The Guardian đưa tin, phương tiện truyền thông Bắc Âu cho biết, Thụy Điển và Phần Lan đã đồng ý nộp đơn đăng ký thành viên vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO do Mỹ lãnh đạo sớm nhất là vào giữa tháng tới.
Nhật báo Phần Lan Iltalehti hôm 25/4 cho biết, Stockholm đã "đề nghị hai quốc gia bày tỏ sự sẵn sàng gia nhập" vào cùng ngày và Helsinki đã đồng ý "miễn là chính phủ Thụy Điển đưa ra quyết định của mình".
Tờ Expressen của Thụy Điển trích dẫn các nguồn tin chính phủ xác nhận báo cáo nói trên. Thủ tướng của hai nước trong tháng này nói rằng họ đang cân nhắc các câu hỏi, đồng thời cho rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã "thay đổi toàn bộ bối cảnh an ninh" của châu Âu.
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin sau đó cho hay, đất nước Phần Lan với đường biên giới 1.300km chung với Nga, sẽ ra quyết định có nộp đơn gia nhập liên minh NATO hay không trong vài tuần chứ không phải vài tháng, bất chấp nguy cơ điều này có thể khiến Moscow phẫn nộ.
Người đồng cấp Thụy Điển Magdalena Andersson, cho biết Thụy Điển phải “chuẩn bị cho mọi hành động từ Nga” và “mọi thứ đã thay đổi” khi Moscow tiến vào Ukraine. Nga đã nhiều lần cảnh báo cả hai nước trước động thái này.
Điện Kremlin cảnh cáo, họ sẽ buộc phải "khôi phục cân bằng quân sự" bằng cách tăng cường phòng thủ ở Baltic, không ngoại trừ việc triển khai vũ khí hạt nhân, nếu 2 nước châu Âu trên quyết định gia nhập NATO.
Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde nói vào tuần trước rằng, một cuộc đánh giá chính sách an ninh trên phạm vi rộng sẽ kết thúc vào ngày 13/5 thay vì 31/5 như kế hoạch ban đầu, đồng thời cho biết thêm, có rất nhiều áp lực với phân tích đã được công bố của Phần Lan.
Theo tờ Expressent, các đơn đăng ký trở thành thành viên của NATO có thể được nộp vào tuần 16/5, trùng với chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö tới Stockholm.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy có tới 68% người Phần Lan ủng hộ việc tham gia liên minh, cao hơn gấp đôi so với con số khảo sát trước tháng 2/2022, chỉ 12% số người làm khảo sát phản đối ý tưởng trên.
Cả 2 nước chính thức không có liên kết quân sự với khối nhưng đã trở thành đối tác của NATO - đã tham gia vào các cuộc tập trận và trao đổi thông tin tình báo.