Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 2/12 tuyên bố nước này sẵn sàng ủng hộ bán đảo Crimea trở về với Ukraine.
Thông điệp được Ankara đưa ra sau cuộc gặp với đồng cấp Ukraine Dmitry Kuleba cùng ngày, giữa bối cảnh quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trải qua giai đoạn thăng trầm thời gian gần đây, liên quan đến các cuộc xung đột ở khu vực Nagorno-Karabakh, Syria và cuộc nội chiến ở Libya.
Hồi tháng 10 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rõ rằng nước này không công nhận việc Nga sáp nhập Crimea và sẽ tiếp tục ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của bán đảo này như "một phần của Ukraine".
"Chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố quan hệ [Thổ-Ukraine], đặc biệt trong các lĩnh vực hợp tác quân sự và công nghiệp quốc phòng," Ngoại trưởng Cavusoglu viết trên Twitter.
Đề cập sáng kiến mà Kiev công bố gần đây nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề đưa Crimea trở về với Ukraine, ông Cavusoglu cho biết Ankara "hoan nghênh sáng kiến Nền tảng Crimea".
Ngoại trưởng Kuleba nói với hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, "Tôi hoàn toàn tự tin rằng Nga cuối cùng sẽ phải rút khỏi Crimea".
Ông Kuleba tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành một đối tác tốt trong sáng kiến Nền tảng Crimea.
"Chúng tôi biết ơn Thổ Nhĩ Kỳ vì đã ủng hộ kiên quyết và nhất quan đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như sự sẵn sàng của Tổng thống Erdogan trong tiếp xúc với Tổng thống Ukraine nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến tình hình này," ông nói.
Hội nghị cấp cao Nền tảng Crimea dự kiến được tổ chức vào tháng 5/2021, với sự tham gia của đại diện từ Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Đức, Anh và Mỹ.
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba (Ảnh: Anadolu Agency)
Phản ứng trước tuyên bố thẳng thừng từ Thổ Nhĩ Kỳ, Nga nói rằng sẽ tiếp tục giải thích cho Ankara về lập trường của Moskva liên quan đến vấn đề Crimea.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga ông Dmitry Peskov ngày 4/12 nói, "Crimea là vấn đề gây bất đồng nghiêm trọng, chúng ta (Nga-Thổ) có quan điểm hoàn toàn đối lập."
"Chúng ta đang giải thích lập trường của mình với những người bạn Thổ Nhĩ Kỳ, và sẽ tiếp tục làm như thế bằng thái độ kiên nhẫn và vững vàng," ông nói, nhấn mạnh rằng việc xem xét lại tình trạng chính trị của bán đảo Crimea sẽ "không thể được thảo luận theo bất kỳ cách nào".
Theo ông Peskov, quan hệ Nga-Thổ có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước, xét từ góc nhìn an ninh và ổn định khu vực.
"Những mối quan hệ này mang lại lợi ích chung cho các bên, và dựa trên các nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của nhau và tôn trọng lợi ích của đối phương."
Sau cuộc đảo chính nổ ra tại Ukraine vào tháng 2/2014, giới chức Crimea và Sevastopol đã tổ chức trưng cầu dân ý. Kết quả là 96.7% cư dân Crimea và 95.6% cử tri Sevastopol lựa chọn ly khai khỏi Ukraine để sáp nhập vào Liên bang Nga. 80% dân số cử tri tham gia vào trưng cầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thỏa thuận tái thống nhất vào ngày 18/3/2014, được Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga phê chuẩn ngày 21/3/2014.
Đến nay, Ukraine cùng nhiều nước phương Tây từ chối công nhận Crimea là một phần của Liên bang Nga.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus