Tờ EurAsian Times đăng bài viết luận bàn về khả năng Ấn Độ thiết lập căn cứ hải quân tại châu Phi ngay cạnh căn cứ Djibouti của Trung Quốc nhờ mối quan hệ đối tác với Nga.
Theo đó, Nga gần đây thông báo rằng họ đã ký thỏa thuận với Sudan về việc thiết lập tại quốc gia này một căn cứ hải quân. Sau khi đã bỏ trống các căn cứ ở Bắc Phi thời kỳ hậu Liên Xô, Moscow hiện đang tăng cường nỗ lực khôi phục sự hiện của mình trong khu vực.
Hiện nay, Nga mới chỉ có cơ sở hải quân Tartus (thiết lập từ thời Chiến tranh Lạnh) ở Syria, và Sudan sẽ là căn cứ hải quân thứ hai của nước này ở khu vực Trung Đông & Bắc Phi (MENA). Theo thỏa thuận sơ bộ, căn cứ tại Sudan sẽ chỉ cung cấp cơ sở hậu cần và sữa chữa trên Biển Đỏ.
300 nhân viên quân sự Nga sẽ được phép đồn trú tại đây. Căn cứ này đủ khả năng cung ứng cho 4 tàu chiến, cả loại chạy bằng động cơ thông thường và hạt nhân. Một số báo cáo phỏng đoán rằng căn cứ này sẽ được sử dụng chuyên cho tàu ngầm hạt nhân, thay vì các loại tàu chiến thông thường.
Đề cập rằng căn cứ tại Sudan một ngày nào đó có thể được phát triển thành căn cứ chính, Đô đốc Viktor Kravchenko – cựu tham mưu trưởng Hải quân Nga cho biết, đây là một khu vực căng thẳng và sự hiện diện của Hải quân Nga ở đó là cần thiết.
Trao đổi với tờ DW, một nhà báo quân sự Nga nhận định, với căn cứ tại Sudan, Nga có khả năng "cắt đứt các tuyến đường thương mại trong trường hợp nổ ra xung đột với phương Tây".
Quan hệ đối tác Nga-Ấn
Ngoài Nga, Mỹ, Pháp và Trung Quốc đều đang có các căn cứ hải quân tại Djibouti trên Biển Đỏ. Trong khi Nga đang tìm cách tăng cường sự hiện diện vì lợi ích địa chính trị của mình thì theo EurAsian Times, Ấn Độ có thể xem đây là cơ hội để hợp tác với Nga nhằm tăng cường tầm quan trọng chiến lược của nước này ở Ấn Độ Dương.
Hải quân Ấn Độ và Nga hiện đang tiến hành cuộc tập trận PASSEX ở khu vực đông Ấn Độ Dương (IOR). Trước đó, hồi tháng 9 năm nay, hai phía đã tiến hành cuộc tập trận INDRA (tổ chức 2 năm 1 lần).
Duy chỉ có cuộc tập trận Kavkaz 2020 ở Nga là Ấn Độ từ chối tham gia. New Delhi cho biết họ không tham gia cuộc tập trận do các hạn chế của đại dịch nhưng có thông tin cho rằng sự tham gia của Trung Quốc, Pakistan đã khiến Ấn Độ không hài lòng.
Các nỗ lực của Ấn Độ tại IOR
EurAsian Times cho rằng, Ấn Độ có thể xem đây là cơ hội để hợp tác với Nga nhằm tăng cường tầm quan trọng chiến lược của nước này ở Ấn Độ Dương.
Nga và Ấn Độ hiện duy trì quan hệ hòa bình. Do cũng có mối quan hệ tương đối mật thiết với Trung Quốc nên Moscow đã tránh nghiêng về phe nào trong cuộc đối đầu biên giới ở Himalaya, và đã yêu cầu Trung-Ấn giải quyết vấn đề theo phương thức song phương.
Căn cứ quân sự Trung Quốc tại Djibouti khiến cho căn cứ hải quân tại Sudan của Nga, cũng như mối quan hệ với Seychelles trở nên quan trọng hơn với Ấn Độ.
Gần đây, Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar đã có cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Seychelles - một bước phát triển được coi là cơ hội để đạt được mục tiêu Đảo Assumption.
Trước đó, Ấn Độ và Seychelles đã ký một thỏa thuận vào năm 2015 để cùng phát triển các cơ sở trên Đảo Assumption phục vụ cả hai nước. Dự án này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với Ấn Độ trong việc thiết lập chỗ đứng của mình tại Khu vực Ấn Độ Dương (IOR) trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong khu vực thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.