạn ổn định lượng đường trong máu.

Lượng đường trong máu tăng lên là do cơ thể phân hủy carbohydrate đã tiêu thụ. Cơ thể càng nạp nhiều carbohydrate, càng nhiều glucose được tạo ra.

Chuyên gia dinh dưỡng Cara Shaw chia sẻ với trang Express: “Lượng đường trong máu cũng có thể tăng lên khi bạn căng thẳng, vì cơ thể bạn sẽ chuyển hóa các protein trong cơ bắp để tạo ra glucose và tăng lượng đường trong máu để chống lại sự căng thẳng. Điều này là do cơ thể không thể phân biệt các loại căng thẳng với nhau (ví dụ: sự căng thẳng khi tham gia các hoạt động thể chất), tạo ra phản ứng tăng lượng đường trong máu để giúp cơ thể giải tỏa căng thẳng”.

Theo chuyên gia Cara, mọi người có thể thực hiện một số thói quen đơn giản hàng ngày để có thể kiểm soát lượng đường trong máu, phòng tránh nguy cơ mắc bệnh.

5 điều nên làm mỗi ngày để ổn định đường huyết

1. Ngủ đủ giấc

Nhịp sinh học giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động hiệu quả và giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Chuyên gia Cara cho biết: “Giấc ngủ kém chất lượng, ngủ không đủ giấc có tác động tiêu cực đến lượng đường trong máu. Cách tốt nhất để đảm bảo hỗ trợ nhịp sinh học của bạn là ưu tiên giấc ngủ”.

Để có một giấc ngủ ngon và duy trì nhịp sinh học, mọi người nên:

- Ngủ và thức dậy vào cùng một khung giờ, kể cả vào cuối tuần.

- Tham gia các hoạt động thể chất trong ngày nhưng không tập thể dục trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ.

- Tránh xa các thiết bị điện tử trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ.

- Không ăn hoặc uống trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ. Đặc biệt, cần tránh uống rượu và ăn thực phẩm giàu chất béo hoặc chứa nhiều đường.

- Giữ nhiệt độ phòng ngủ mát mẻ, đủ tối và đủ yên tĩnh.

Ngày ngày chăm làm 5 điều này, chẳng lo đường huyết tăng cao, tiểu đường 'tìm đến' - Ảnh 1.

Giấc ngủ kém chất lượng, ngủ không đủ giấc có tác động tiêu cực đến lượng đường trong máu.


2. Giải tỏa căng thẳng

Việc kiểm soát căng thẳng không chỉ giúp bạn có một giấc ngủ ngon mà còn giúp ổn định lượng đường trong máu.

Chuyên gia Cara cho biết: “Nếu bạn không thể kiểm soát căng thẳng, điều này có thể khiến lượng đường trong máu của bạn tăng đột biến nhằm giúp cơ thể ứng phó với sự căng thẳng. Hơn nữa, tình trạng căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến việc giữ cho lượng đường trong máu của bạn cao liên tục, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe”.

Chuyên gia Cara khuyến cáo mọi người có thể thử các tập yoga, ngồi thiền hoặc đơn giản là đi dạo để giải tỏa căng thẳng.

Ngày ngày chăm làm 5 điều này, chẳng lo đường huyết tăng cao, tiểu đường 'tìm đến' - Ảnh 2.

Việc kiểm soát căng thẳng không chỉ giúp bạn có một giấc ngủ ngon mà còn giúp ổn định lượng đường trong máu.


3. Hạn chế sử dụng nước ép trái cây và nước ngọt có ga

Nước ép trái cây là một dạng carbohydrate nhanh chóng chuyển đổi thành glucose trong máu. Còn nước ngọt có ga thường chứa nhiều đường bổ sung có thể khiến lượng đường trong máu gia tăng nhanh chóng

Chuyên gia Cara giải thích: “Thường xuyên sử dụng, hoặc uống quá nhiều các loại nước này có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến”.

Chuyên gia lưu ý: “Bạn vẫn có thể uống các loại nước này nhưng cần nhớ chừng mực là chìa khóa. Mặc dù bạn có thể thưởng thức đồ uống có đường vào những dịp đặc biệt, nhưng hãy đảm bảo kết hợp rằng bạn sẽ kết hợp với một bữa ăn có chứa protein, chất béo lành mạnh và chất xơ để bù đắp lượng carbohydrate".

Ngoài ra bạn cần tăng cường các hoạt động thể chất nhằm giúp cơ thể tiêu hao lượng glucose trong máu để tạo năng lượng và hạn chế nguy cơ tích tụ năng lượng dưới dạng chất béo.

Ngày ngày chăm làm 5 điều này, chẳng lo đường huyết tăng cao, tiểu đường 'tìm đến' - Ảnh 3.

Thường xuyên sử dụng, hoặc uống quá nhiều nước ép trái cây hoặc nước ngọt có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.


4. Ăn sáng đầy đủ

Chuyên gia Cara cho biết: “Đối với hầu hết mọi người, lượng đường trong máu có thể giảm đáng kể sau một đêm ngủ. Bạn có thể nhận ra các dấu hiệu hạ đường huyết như nôn nao và cáu kỉnh. Ngoài ra, một số người có thể bị tăng đường huyết khi thức dậy do lượng hormone gây căng thẳng tăng cao.

Do đó, để ổn định lượng đường trong máu bạn cần ăn một bữa sáng cân bằng dinh dưỡng. Lựa chọn bữa sáng mặn thay vì bữa sáng ngọt sẽ giúp duy trì năng lượng và tâm trạng của bạn trong thời gian còn lại trong ngày”.

Ngày ngày chăm làm 5 điều này, chẳng lo đường huyết tăng cao, tiểu đường 'tìm đến' - Ảnh 4.

Ăn sáng đầy đủ giúp ổn định lượng đường trong máu.


5. Lựa chọn carbohydrate phức hợp

Carbohydrate cần thiết trong chế độ ăn uống của bạn để duy trì lối sống lành mạnh. Tuy nhiên, chuyên gia Cara cho biết: “Mọi người nên chọn loại carbohydrate phức hợp (chủ yếu có trong rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu đỗ,...). Carbohydrate phức hợp chứa nhiều chất xơ giúp làm chậm quá trình giải phóng glucose vào máu, vì vậy hãy chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt, rau, đậu đỗ,... để giúp làm chậm tốc độ tiêu hóa, giúp ổn định lượng đường trong máu".

Nguồn: Express