Nga tung quân cờ "vớt" thể diện cho Pantsir: Bắn UAV Thổ tan xác hay tự chuốc thêm thất bại?

QS | 28-06-2020 - 13:07 PM

(Tổ Quốc) - Nếu phiên bản mới Pantsir-S1M không phát huy được hiệu quả thì Pantsir có lẽ sẽ đối mặt với viễn cảnh rất xấu do sự sống còn của nó phụ thuộc quá nhiều vào khách hàng xuất khẩu.

Nga ra mắt Pantsir-S1M

Theo trang mạng Strategy Page, Nga đang tạo cho hệ thống phòng không Pantsir-S1 (SA-22) tai tiếng của mình một cơ hội nữa để chứng minh hiệu quả tác chiến. Phiên bản mới, Pantsir-S1M đã được ra mắt công chúng lần đầu tiên trong cuộc duyệt binh ngày 24/6 vừa qua tại Moscow.

S1M được giới thiệu lần đầu tại triển lãm IDEX 2019 tổ chức tại Dubai. Quá trình chuyển giao cho các khách hàng đặt mua phải tới năm 2021 mới có thể tiến hành.

Đáng lưu ý, phiên bản S1M đã có những thay đổi dựa trên kinh nghiệm chiến đấu của hệ thống gốc ở Syria và Libya. Trải nghiệm chiến đấu đó, đối với Pantsir, đích thực là một thảm họa khi hơn 20 tổ hợp đã bị máy bay cùng các hệ thống tác chiến điện tử của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel phá hủy.

Phần lớn thiệt hại xảy ra ở Libya, tại đây Nga được cho là đã cung cấp cho lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) hơn 20 tổ hợp Pantsir-S1. Trong hầu hết các trường hợp, Thổ Nhĩ Kỳ đều dùng hệ thống Koral để gây nhiễu trước, sau đó triển khai máy bay không người lái (UAV) Bayraker TB2 tấn công với tên lửa dân đường bằng laser nhằm vào các tổ hợp Pantsir-S1. Israel cũng dùng các chiến thuật tương tự tại Syria.

Nga tung quân cờ vớt thể diện cho Pantsir: Bắn UAV Thổ tan xác hay tự chuốc thêm thất bại? - Ảnh 1.

Hình ảnh được cho là phiên bản Pantsir-S1M.

Pantsir S1M được trang bị radar mới với tầm hoạt động 75km và hệ thống them dõi mục tiêu quang-điện học "tiên tiến". Những hệ thống quang-điện tử này không thể bị "bịt mắt" dễ dàng và chắc chắn không bị gây nhiễu bởi các thiết bị gây nhiễu điện tử.

S1M còn được trang bị để phát hiện và bắn hạ tất cả các loại UAV dù chúng có kích cỡ hay khả năng hoạt động như thế nào. Tổ hợp này trang bị tên lửa mới với tầm bắn 30km và hệ thống dẫn đường tiên tiến.

Có vẻ Nga sẽ đưa S1M vào thử nghiệm thực chiến. Nhiều khả năng Pantsir-S1M sẽ được triển khai để tiêu diệt các UAV của Thổ. Điều đó có thể sẽ khiến Ankara thiệt hại về khí tài và mang lại danh tiếng cho S1M. Tuy nhiên, nếu S1M không phát huy được hiệu quả thì Pantsir có lẽ sẽ đối mặt với viễn cảnh rất xấu do sự sống còn của nó phụ thuộc quá nhiều vào khách hàng xuất khẩu.

Thất bại bẽ bàng của Pantsir

Nga đã cố gắng hết sức để bảo vệ Pantsir trên các phương tiện truyền thông. Trong một dịp hiếm hoi đầu năm 2020, ông Valery Slugin – thiết kế trưởng của hệ thống phòng không Pantsir-S1, đã trả lời phỏng vấn một tờ báo Nga. Trong đó, ông Slugin đã lý giải tình huống tổ hợp Pantsir của Syria bị Israel phá hủy vào năm 2019. Tel Aviv từng công bố đoạn clip ghi lại sự việc này.

Theo ông Slugin, sai sót nằm ở kíp vận hành của Syria, họ đã bắn hết toàn bộ tên lửa và đang phải đợi xe tiếp đạn đến. Nhân cơ hội đó, tên lửa Israel đã diệt gọn tổ hợp Pantsir.

Ông Slugin cho rằng, nếu kíp vận hành của Syria kịp thời di chuyển xe phóng đi thì Israel có lẽ đã không thể tìm ra và phá hủy nó.

