Nga bén rễ ở Karabakh, hy vọng hay cơn ác mộng: Viễn cảnh Armenia thành "lính xung kích"?

Hoài Giang | 16-12-2020 - 07:16 AM

(Tổ Quốc) - Theo thỏa thuận ngừng bắn, khoảng 2.000 lính Nga sẽ hiện diện ở Karabakh và theo các nhà phân tích nhiều khả năng lực lượng Armenia ở đây sẽ được "tích hợp" dưới sự chỉ huy của họ.

Mới đây, The Wallstreet Journal đăng tải bài viết nhan đề: "Russia’s Role in Enforcing Peace in Nagorno-Karabakh Stirs Hopes, Bitterness" (Vai trò của Nga trong việc thực thi hòa bình ở Karabakh: Khuấy động hy vọng và cay đắng) của Raja Adulrahim và Ann M.Simmons.

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều (WSJ có trụ sở tại New York, Mỹ) về tương lai của Nagorno-Karabakh nói riêng và khu vực Kavkaz (Caucasus) nói chung với sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Nỗ lực biến các quân đội ở Kavkaz thành "lính xung kích" của Nga?

Một thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian đã ngăn chặn nhiều tuần giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan, đồng thời mang lại cho Moscow một thắng lợi địa chính trị.

Tuy nhiên thỏa thuận không tạo được cảm giác an toàn cho người Armenia, những người mà sự hiện diện của lính Nga trong khu vực là hỗn hợp giữa lòng biết ơn và sự ngờ vực .

Một số khu vực từng thuộc Cộng hòa Artsakh tự xưng đã được trả lại cho Azerbaijan, khoảng 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình Nga sẽ ở lại khu vực trong ít nhất 5 năm tới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu đã tìm cách duy trì quan hệ tốt với cả Azerbaijan và Armenia, một phần do vị trí của 2 nước dọc theo hành lang năng lượng quan trọng mà phương Tây thèm muốn.

Moscow theo đuổi chính sách trung lập trước những căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ giữa 2 nước về Nagorno-Karabakh.

Các nhà phân tích cho biết, thỏa thuận hôm 10/11 củng cố vị thế của Điện Kremlin như một "nhà môi giới quyền lực" trong khu vực và là "đòn bẩy" có lợi cho Moscow đối với cả hai quốc gia.

Nga bén rễ ở Karabakh, hy vọng hay cơn ác mộng: Viễn cảnh Armenia thành lính xung kích? - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Mặc dù Nga đã có một căn cứ quân sự ở Armenia, nhưng từ những năm 1990, lính Nga không hiện diện quân sự trên đất Azerbaijan.

Styopa Safaryan, nhà phân tích chính sách tại Viện An ninh và Quốc tế Armenia, cho biết cuộc chiến "dẫn đến một kết quả rất dễ đoán trước - đó là gia tăng sự phụ thuộc vào Nga".

Các nhà phân tích cho rằng Nga có thể sử dụng lý do gìn giữ hòa bình thành việc triển khai quân sự thường trực và tích hợp quân đội của các quốc gia hậu Xô viết vào một tổ chức quân sự do người Nga đứng đầu - cụ thể là Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).

Alexander Gabuev, nhà phân tích cao cấp tại Trung tâm Carnegie Moscow cho biết: "Cuộc can thiệp này đã giữ cho Armenia bị ràng buộc với Nga nhưng cũng không "để mất" Azerbaijan".

Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng tuyên bố ủng hộ Azerbaijan, quốc gia có quan hệ văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ trong xung đột 6 tuần ở Nagorno-Karabakh.

"Sự xâm nhập" của thành viên NATO này vào cuộc xung đột và vai trò hậu chiến ở Azerbaijan vô hình chung đã thách thức vị thế của Nga trong khu vực được cho là "sân sau" của họ, đẩy Moscow và Ankara vào thế đối đầu.

Các nhà phân tích cho biết, việc hàng nghìn lính Nga hiện diện trên một phần lãnh thổ Azerbaijan mặt khác cũng sẽ giữ cho Baku phải "gắn chặt" với Moscow.

Một cảnh quay chưa xác thực được đăng tải trên mạng xã hội Twitter với chú thích rằng đây là cuộc tấn công của lính đặc nhiệm Azerbaijan trong khu vực Hadrut hôm 12-13/12.

Không phải người Armenia nào cũng "yêu quý" người Nga

Lính gìn giữ hòa bình Nga với vai trò giám sát giới tuyến và các di sản lịch sử, văn hóa và tôn giáo xuất hiện tại các ngôi làng, địa điểm cầu nguyện và các tòa nhà chính quyền trên khắp Nagorno-Karabakh khiến người Armenia có cả sự nhẹ nhõm và cảnh giác.

Trong khi một số người Armenia nói rằng họ cảm thấy bị cộng đồng quốc tế bỏ rơi và chỉ có thể tin tưởng vào Moscow, những người khác lại cảnh giác với lực lượng Nga, đặc biệt là những người đã từng sống dưới thời Liên Xô.

Silva Khachatryan, một giáo sư 61 tuổi về văn học Armenia, cho biết: "Đó là một bi kịch đối với tôi".

Bà Khachatryan đã tỏ ra rất buồn bã sau chuyến thăm gần đây đến một tu viện ở Dadivank khi nhìn thấy cờ Nga trên đường đến tu viện và lính gìn giữ hòa bình Nga đóng quân ở sân trong (tu viện này thuộc Quận Kalbajar, nơi Azerbaijan mới tiếp quản cuối tháng 11).

Araksi Gregorian, một người tình nguyện làm bác sĩ tại một bệnh viện dã chiến của phía Armenia trong cuộc xung đột 6 tuần, cũng "gặp rắc rối" với việc lính Nga phải "bảo vệ" một địa điểm linh thiêng.

Phát biểu cảm tưởng tại Nghĩa trang Quân đội Yerablur nơi người ta đang đào những ngôi mộ mới cho những người lính Armenia thiệt mạng trong xung đột vừa qua, bà Gregorian, 50 tuổi cho biết:

"Tôi không tin người Nga vì họ đã buộc người Armenia phải nhượng lại đất đai của mình".

Nga bén rễ ở Karabakh, hy vọng hay cơn ác mộng: Viễn cảnh Armenia thành lính xung kích? - Ảnh 3.

Bản đồ khu vực hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga vào ngày 14/12. Khi so sánh với bản đồ hôm 13/12 (ảnh nhỏ), không khó để nhận ra khu vực "mũi lồi" tây nam Hadrut đã bị xóa bỏ cho thấy Bộ Quốc phòng Nga không còn lực lượng nào hiện diện trong khu vực.

Kết luận

Các quan chức Armenia cũng ghi nhận việc Moscow đã ngăn chặn đổ máu nhiều hơn (theo số liệu của Điện Kremlin, hơn 5.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột 6 tuần bắt đầu từ ngày 27/9).

Ông David Babayan (Cố vấn của lãnh đạo Cộng hòa Artsakh tự xưng Arayik Harutyunyan) cho biết: "Người Nga đã đến, kết thúc chiến tranh và cứu sống hàng trăm sinh mạng".

Sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga là lý do duy nhất khiến cô Ani Khachaturian 28 tuổi trở về làng mình gần Dadivank với ba đứa con sau khi phải di tản. Chồng của cô đã tình nguyện chiến đấu, nhưng giờ đã trở lại với công việc xây dựng của mình.

Cô nói: "Tôi có niềm tin vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga".

Tuy nhiên, thất vọng về việc thỏa thuận ngừng bắn đã khiến phía Armenia mất phần lớn vùng đất tranh chấp và các khu vực xung quanh cũng đã khiến người Nga không còn nhận được nhiều lời khen ngợi.

Nga bén rễ ở Karabakh, hy vọng hay cơn ác mộng: Viễn cảnh Armenia thành lính xung kích? - Ảnh 5.

Lính Nga và một xe bọc thép tại khu vực tu viện ở Dadivank.

Bất mãn cũng đã khiến nhiều người dân Armenia gán cho Thủ tướng Nikol Pashinyan là kẻ phản bội, và các cuộc biểu tình đã nổ ra để kêu gọi ông từ chức.

Suzanne Der-Antonyan, một nha sĩ 63 tuổi tham gia một cuộc biểu tình gần đây, cho biết chồng bà là thành viên của lực lượng Armenia trong chiến dịch Shushi (Shusha) vào những năm 1990. Quân Azerbaijan đã chiếm lại thị trấn chỉ vài ngày trước thỏa thuận ngừng bắn,

Bà Der-Antonyan tức giận và muốn ông Pashinyan ra đi: "Chúng tôi muốn câu trả lời cho những gì ông ta đã làm", bà nói và lau nước mắt.

Sự thất vọng của người dân cũng bắt nguồn từ việc nhiều người tin rằng Armenia sẽ nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của Nga theo hiệp ước quân sự trước đó nếu đối mặt với hành động xâm lược.

Tuy nhiên, Điện Kremlin lập luận rằng hiệp ước được ký những năm 1990 chỉ cho phép họ hỗ trợ nếu Armenia bị tấn công và nó không bao gồm Nagorno-Karabakh.

Một số nhà quan sát nhấn mạnh rằng một số khu vực trong lãnh thổ Armenia đã pháo kích và không kích, nhưng người Nga vẫn quyết định án binh bất động.

Các nhà phân tích cho rằng cuối cùng, các nhà lãnh đạo Armenia chỉ còn cách "cay đắng" chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn và phải hoan nghênh lực lượng gìn giữ hòa bình Nga trở thành người bảo vệ đất nước của mình.

Nhà phân tích Gabuev của Trung tâm Carnegie Moscow kết luận:

"Ở Yerevan (thủ đô Armenia), người ta hiểu rằng không có gì có thể ngăn cản Azerbaijan tiến lên, và không cố gắng tiến xa hơn nếu Moscow không đủ quyết đoán để bảo vệ những giới hạn liên quan tới thỏa thuận ngừng bắn".

Raja Adulrahim là nhà phân tích người Armenia sống tại Dadivank, Kalbajar, Azerbaijan và Ann M.Simmons là nhà phân tích người Nga sống tại Moscow.

Một cảnh quay chưa được xác thực đăng tải trên mạng xã hội Twitter cho thấy lính Armenia buông vũ khí đầu hàng lính đặc nhiệm Azerbaijan ở Hadrut hôm 12-13/12.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM