Nga hứa giao sớm, S-400 chưa tới Ấn Độ đã đối mặt viễn cảnh đen tối: Bị TQ chọc mù rồi phá hủy

Vy Lam | 30-06-2020 - 18:57 PM

(Tổ Quốc) - Trung Quốc dường như đã nắm được cách thức vô hiệu hóa hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến của Nga.

Tờ SCMP (Hồng Kông) dẫn lời các chuyên gia quân sự nhận định, quyết định chuyển giao sớm hệ thống tên lửa Nga cho Ấn Độ có thể tạo ra mối đe dọa đối với Trung Quốc trong bối cảnh nước này xảy ra đụng độ biên giới với New Delhi, nhưng điều đó sẽ không thể diễn ra trong một sớm một chiều.

Cuối tuần trước, truyền thông Nga đưa tin, Moscow đã đồng ý dời thời hạn chuyển giao hệ thống phòng không S-400 cho Ấn Độ lên tháng 1/2021, sớm hơn gần 1 năm so với dự kiến ban đầu.

Trước đó, New Delhi được cho là đã đề nghị Moscow xúc tiến nhanh thỏa thuận trị giá 5,43 tỷ USD trong bối cảnh căng thẳng quân sự đang leo thang với Bắc Kinh.

Theo hợp đồng mà Ấn Độ ký kết với Nga vào tháng 10/2018, những tên lửa đầu tiên của hệ thống S-400 sẽ được chuyển giao vào cuối năm 2021. Mỹ từng lên tiếng cảnh cáo Ấn Độ về thỏa thuận này, và ngay tại New Delhi, cũng có những nghi ngờ nhất định về mức độ hiệu quả của S-400 trong vai trò răn đe.

Tuy nhiên, cuộc đụng độ đẫm máu với binh lính Trung Quốc tại vùng biên giới Himalaya tranh chấp hôm 15/6 khiến ít nhất 20 binh lính Ấn Độ đã thiệt mạng đã khiến thỏa thuận vũ khí này trở nên cấp thiết hơn.

Không chỉ muốn đẩy nhanh thỏa thuận S-400, trong chuyến công du tới Moscow tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh còn thúc giục Nga xúc tiến nhanh chóng đơn đặt hàng 21 tiêm kích MiG-29 và 12 tiêm kích Su-30MKI cho Ấn Độ.

Nga hứa giao sớm, S-400 chưa tới Ấn Độ đã đối mặt viễn cảnh đen tối: Bị TQ chọc mù rồi phá hủy - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: TASS

Nhà bình luận quân sự Song Zhongping tại Hồng Kông nhận định, S-400 có tầm bắn 400km và có thể trở thành mối đe dọa đối với Trung Quốc ở vùng biên giới Himalaya.

Hệ thống phòng không chủ lực của Trung Quốc tại vùng biên giới với Ấn Độ hiện nay là các tổ hợp tên lửa HQ-9 và HQ-16, chúng đều có tầm bắn ngắn hơn S-400.

"Nếu được triển khai gần Đường kiểm soát thực tế (LAC), S-400 có thể tạo ra mối đe dọa đối với các máy bay Trung Quốc ngay cả khi chúng hoạt động sâu bên trong không phận nước mình" – ông Song cho hay, đề cập tới vùng biên giới tranh chấp giữa Trung-Ấn.

"Điều này có thể trở thành vấn đề gây đau đầu cho các hoạt động tuần tra và kiểm soát biên giới phía tây của quân đội Trung Quốc (PLA)" – ông Song nói nhưng lưu ý rằng, PLA cũng đã nắm được điểm yếu của hệ thống tên lửa S-400.

Trung Quốc là khách hàng quốc tế đầu tiên đặt mua hệ thống phòng không S-400 của Nga theo thỏa thuận trị giá 3 tỷ USD vào năm 2014. Đợt chuyển giao đầu tiên đã được hoàn tất vào tháng 5/2018 và đợt thứ hai diễn ra hồi tháng 1 năm nay. Kíp vận hành của Trung Quốc đã được đào tạo sử dụng S-400 tại Nga.

"Từ quá trình vận hành hệ thống của mình, PLA đã nắm được điểm yếu của S-400 và các phương thức có thể gây mù hoặc phá hủy nó" – ông Song cho hay.

SCMP cho biết, theo thỏa thuận được xây dựng "dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau" giữa lực lượng biên giới Trung-Ấn, cả hai phía đã nhất trí không để máy bay quân sự của bên mình hoạt động trong phạm vi 10km tính từ LAC. Mọi hoạt động ngoại lệ phải được báo trước.

Ông Song cho rằng, một cuộc tấn công nhằm vào máy bay Trung Quốc khi nó chưa hề vượt qua lằn ranh sẽ được xem là hành vi khiêu khích và có thể kích động Bắc Kinh trả đũa.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích quân sự tại Bắc Kinh Zhou Chenming nhận định, mối đe dọa đến từ S-400 cần phải có thời gian mới thấy rõ được.

Theo ông Zhou, Nga từng trì hoãn chuyển giao các đơn hàng vũ khí cho khách hàng nước ngoài, trong đó có cả hợp đồng S-400 với Trung Quốc. Vậy thì không có gì chắc chắn cam kết với Ấn Độ sẽ diễn ra như dự kiến.

Ngoài ra, "sau khi chuyển giao, cũng mất ít nhất 1-2 năm để chuẩn bị cho hệ thống sẵn sàng chiến đấu", ông Zhou nói.

"Do đó, thông tin về việc ‘S-400 sẽ được chuyển giao cho Ấn Độ sớm hơn dự kiến’ giống như một thông điệp gửi tới Trung Quốc hơn trong cuộc đối đầu này" – Vị chuyên gia nhận định.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM