Hôm 2/3, Thủ tướng Campuchia đã nhấn mạnh rằng dịch bệnh đang khiến các ngành công nghiệp chủ chốt của Đông Nam Á bị tê liệt, thương mại biên giới gặp khó khăn. Số người chết vì virus Corona, xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) đã lên tới hơn 3.000 người trên toàn thế giới.
Bắc Kinh đã ban hành các lệnh phong toả chưa từng có đối với các thành phố, tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Điều này khiến cho công xưởng của thế giới, mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.
Coronavirus làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu, ông Hun Sen nói.
Campuchia đã bắt đầu cảm thấy khó khăn khi ngành may mặc, trị giá 7 tỷ USD, có đến 60% nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bộ Lao động nước này tuần trước cho biết 10 nhà máy phải thu hẹp dây chuyền sản xuất. 3.000 công nhân đã mất việc. Nhưng tác động rõ nét của Coronavirus có thể sẽ rơi vào tháng 3 khi gần nguyên liệu dự trữ của gần 200 nhà máy cạn kiệt.
Điều này có thể tác động đến số phận của 160.000 công nhân, nhân viên – tức hơn 20% lực lượng lao động trong ngành này.
Ông Hun Sen cho biết đã yêu cầu Trung Quốc gửi nguyên liệu khẩn cấp để tránh tình trạng ngưng trệ sản xuất.
Một nguồn tin từ Bộ Lao động nói với truyền thông rằng dự kiến Campuchia sẽ nhận được một số nguyên liệu đầu vào vào cuối tháng 3, dù không đáp ứng đầy đủ nhu cầu.
Pann Sokchea, công nhân tại khu sản xuất của Phnom Penh lo lắng lương sẽ bị cắt giảm. "Các nhà máy không còn vải, công nhân vì thế lo ngại về công việc", cô nói.
Việt Nam, nước láng giềng của Campuchia, cũng sẽ mất tới 2 tỷ USD nếu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc bị trì hoãn thêm 2 tuần nữa, ông Lê Tiến Trường, TGĐ Vintatex nói với truyền thông.
Tương tự Campuchia, ngành may mặc Việt Nam phụ thuộc đến 60% vải từ Trung Quốc để cung cấp cho các dây chuyền, theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).
Xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam đã giảm 1,7% xuống 4,5 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm. Và các nhà xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc cũng đang cảm thấy "sức nóng" khi các xe container bị tắc lại ở biên giới.
Ở Lạng Sơn, nhiều lái xe tải cho biết họ phải chờ hàng giờ, thậm chí vài ngày để đưa hàng hóa của họ sang biên giới.
Sự thiếu hụt lao động khiến cho việc dỡ hàng, trước đây hoàn thành chỉ trong hơn một giờ, lên cả một ngày.