Ngành học lạ đời chuyên "đào huyệt", "bốc mộ", một năm chưa tới 10 sinh viên tốt nghiệp nhưng làm nữ sinh mê mẩn

Vũ Trịnh | 12-10-2020 - 23:53 PM

(Tổ Quốc) - Ngành học khắc nghiệt và kén người học nhất nhì ở Việt Nam này có gì khiến nữ sinh chịu bỏ qua những cơ hội việc làm tốt hơn để theo đuổi?

Bước vào ngưỡng cửa của tuổi 18, chúng ta bắt đầu phải tự quyết định nhiều thứ quan trọng liên quan tới vận mệnh cuộc đời cụ thể hơn đó là lựa chọn ngành nghề học đại học. Việc tìm ra đâu là thứ mình yêu thích, mình muốn theo đuổi và gắn bó lâu dài với sự nghiệp tưởng dễ nhưng lại vô cùng khó khăn. Điều đáp ứng được đam mê lại chưa hẳn sẽ cho ta những cơ hội tốt về thu nhập trong tương lai, hay ngành dù hot, có nhiều đất dụng võ, rộng đường thăng tiến lại chẳng hề thu hút được sự yêu thích của mình.

San Nguyễn, sinh năm 1996 cũng từng trải qua những năm tháng của tuổi 18 như thế trước khi theo đuổi 1 ngành mà tưởng chừng như đã rơi vào quên lãng đối với nhiều người, ngành Khảo cổ học. Giờ đây, cô bạn đã hoàn thành 4 năm học mà cứ nghĩ mình sẽ chẳng thể nào đi tới đích, chẳng những thế, bây giờ San còn là một sinh viên cao học của chuyên ngành nghe có vẻ bí ẩn này.

Ngành học lạ đời chuyên đào huyệt, bốc mộ, một năm chưa tới 10 sinh viên tốt nghiệp nhưng làm nữ sinh mê mẩn - Ảnh 1.

San Nguyễn đang dập bia ở Hoành Bồ, Quảng Ninh

Rẽ ngang từ ước mơ họa sĩ sang học Khảo cổ, bị mọi người phản đối kịch liệt

Hỏi đến 10 bạn thì đã hết 11 bạn lắc đầu hoặc tỏ ra lạ lẫm với ngành Khảo cổ, quả thật vậy đây là ngành hiện chỉ có 2 trường đào tạo trong cả nước gồm ngôi trường mà San theo học - Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQG Hà Nội và trường Nhân văn - ĐHQG TP.HCM. Trước khi biết đến ngành này, cô bạn là người say mê và đã có ý định theo ngành Mỹ thuật để thực hiện ước mơ làm họa sĩ truyện tranh.

Năm lớp 11, cô bạn ấp ủ về một bộ truyện lấy ý tưởng về thời Lý nên đã tìm hiểu rất nhiều về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, trang phục... của thời kỳ đó. Cô bạn còn một thân một mình bắt xe lên Hà Nội để tham quan Hoàng Thành Thăng Long nhằm tìm kiếm thêm cảm hứng cho bộ truyện. Vào đây, cô gái 9x bị thu hút với những món đồ, những viên ngói, những mảnh vỡ đẹp nao lòng được lấy lên từ lòng đất giữa trung tâm thủ đô. Thế là bắt đầu từ đó, San có thêm hứng thú tìm hiểu nghề khảo cổ và nhen nhóm ý định thay đổi nguyện vọng thi đại học.

Ngành học lạ đời chuyên đào huyệt, bốc mộ, một năm chưa tới 10 sinh viên tốt nghiệp nhưng làm nữ sinh mê mẩn - Ảnh 2.

9x đang cùng 2 nhà khảo cổ của Đại học Quốc gia Úc vẽ địa tầng hố khai quật ở di tích Đền Đồi, Nghệ An

Hẳn rồi, nghe câu chuyện về một cô gái chưa tròn 18 lại muốn đi theo cái nghề mà cứ cặm cụi ngoài đường với đất cát, đồ cổ thì ai nghe cũng ra sức cấm cản. Bố mẹ, bạn bè hay thầy cô của San cũng thế. Người thì thở dài, người lại nghĩ cô nàng bồng bột, người thì nói ra nói vào bảo con gái không làm được đâu. Bạn bè còn trêu sau này sẽ có đứa bạn làm nghề bốc mộ, đào huyệt đồ, rửa xương,... mà nghe thôi người thường đã ớn lạnh.

Nhưng cuối cùng, cô bạn vẫn quyết định đi theo con đường dù sẽ gian nan này. Cô bạn cho biết, mình là người sống cảm tính nên việc lựa chọn ngành học, bạn chỉ suy nghĩ mình có thực sự thích và muốn chọn nó hay không. Cô bạn tâm sự: "Phải làm thứ mình không thích thì khó chịu lắm, quan điểm của mình là như thế!"

Ngành Khảo cổ kén người học bậc nhất Việt Nam, cả nước mỗi năm chưa tới 10 sinh viên ra trường

Hiện nay, Khảo cổ học là ngành kén sinh viên nhất nhì tại Việt Nam, chỉ có 2 trường đào tạo và không phải năm nào cũng tuyển sinh. Được biết, cả nước mỗi năm chỉ đào tạo được khoảng 5-10 cử nhân. Số lượng sinh viên từ lúc nhập học đến khi ra trường chỉ như giọt cà phê vì ai cũng nhận thấy mình không đủ kiên nhẫn nhiều để theo học một ngành vất vả như thế. Theo San Nguyễn, cơ hội việc làm cho ngành nghề này là có nhưng cạnh tranh rất cao. Sinh viên ra trường có thể xin vào các cơ quan khảo cổ học đó là bộ môn Khảo cổ học của khoa Lịch sử, Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu kinh thành, Viện cổ sinh học, Viện KHXH Tây Nguyên, Viện KHXH vùng Nam Bộ, Bảo tàng các tỉnh... nhưng vị trí tuyển dụng luôn có hạn, mức lương lại không phải cao và gần như chỉ sống bằng nghề này thì không đủ trang trải cho cuộc sống ở thành phố.

Có nhiều lý do để sinh viên nản chí với ngành Khảo cổ, nhưng chủ yếu vẫn xoay quanh sự vất vả của nghề, vì ngoài tiếp thu kiến thức, vận dụng trí óc, những người theo ngành còn phải lao động chân tay, thường xuyên làm bạn với đất cát, đi lại xa xôi tới những nơi có điều kiện sinh hoạt khó khăn như núi rừng, vùng sâu vùng xa. Các bạn phải quen với chuyện làm việc ngoài trời bất kể mưa nắng, ăn cơm rừng, uống nước suối.

Ngành học lạ đời chuyên đào huyệt, bốc mộ, một năm chưa tới 10 sinh viên tốt nghiệp nhưng làm nữ sinh mê mẩn - Ảnh 3.

San Nguyễn đang chỉnh lí hiện vật trong phòng làm việc

Ngành học lạ đời chuyên đào huyệt, bốc mộ, một năm chưa tới 10 sinh viên tốt nghiệp nhưng làm nữ sinh mê mẩn - Ảnh 4.

Xử lý di tích cụm ngói đổ tại Cúc Bồ, Hải Dương

San chia sẻ, hầu hết người làm khảo cổ đều phải làm thêm một công việc khác bên ngoài để trang trải cuộc sống. Chưa kể, công việc áp lực cao, đòi hỏi phải có sức khỏe và tính cẩn thận, thầy cô lại yêu cầu rất khắt khe. Hơn nữa, một nhà khảo cổ học phải học rất nhiều thứ. Từ kiến thức chuyên môn đến kĩ năng vẽ, chụp ảnh, in dập, ngoài ra lại phải biết ăn nói, ngoại giao tốt để làm việc với địa phương được thuận lợi.

Ra trường 2 năm vẫn lông bông, không đủ sống nhưng vẫn vui với nghề

Không giấu giếm về những gì mình trải qua sau khi ra trường, cô bạn chia sẻ mình vẫn lông bông và chưa ổn định thu nhập dù đã tốt nghiệp 2 năm. Bố của San xem cô bạn là một người "thất nghiệp" vì đến nay 9x vẫn chưa trở thành nhân viên của bất kỳ cơ quan hay tổ chức nào cả. Thu nhập ba cọc ba đồng chẳng đủ ăn khiến San vẫn phải có công việc tay trái là vẽ để kiếm thêm chi phí trang trải cuộc sống. Nhưng San đang cảm thấy khá hài lòng với nhịp sống của mình và vẫn vui với công việc mình đã lựa chọn.

Là một trong những sinh viên hiếm hoi bám trụ được ngành đến hết năm tư đại học và lần lượt chứng kiến các bạn bỏ nghề, San buồn và chạnh lòng vì biết tại sao họ lựa chọn như thế và cô bạn cũng hiểu tìm một công việc để kiếm sống dễ dàng hơn là lý do chính đáng. Những đồng môn của San người chuyển sang làm biên tập sách, có bạn làm sale, bạn lại làm thiết kế và chắc chắn một điều mức lương từ những công việc này tốt hơn nhiều so với việc trở thành một nhà khảo cổ.

Ngành học lạ đời chuyên đào huyệt, bốc mộ, một năm chưa tới 10 sinh viên tốt nghiệp nhưng làm nữ sinh mê mẩn - Ảnh 5.

Rây từng nắm cát để tìm những hạt chuỗi thủy tinh đường kính 2-3mm ở di tích Thanh Chiếm, Hội An

Ngành học lạ đời chuyên đào huyệt, bốc mộ, một năm chưa tới 10 sinh viên tốt nghiệp nhưng làm nữ sinh mê mẩn - Ảnh 6.

Vẽ mặt bằng di tích Đá Chồng, Quảng Ninh trong tiết trời mưa lâm râm và nhiệt độ xuống dưới 9 độ C

San cũng như những sinh viên khác, cũng có những ước mơ về một công việc có mức lương ổn định và cũng đôi lúc suy nghĩ bỏ ngành lóe lên trong đầu của nữ sinh 9x. Chưa hết tháng nhưng đã rỗng túi là muốn bỏ việc, cày cuốc giữa trưa nắng đến lả người lại muốn bỏ việc, leo núi mãi để tới di tích mà chưa thấy cũng nghĩ đến bỏ việc, hay nhìn bạn bè được ngồi điều hòa làm văn phòng San cũng "ước" mình bỏ việc.

Thế nhưng đó chỉ là vài lần mà cô nàng chợt thấy mệt mỏi nhất thời và suy nghĩ vẩn vơ. Dù vất vả hơn các ngành bình thường nhiều lần, thu nhập cũng đang bấp bênh nhưng San chưa bao giờ hối hận vì quyết định chọn ngành của mình, ngược lại còn kiên định hơn. Cô bạn chia sẻ: "Không kiên định sao được khi mình biết là nghề này lại hay ho đến vậy, thầy cô tuyệt vời đến vậy. Tuy hồi cấp 3 mình học chuyên ban C nhưng phải đến khi lên đại học rồi mình mới bắt đầu thấy Sử rất thú vị!"

San cho rằng, mình may mắn vì vẫn còn giữ được đam mê với khảo cổ, cô bạn tâm sự: "Mình may mắn vì gia đình không khó khăn đến mức cần mình phải chu cấp, may mắn vì thầy cô vẫn luôn cố gắng kiếm học bổng việc làm cho sinh viên, may mắn vì mình có công việc làm thêm tốt để vẫn thoải mái chi tiêu mà vẫn theo được nghề!"

Ngành học lạ đời chuyên đào huyệt, bốc mộ, một năm chưa tới 10 sinh viên tốt nghiệp nhưng làm nữ sinh mê mẩn - Ảnh 7.

Cô nàng đang thu flycam sau khi chụp không ảnh di tích thành nhà Mạc, Hoành Bồ, Quảng Ninh

Ở đây, San được trải nghiệm nhiều thứ lần đầu tiên trong đời như đào, cuốc, nạo, xắn, xúc đất, căng lều dựng trại, nhóm bếp củi đến những việc đòi hỏi chuyên môn cao như phân loại hiện vật, gắn chắp, phục chế hiện vật, vẽ kĩ thuật, chụp ảnh, rải lưới tọa độ bằng máy trắc đạc, đo cao độ, dùng máy GPS... và ti tỉ những kĩ năng khác nữa mà nếu cho cô nàng lạc giữa cánh rừng thì cũng tự khắc biết xoay xở.

Khảo cổ học cũng giúp người cuồng chân như San được đi khắp mọi miền đất nước, trải nghiệm khám phá vùng đất mới, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân từ đó hiểu được lối sống, văn hóa vùng miền, địa phương nơi mình đến. Sau khi ra trường, San đang học thạc sĩ và có dự định học lên tiến sĩ rồi xin ứng tuyển vào một cơ quan nghiên cứu nào đó ở Hà Nội. Con đường phía trước của cô bạn 9x còn rất xa và chắc chắn sẽ còn nhiều gian nan, nhưng mới thấy được rằng cô đang hạnh phúc với những gì mình đã lựa chọn.

Ảnh: Nhân vật cung cấp

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Khám phá "Thế giới trang sức" lộng lẫy của Lộc Phúc tại triển lãm Jewelry Fair 2024

Sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, Triển lãm Jewelry Fair 2024 với chủ đề "Tôn vinh phụ nữ - Tỏa sáng vẻ đẹp vượt thời gian" đã chính thức khép lại vào ngày 07/11/2024 tại Aeon Mall Tân Phú. Sự kiện do Lộc Phúc Fine Jewelry phối hợp cùng các đối tác uy tín tổ chức đã thực sự mang đến một không gian trang sức đầy màu sắc,