Ngày 25/11/2022, Nga đơn phương tuyên bố hoãn vô thời hạn cuộc họp của Ủy ban tư vấn song phương Nga-Mỹ (BCC) về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược START mới, hay còn gọi là START-3 được hai bên thoả thuận tổ chức tại Cairo, Ai Cập từ 29/11 - 6/12/2022. Một trong các chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự của cuộc họp là việc nối lại các cuộc thanh sát.
Quá trình hình thành Hiệp ước START-3
Sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, Liên Xô và Mỹ bắt đầu đối thoại về răn đe hạt nhân và ký kết các thỏa thuận liên quan. Tháng 5/1972, hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới đã ký một thỏa thuận tạm thời về các biện pháp hạn chế vũ khí tấn công chiến lược gọi là SALT-1.
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga và Mỹ tiếp tục đàm phán, Hiệp ước SALT-1 đã được mở rộng và được gọi là Hiệp ước về cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START). Hiệp ước mới START-3 đã được Tổng thống Nga D. Medvedev và Tổng thống Mỹ B. Obama ký ngày 8/4/2010 tại Praha và bắt đầu có hiệu lực ngày 5/2/2011, thay thế cho Hiệp ước START-1 hết hạn tháng 12/2009 và Hiệp ước START-2 hết hạn tháng 5/2002. Hiệp ước có giá trị 10 năm và có thể gia hạn thêm 5 năm theo thỏa thuận chung của hai bên ký kết.
Hiệp ước START-3 quy định việc cắt giảm số đầu đạn hạt nhân chiến lược đã được triển khai của mỗi bên xuống 1550, số tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo lắp trên tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng xuống còn 700, các bệ phóng ICBM và SLBM ở cả hai trạng thái triển khai và chưa được triển khai xuống 800. Theo Hiệp ước START-3, Nga và Mỹ phải tiến hành thanh sát thường kỳ các cơ sở quân sự của nhau, nhưng năm 2020, hoạt động này đã bị đóng băng do đại dịch Covid-19.
Ngày 27/1/2021, Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang Nga đã phê chuẩn thỏa thuận giữa Nga và Mỹ về việc gia hạn START-3 đến ngày 5/2/2026. Ngày 29/1/2021, Tổng thống Nga V. Putin đã ký đạo luật gia hạn START-3 và ngày 3/2/2022 thỏa thuận này bắt đầu có hiệu lực.
Việc thực hiện Hiệp ước START-3 bị gián đoạn
Thời gian gần đây, lòng tin lẫn nhau giữa Nga và Mỹ đã liên tục giảm xuống. Từ năm 2020, các cuộc thanh sát định kỳ lẫn nhau cũng như việc trao đổi thông tin giữa hai nước đã bị đình chỉ.
Đầu tháng 8/2022, Nga tạm thời rút các cơ sở của mình khỏi các hoạt động giám sát theo Hiệp ước START-3. Bộ Ngoại giao Nga gọi đây là biện pháp bắt buộc do Mỹ tìm cách khởi động lại các hoạt động thanh sát các cơ sở quân sự của Nga mà không tính đến các yêu cầu an ninh của Nga, chưa nói đến việc Moscow thực sự bị tước quyền tiến hành các cuộc thanh sát trên lãnh thổ Mỹ do Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt sau khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.
Trong thời gian đó, cả Mỹ và Nga đều đã tiến hành một số cuộc thử nghiệm tên lửa liên lục địa và tập trận mà không thông báo trước cho nhau theo thoả thuận được quy định trong Hiệp ước START-3.
Mỹ đã tiến hành thử nghiệm tên lửa liên lục địa siêu thanh Minuteman-3 mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Về phần mình, Nga cũng thử nghiệm hệ thống tên lửa chiến lược liên lục địa Avangard và Sarmat có thể vươn tới nước Mỹ trong vòng nửa giờ, đồng thời phóng tên lửa Zircon đầu tiên từ tàu ngầm hạt nhân.
Ngày 4/2/2020, tức một năm trước khi Hiệp ước START-3 hết hiệu lực, hai bên mới tuyên bố đồng ý gia hạn. Tuy nhiên, vào ngày đó chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống D. Trump đã triển khai vũ khí hạt nhân trên tàu ngầm, trong khi vào đầu tháng 9/2020 Nga thông báo đã triển khai 1.447 đầu đạn chiến lược, và số đầu đạn này vẫn dưới mức trần cho phép. Sau đó, để xua tan mối lo ngại của Nga, vào phút chót chính quyền của Tổng thống J. Biden đã chủ động gia hạn thỏa thuận, nhưng sự lo lắng lại quay trở lại do những cuộc thử nghiệm và bùng nổ cuộc chiến Ukraine.
Ý tưởng về Hiệp ước START đa phương
Hiệp ước START-3 về cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược là một thỏa thuận song phương giữa Nga và Mỹ. Hiệp ước này bị cho rằng không toàn diện vì không cho phép kiểm soát kho vũ khí của các nước thứ ba. Ngoài Nga và Mỹ, 7 quốc gia khác có vũ khí hạt nhân, trong đó có hai thành viên NATO. Phía Nga cho rằng, các thỏa thuận giải trừ quân bị song phương trên thực tế đã giảm ý nghĩa và đề xuất xây dựng một Hiệp ước START đa phương trong thời gian tới.
Trong vòng đầu tiên của cuộc đàm phán Vienna về ổn định chiến lược giữa Mỹ và Nga năm 2020, phía Mỹ đã mời Trung Quốc tham gia đàm phán với tư cách là bên thứ ba. Tuy nhiên, Trung Quốc cho biết sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán giải trừ quân bị ba bên, nhưng chỉ khi nào Mỹ đồng ý giảm kho vũ khí hạt nhân của mình xuống ngang bằng với Trung Quốc.
Đặc biệt nguy hiểm là kho vũ khí hạt nhân của Anh, vốn đã được đưa vào hệ thống hoạch định hạt nhân của Mỹ từ năm 1962. Hải quân Anh có bốn tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard được trang bị tên lửa Trident-2 do Mỹ sản xuất. Mỗi tàu ngầm của Anh có thể mang theo 16 tên lửa loại này.
Thời gian bay của Trindent-2 đến lãnh thổ Nga ít hơn nhiều so với thời gian từ Mỹ. Các tên lửa của Anh cho phép Mỹ sử dụng vào mục địch của riêng mình. Về mặt lý thuyết, Mỹ có thể phát triển các chương trình quân sự cùng với Anh và bỏ qua các giới hạn của START-3. Tháng 7 và tháng 10/2010, phía Nga đã đề nghị đưa vấn đề này vào chương trình đàm phán trong khuôn khổ Sáng kiến an ninh châu Âu-Đại Tây Dương. Tuy nhiên, phía Mỹ đã không đồng ý, cho rằng kho vũ khí của Anh mang tính độc lập.
Thế giới đứng trước nguy cơ Hiệp ước START-3 sụp đổ
Sau khi Hiệp ước tên lửa tầm trung INF (1987-2019) không được gia hạn, START-3 là Hiệp ước duy nhất còn lại để kiểm soát vũ khí hạt nhân. Tình hình thế giới sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm khi Hiệp ước này hết hạn năm 2026 mà không có giải pháp thay thế.
Việc Nga - Mỹ gặp nhau thảo luận các biện pháp duy trì Hiệp ước START-3, đặc biệt là việc nối lại các cuộc họp của ủy ban tham vấn song phương (BCC), các giải pháp thay thế sau khi START-3 hết hạn tháng 2/2026 và trước mắt khôi phục lại các hoạt động thanh sát vốn đã bị đình chỉ từ tháng 3/2020 sau khi áp đặt các biện pháp phòng dịch Covid-19 và cuộc chiến Nga-Ukraine có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Nga và Mỹ đưa ra các điều kiện nối lại đàm phán
Tháng 8/2022, Nga tuyên bố ngừng, không cho phép Mỹ tiến hành các cuộc thanh sát trong khuôn khổ Hiệp ước START-3 đối với các cơ sở quân sự của mình. Bộ Ngoại giao Nga nói rằng, đây là hành động trả đũa lại việc Mỹ từ chối cho phép các thanh sát viên Nga đến thanh sát các cơ sở quân sự của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Nga nói, các cuộc đàm phán về ổn định chiến lược đòi hỏi phải được tiến hành trên cơ sở “nói chuyện bình đẳng” và tôn trọng lợi ích về an ninh của nhau.
Cục trưởng Cục Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Ermakov nói: “Một cuộc đối thoại thực sự với Mỹ về ổn định chiến lược là có thể nếu có một đối tác thích hợp ở Washington và không được vượt qua "lằn ranh đỏ" của Moscow trong lĩnh vực an ninh. Về nguyên tắc, Nga chưa bao giờ từ chối đối thoại. Đối với điều này, Mỹ cần phải sẵn sàng đối thoại nghiêm túc trên nguyên tắc thực sự bình đẳng và tôn trọng lợi ích của Nga và không vượt qua “lằn ranh đỏ” của chúng tôi trong lĩnh vực an ninh.”
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov giải thích rằng việc Moscow quyết định hoãn cuộc gặp với Mỹ tại Cairo ngày 29/11 vừa qua là do tình hình ở Ukraine và Mỹ chỉ muốn thảo luận việc nối lại các cuộc thanh sát mà không muốn tính đến các ưu tiên của Moscow.
Về phần mình, ngày 2/12/2022, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: “Washington vẫn cam kết theo đuổi các cuộc đàm phán về một hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới và kêu gọi Nga thể hiện điều tương tự. Mỹ sẵn sàng gặp các đại diện của Nga trong khuôn khổ Uy ban tư vấn song phương BCC về thực thi Hiệp ước START-3 để thảo luận về tất cả những lo ngại của Mỹ và Nga, đồng thời nối lại các cuộc thanh sát và đảm bảo rằng hiệp ước mới là một công cụ quan trọng nhất để duy trì sự “ổn định chiến lược” giữa Mỹ và Nga là hai quốc gia sở hữu hai kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.”
Ned Price cho biết: “Trong những tháng gần đây, Mỹ đã có thái độ xây dựng trong việc nối lại các cuộc thanh sát theo quy định của START-3. Tất cả các chủ đề mà Nga đưa ra đều được đưa vào chương trình nghị sự của cuộc họp Cairo. Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng làm việc một cách xây dựng đối với các mục trong chương trình nghị sự của Nga và chúng tôi mong phía Nga cũng sẽ làm việc một cách xây dựng tương tự đối với các đề mục của Mỹ".
Việc Nga và Mỹ trở lại đối thoại chiến lược là vấn đề sống còn đối với thế giới. Mặc dù còn nhiều bất đồng, cả hai nước đều mong muốn duy trì START-3.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga M. Zakharova cho biết, Nga tiếp tục coi Hiệp ước START-3 là một công cụ quan trọng để đảm bảo khả năng dự đoán và tránh chạy đua vũ trang, đồng thời hy vọng hai bên sẽ quay lại gặp nhau về những vấn đề này vào năm 2023.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, Washington vẫn sẵn sàng gặp Nga để đàm phán về một hiệp ước hạt nhân.
*Tiêu đề bài viết do toà soạn đặt lại.