Theo trang Sib.fm, một ngôi mộ trong khuôn viên của lò hỏa táng Novosibirsk đã được gắn tấm bia "kỹ thuật số" khá kỳ lạ. Trông nó khá dị như thế này:
Tác giả của công trình kiến trúc này là anh Marsel Mukhametshin - kỹ sư từ Naberezhnye Chelny. Vài năm trước, chính anh đã đăng ký ý tưởng về một tượng đài kỹ thuật số và được cấp bằng cho sáng chế đó.
"Cảm giác ký ức bị phai mờ dần theo năm tháng đã khiến tôi nảy ra ý tưởng về một tượng đài kỹ thuật số. Bà tôi mất khi bố tôi mới lên 10 tuổi, và những gì ông nhớ được về bà chỉ là những mảnh ký ức rời rạc. Năm 2018, cha tôi qua đời, và tôi đã dựng một tượng đài như vậy cho ông ấy. Sau đó, tôi đã đem ý tưởng này đến một cuộc triển lãm ở Yekaterinburg - nơi mà các đại diện của lò hỏa táng Novosibirsk bắt đầu tỏ ra quan tâm đến nó".
Việc ứng dụng kỹ thuật số vào các sản phẩm của dịch vụ mai táng không còn là điều mới mẻ ở Nga nói riêng hay trên toàn thế giới nói chung. Trước đó, báo chí Nga đã đưa tin về một dự án khởi nghiệp (startup) khá lạ thường với tên gọi "Mã Ký Ức". Thân nhân của người đã khuất sẽ dán mã QR lên bia mộ, và khi quét mã này sẽ dẫn đến một trang web có lưu trữ thông tin về người nằm bên dưới.
Bia mộ kỹ thuật số đầu tiên xuất hiện tại lò hỏa táng Novosibirsk ở Nga.
Hàng nghìn người đã sử dụng dịch vụ của startup này, khiến nó trở thành dự án lớn nhất và phát triển nhanh nhất thuộc loại này ở Nga.
"Trong tương lai, khi một người dẫn con cháu đến nơi chôn cất những người thân yêu của mình sẽ có thể cho thế hệ trẻ thấy tổ tiên của chúng là người như thế nào. Lũ trẻ sẽ biết được giọng nói, thói quen, nét mặt của ông bà và sẽ luôn ghi nhớ trong ký ức " - nhà thiết kế kiêm kiến trúc sư của lò hỏa táng Novosibirsk nói thêm.
Các công nghệ tương tự cũng từng được sử dụng ở các nước khác. Ví dụ, công ty Bioenergija của Slovenia đang kinh doanh bia mộ tương tác. Họ gắn một màn hình cảm ứng 48 inch lên bia mộ để mọi người có thể hiển thị video, hình ảnh hay slide về người nằm bên dưới.