Từ trung tuần tháng 3/2020, dịch Covid-19 đã bùng phát mạnh tại thị trường quan trọng nhập khẩu đồ gỗ của Việt Nam, bao gồm Mỹ (chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam) và EU (chiếm 10%). Dịch đang có dấu hiệu bùng phát trở lại tại Nhật Bản, thị trường tiêu thụ khoảng 13% các mặt hàng gỗ xuất khẩu của nước ta.
Chính phủ các quốc gia này hiện đang áp dụng các chính sách mạnh nhằm kiểm soát dịch lan rộng như đóng cửa biên giới, đóng toàn bộ các chuỗi cửa hàng không thiết yếu. Điều này dẫn đến các đứt gãy nghiêm trọng các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều giao dịch thương mại bị đình trệ hay hủy bỏ.
Điều này đã tác động trực tiếp đến các DN ngành gỗ: các DN trong ngành liên tục nhận được các thông báo từ đối tác về giãn thời gian giao hàng, dừng hoạt động giao hàng kể các các lô hàng đã hoặc đang trong quá trình sản xuất. Nhiều đơn hàng bị cắt giảm, chậm thanh toán và thậm chí là hủy đơn hàng. Các DN cũng được thông báo một số khách hàng lớn rơi vào tình trạng chuẩn bị phá sản.
Ở khía cạnh khác, mặc dù dịch có dấu hiệu được kiểm soát tại Trung Quốc – thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam với 12% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm, để thị trường này khôi phục lại sức mua và các chuỗi cung như trước khi dịch xảy ra sẽ mất rất nhiều thời gian và chưa biết đến bao giờ sức mua sẽ trở lại như lúc ban đầu.
Với tình hình dịch đang diễn ra như hiện nay tại các thị trường xuất khẩu, tác động đến ngành gỗ Việt Nam – là ngành có mức độ hội nhập rất sâu và rộng là vô cùng lớn.
Để đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 tới ngành gỗ, các Hiệp hội VIFOREST, HAWA, BIFA, FPA Bình Định đã thực hiện khảo sát nhanh với 124 DN trong ngành.
Tuy nhiên, không phải bất cứ DN nào cũng phản hồi tất cả các câu hỏi trong khảo sát. Ví dụ trong 124 DN tham gia khảo sát, chỉ có 93 DN phản hồi câu hỏi về thiệt hại về kinh tế của DN do đại dịch gây ra.
Trong 124 doanh nghiệp tham gia khảo sát có: 89 thuộc sản xuất đồ gỗ xuất khẩu; 7 sản xuất các loại ván nhân tạo xuất khẩu; 28 còn lại là các DN dăm gỗ, viên nén nguyên liệu, sản xuất đồ gỗ phụ vụ thị trường trong nước, DN thương mại, cung cấp gỗ nguyên liệu.
Mục đích của Khảo sát nhằm tìm hiểu tác động của dịch tới DN về các khía cạnh thiệt hại kinh tế, hoạt động sản xuất, lao động cũng như các khía cạnh về vốn vay, các hoạt động tài chính của DN. Khảo sát cũng nhằm thu thập các kiến nghị của DN đối với các cơ quan quản lý nhằm giảm thiểu tác động của dịch. Khảo sát được thực hiện vào cuối tháng 3/2020.
Thiệt hại ban đầu hơn 3.000 tỷ đồng, 93% doanh nghiệp đã và sắp dừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất
Mặc dù khảo sát mới thực hiện ở quy mô nhỏ và tác động của dịch tới các DN mới chỉ ở mức độ ban đầu, nhưng các tác động tiêu cực của dịch tới DN trong ngành đã thể hiện rất rõ nét.
Đầu tiên, thiêt hại về kinh tế đối với các DN là rất lớn. Có 76% DN phản hồi cho biết mức thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 3.066 tỷ đồng; 24% số DN chưa xác định được thiệt hại (tính trên 124 DN khảo sát).
Thứ hai, phần lớn các DN thu hẹp quy mô sản xuất, một số DN phải đóng cửa. Tính đến cuối tháng 3/2020, có trên một nửa (51%) số DN tham gia khảo sát cho biết họ đã phải thu hẹp quy mô sản xuất do dịch; 35% DN mặc dù đang hoạt động bình thường nhưng tiết lộ sẽ tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới; 7% số DN đã ngừng hoạt động và chỉ có 7% DN vẫn hoạt động bình thường.
Toàn bộ hoạt động sản xuất của DN hiện tại là để đáp ứng các đơn hàng năm 2019.
Trong 51% kể trên có: 79% DN chưa xác định được thời gian ngừng/tạm ngừng hoạt động sản xuất của 1 số bộ phận sẽ kéo dài bao lâu; khoảng 2% số DN trong nhóm này đã cho ngừng sản xuất tại 1 số bộ phận trong 2 tuần qua và chỉ hoạt động trở lại khi có đơn hàng; 5% số DN trong nhóm này đã ngừng sản xuất tại 1 số bộ phận và có kế hoạch sẽ phải tiếp tục ngừng sản xuất trong 1 tháng tới; 15% số DN sẽ ngừng trong 3 tháng tới. Nhiều khả năng các DN này sẽ phải dừng sản xuất lâu hơn vì hiện không có đơn hàng.
Thứ ba, quy mô lao động của các DN giảm nghiêm trọng. Khoảng 45% tổng số lao động trong các DN đã mất việc do dịch. Cụ thể, trong 105 DN cung cấp thông tin về lao động cho biết trước dịch Covid -19, tổng số lao động làm việc tại các DN này là 47.506 lao động, tuy nhiên đến nay đã có 21.410 lao động nghỉ việc. Báo cáo này không tính các lao động bị nghỉ việc do các nhà máy dừng sản xuất vào cuối mùa vụ, hay công nhân không trở lại làm việc sau nghỉ tết.
Thứ tư, doanh nghiệp đang chịu nhiều sức ép về tài chính bởi các loại thuế phí và bảo hiểm xã hội
Trong bối cảnh nhiều DN phải thu hẹp quy mô sản xuất thậm chí dừng hẳn, sức ép về tài chính lên DN rất lớn, đặc biệt về bảo hiểm xã hội, các loại thuế và phí rất lớn. Về bảo hiểm xã hội: 83 DN phản hồi trong Khảo sát cho biết mức bảo hiểm xã hội mà các DN này phải đóng cho người lao động trong 1 tháng là khoảng 178,7 tỷ đồng.
Do dịch Covid-19, những hội chợ - nơi giao thương chính của ngành gỗ Việt, như thế này đã không thể tổ chức.
Về thuế VAT của DN phải nộp: 50 DN phản hồi cho biết tiền thuế VAT mà các DN phải nộp tính đến nay là 174,6 tỷ đồng; 73 DN chưa hoàn thiện khai báo thuế hoặc không đưa ra ý kiến. Về thuế thu nhập DN phải nộp: 69 DN phản hồi khảo sát cho biết tổng thuế thu nhập DN phải nộp tính đến nay là gần 212,9 tỷ đồng; 54 DN chưa tính toán cụ thể số thuế phải nộp. Về tiền thuê đất DN phải nộp: 61 DN phản hồi cho biết họ phải nộp gần 44 tỷ đồng mỗi năm cho kinh phí thuê mặt bằng sản xuất; 63DN chưa đưa ra con số cụ thể kinh phí phải trả
Cuối cùng là vấn đề dư nợ ngân hàng và nhu cầu vốn. Về dư nợ ngân hàng: có 96 DN phản hồi khảo sát cho biết dư nợ ngân hàng của các họ ở mức 6.207 nghìn tỷ đồng; có 28 DN tham ra khảo sát không đưa ra thông tin cụ thể. Các ngân hàng mà DN vay vốn khá đa dạng, bao gồm các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn của nhà nước, ngân hàng thương mại khu vực tư nhân như VIETCOMBANK, BIDV, VIETINBANK, ACB, MB, TECHCOMBANK, HD BANK, SCB.
Về nhu cầu vốn vay: 103 DN được tham vấn có nhu cầu vay vốn; 17 DN chưa có nhu cầu vay; 4 DN còn lại có nhu cầu vay khi phát sinh nhu cầu.
Đề nghị Nhà nước hỗ trợ trả lương thất nghiệp và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, Ngân hàng giãn nợ và giảm lãi suất
Ứng theo những thực tế và khó khăn nói trên, các doanh nghiệp trong ngành gỗ - nội thất Việt Nam thiết tha đề nghị Chính phủ và phía Ngân hàng hỗ trợ tài chính để họ có thêm động lực chiến đấu với đại dịch Covid-19.
Chính phủ hỗ trợ tài chính nhằm hỗ trợ công nhân mất việc: khi có 78 DN phản hồi đề nghị Chính phủ hỗ trợ tài chính để giúp DN trả lương đối với những công nhân mất việc. Mức hỗ trợ là 1 tháng lương cho mỗi lao động theo quy định của bộ Luật Lao động, với tổng kinh phí là khoảng 146,7 tỷ đồng.
Chính phủ nên giảm thuế và các loại phí cho DN: có 31% trong số DN phản hồi kiến nghị giảm 100% các loại thuế, bao gồm thuế thu nhập DN, thuế VAT, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất; 31% DN đề nghị giảm 50% các loại thuế và phí vừa kể; 15% DN đề nghị giảm xuống mức từ 40% trở xuống.
Nhiều doanh nghiệp muốn Nhà nước hỗ trợ họ trả lương thất nghiệp cho nhân công nghỉ việc. Ảnh minh họa: Công ty Gỗ Đức Thành.
Ngân hàng thương mại gia hạn thời gian đáo hạn của các khoản vay: có 31% DN phản hồi kiến nghị các ngân hàng gia hạn các khoản vay của DN thêm 6 tháng, 29% kiến nghị gia hạn 9 tháng, 13% kiến nghị gia hạn 12 tháng trở lên, và 6% kiến nghị gia hạn dưới 5 tháng.
Ngân hàng thương mại giảm lãi suất ngân hàng: có 52% DN phản hồi kiến nghị các ngân hàng thương mại giảm lãi suất vốn vay xuống còn 2-5%, 11% kiến nghị giảm xuống dưới 2%, 5% kiến nghị giảm xuống còn 5,1-7%.
Một số kiến nghị khác: mặc dù các DN hiện đang thu hẹp quy mô hoặc thậm chí ngừng sản xuất, nhu cầu vốn vay của các DN là rất lớn. Cụ thể: 83% số DN phản hồi có nhu cầu vay vốn hiện tại. Nguồn vốn vay này dự kiến được sử dụng để trả lương cho công nhân trong giai đoạn không có việc, nhằm giữ lao động phục vụ quá trình tái sản xuất khi bệnh dịch được kiểm soát.
Ngoài ra, một số DN cũng kiến nghị Chính phủ cho phép tạm dừng nộp thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng hàng nhập khẩu đầu vào của sản xuất, giảm chí phí lưu thông hàng qua cảng ở mức hợp lý, hỗ trợ các chế độ an sinh cho người lao động ngoài Bảo hiểm thất nghiệp, tạo điều kiện cho DN giữ lao động.
Theo đó, trong bối cảnh như đã miêu tả ở trên, các hỗ trợ về tài chính của Chính phủ đối với DN là vô cùng quan trọng, nhằm giảm tải các sức ép về tài chính lên DN và lên người lao động, đặc biệt là nhóm vừa bị mất việc và nhóm sẽ bị mất việc trong tương lai gần. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đưa ra các cơ chế chính sách hỗ trợ DN, nhằm chuẩn bị trước cho DN sẵn sàng khôi phục sản xuất kinh doanh khi bệnh dịch được kiểm soát trong thời gian tới.