Trong thông báo được gửi đi ngày 17/11, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cảnh báo tình trạng lừa đảo mạo danh tin nhắn thương hiệu Vietcombank tiếp tục gia tăng trở lại.
Nội dung tin nhắn thường thông báo về việc tài khoản của khách hàng đang đăng nhập trên thiết bị khác, đồng thời yêu cầu khách hàng bấm vào một đường link giả mạo trong tin nhắn, từ đó chiếm đoạt thông tin dịch vụ và tiền trong tài khoản của khách hàng.
Đường link gửi kèm trong tin nhắn thường chứa tên gần giống với trang web chính thức của ngân hàng như: https://vietcombank.comvn-br.xyz; https://vietcombank.comvn-br.top; https://vietcombank.vn-vn.top; http://vietcombank.vn-vc.top; https://vietcombank.com.vn-vc.xyz; https://vietcombank.com.vn-br.tob....
Đây là thủ đoạn không mới, đã được ngân hàng và các cơ quan báo chí liên tục cảnh báo trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi nội dung tin nhắn SMS giả mạo để thực hiện hành vi lừa đảo.
Vietcombank khẳng định không gửi tin nhắn SMS đi kèm các đường link đăng nhập dịch vụ VCB Digibank. Các tin nhắn có đường link đăng nhập dịch vụ đều là giả mạo. Ngân hàng vẫn đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn các đường link giả mạo, hạn chế tối đa các rủi ro, thiệt hại về tài chính cho khách hàng.
Vietcombank khuyến cáo khách hàng không bấm vào đường link nếu nhận được tin nhắn có nội dung tương tự như trên. Trong trường hợp đã bấm vào đường link và tiết lộ thông tin, khách hàng ngay lập tức thực hiện khóa dịch vụ VCB Digibank khẩn cấp bằng cách nhắn tin theo cú pháp VCB KHOA DIGIBANK gửi 6167 hoặc gọi điện đến tổng đài 1900545413 hoặc đến các điểm giao dịch trong giờ hành chính.
Thời gian gần đây nhiều ngân hàng như Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)... cũng đưa ra cảnh báo tương tự.
Ngoài mạo danh tin nhắn thương hiệu ngân hàng, một thủ đoạn khác mà những kẻ lừa đảo thường hay sử dụng là chiếm đoạt SIM viễn thông, từ đó đánh cắp tài khoản và tài sản của người dùng.
Theo đó, kẻ lừa đảo sẽ tự xưng là nhân viên nhà mạng, gọi đến thông báo hỗ trợ khách hàng nâng cấp SIM điện thoại từ 4G lên 5G kèm theo nhiều tiện ích, quà tặng, thưởng... Đồng thời, dụ dỗ khách hàng gửi tin nhắn theo hướng dẫn để nâng cấp.
Khi khách hàng làm theo chỉ dẫn như gửi tin nhắn hay nhấn vào trang liên kết mà họ cung cấp hoặc chia sẻ OTP mà công ty viễn thông gửi cho khách hàng, theo HSBC, SIM điện thoại của khách sẽ bị mất tín hiệu và không thể sử dụng được nữa. Ngay lúc này, kẻ lừa đã chiếm dụng số điện thoại của khách hàng và ngay lập tức tiến hành các giao dịch.
Để không bị mất tiền oan, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng cần xác minh trực tiếp với các đơn vị cung cấp dịch vụ gồm ngân hàng và công ty viễn thông. Không nhấn vào các đường link, tên miền lạ; không cung cấp mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP cho bất cứ ai dù là nhân viên ngân hàng.
Đặc biệt trong trường hợp bị mất quyền sử dụng SIM, nghi ngờ thông tin tài khoản bị đánh cắp hoặc phát sinh giao dịch gian lận, khách hàng cần liên hệ đường dây nóng của nhà mạng, ngân hàng và công an để có phương án xử lý kịp thời.