Bên cạnh đó, vị thiết kế trưởng nhấn mạnh rằng, tổ hợp Pantsir này đã tiêu diệt được 8 mục tiêu – được cho là tên lửa hành trình của Israel – khi bắn ra 12 tên lửa. Tuy nhiên, phía Israel tuyên bố các tên lửa hành trình của họ đã tiêu diệt được mục tiêu đã định và chỉ có 2 tên lửa trượt mục tiêu.

Israel phá hủy hệ thống phòng không Pantsir-S1 ở Syria

Lúc này, công ty phụ trách phát triển và quảng bá Pantsir của Nga thấy rằng họ cần phải để thế giới biết những điều mà họ tin là đã thực sự xảy ra.

Truyền thông Nga công bố một đoạn video ghi lại hình ảnh các tên lửa Pantsir phát nổ trên không trung.

Thế nhưng, Israel đáp trả lại rằng nguyên nhân dẫn tới việc đó là do tên lửa hành trình Delilah của Israel mang theo thiết bị gây nhiễu radar đã khiến Pantsir mất dấu mục tiêu của nó. Do vậy, tên lửa Pantsir đã tự hủy thay vì rơi xuống đất và gây ra thương vong không mong muốn.

Trong khi đó, Nga nói rằng tên lửa của họ đã phát nổ gần một mục tiêu không thấy rõ được.

Nỗ lực quảng bá khác được Nga thực hiện vào cuối năm 2019, trong đó hơn 30 hệ thống Pantsir-S1 đã được đưa tới Syria và hứa hẹn có thể bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Syria trước các cuộc tấn công đường không (từ máy bay chiến đấu, UAV, tên lửa hành trình và đạn đạo).

Vấn đề ở đây là chỉ có mỗi Nga và Syria tuyên bố Pantsir hiệu quả. Các đối thủ của họ (Israel, Mỹ và phương Tây) lại đưa ra những bằng chứng mâu thuẫn với tuyên bố đó.

Strategy Page cho biết, kể từ năm 2011, các tổ hợp Pantsir-S1 do Syria vận hành mới chỉ bắn hạ được 1 máy bay – đó là chiếc phi cơ trinh sát già nua RF-4E của Thổ Nhĩ Kỳ - vào năm 2012 do vô tình. Khi đó máy bay Thổ đang bay ngoài bờ biển và không có vẻ gì lường trước được vụ tấn công.

Pantsir được xem là một thất bại. Nga chưa đưa ra được bằng chứng đáng tin cậy về thành tích tiêu diệt của Pantsir, trong khi các cuộc không kích của Israel liên tục phá hủy được các mục tiêu của chúng, ngay cả khi có Pantsir hiện diện.

Trước đó, từng có một sự vụ khác gây ra tai tiếng cho Pantsir tại Syria. Đó là vào cuối năm 2018, khi các phần tử khủng bố Hồi giáo sử dụng những UAV vũ trang loại nhỏ phát động tấn công vào căn cứ không quân Hmeymim của Nga.

Moscow tuyên bố, các cuộc tấn công này đã thất bại do hệ thống phòng không của Nga đã bắn hạ hơn 50 UAV cỡ nhỏ. Tuy nhiên, những nguồn tin không chính thức cho biết hai hệ thống phòng không tầm ngắn ở Hmeymim đã có màn thể hiện vô cùng chênh lệch. Trong khi hệ thống Tor-M2U cũ kỹ hơn bắn hạ được nhiều UAV thì Pantsir… liên tục bắn trượt mục tiêu. Điều trớ trêu chính là nằm ở đó.

Hệ thống Tor-M đã được đưa vào sử dụng từ những năm 1980 và từ đó đến nay nó đã được nâng cấp nhiều lần. Năm 2018, gói nâng cấp lớn dành cho Tor được giới thiệu, phiên bản Tor-2E ra mắt. Nó trang bị 16 tên lửa và có radar tìm kiếm riêng, tầm bắn của tên lửa được tăng lên 15km.

Nga đã xuất khẩu hệ thống Tor-M tới 14 quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Hy Lạp, Venezuela, Trung Quốc, Iran và Ai Cập. Moscow muốn tăng cường xuất khẩu Pantsir nhưng các khách hàng thông thái vẫn cứ đặt mua Tor-M bởi vì họ biết nó hiệu quả.

Theo Strategy Page, với sự ra mắt của Pantsir- S1M, có vẻ Nga đang cố áp dụng với con đường họ đã đi với Tor-M, đó là cải tiến hệ thống cho tới khi nó phát huy hiệu quả. Chúng ta sẽ phải chờ đợi thêm màn thể hiện của Pantsir-S1M trong thời gian tới.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM