Moderna - loại vaccine Covid-19 đang nằm trong top hiệu quả nhất thế giới hiện tại đang hứng chịu cáo buộc chỉ cung cấp phần lớn các mũi tiêm của mình cho những nước giàu có, trong khi để mặc các nước nghèo hơn phải chờ đợi.
Sau khi phát triển vaccine thành công với sự hỗ trợ về kinh phí lẫn công nghệ từ chính phủ, Moderna đã gửi một lượng lớn vaccine đến các nước giàu có - nhiều hơn bất kỳ hãng vaccine nào trên thế giới. Hiện tại mới chỉ có khoảng 1 triệu liều được Moderna gửi đến các nước thu nhập thấp theo đánh giá của World Bank. Trong khi đó, Pfizer đã gửi 8,4 triệu liều, còn Johnson & Johnson là 25 triệu.
Trong số rất nhiều nước có thu nhập trung bình ký hợp đồng mua vaccine của Moderna, đa số chưa nhận được bất kỳ mũi nào, trong đó ít nhất 3 nước thậm chí còn phải trả nhiều tiền hơn cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Như Botswana, lô vaccine của họ đến trễ. Tunisia thậm chí còn không liên hệ được với Moderna.
Tất cả vì lợi nhuận
Không như Pfizer, Johnson & Johnson và AstraZeneca - những công ty kinh doanh dược phẩm và các sản phẩm khác, Moderna chỉ có sản phẩm là vaccine. Tương lai của công ty có trụ sở ở Massachusetts có thể nói là phụ thuộc hoàn toàn vào sự thành công của vaccine mà thôi.
"Họ cư xử như thể không có bất kỳ trách nhiệm nào ngoài chuyện tối đa hóa lợi nhuận thu về," - Tiến sĩ Tom Frieden, cựu giám đốc CDC Hoa Kỳ cho biết.
Nhà quản lý của Moderna từng tuyên bố họ đang làm mọi thứ có thể để vận chuyển các liều vaccine càng nhanh càng tốt, nhưng khả năng sản xuất của họ gặp hạn chế. Toàn bộ các liều thuốc được sản xuất trong năm nay chỉ đủ đáp ứng các đơn đặt trước của vài quốc gia, như EU.
Dẫu vậy theo NY Times, nguồn tin từ 2 quan chức cấp cao cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ngày càng thất vọng vì Moderna không thể cung cấp vaccine cho các nước nghèo. Họ đang tạo áp lực để Moderna phải tăng lượng sản xuất tại các nhà máy của Mỹ, đồng thời chuyển giao công nghệ cho các nhà sản xuất ở thị trường nước ngoài.
Moderna vì thế đang phải chật vật tìm cách biện hộ trước cáo buộc "ưu tiên người giàu". Ngày 8/10, họ tuyên bố "đang đầu tư" để tăng lượng sản xuất và vận chuyển 1 tỉ liều cho các nước nghèo hơn vào năm 2022. Họ cũng cho biết sẽ mở một nhà máy tại châu Phi, nhưng không nêu rõ cụ thể thời gian.
Hãng hiện tại đang đàm phán với chính quyền ông Biden về việc bán các liều vaccine giá rẻ cho chính phủ, để quyên góp cho các nước nghèo hơn - điều mà Pfizer đã đồng ý thực hiện. Stéphane Bancel - CEO của Moderna cho biết việc vaccine của hãng không thể tiếp cận các nước nghèo là "một điều đáng buồn", nhưng mọi chuyện nằm ngoài khả năng kiểm soát của ông. Theo như Bancel tiết lộ, hãng đã từng cố gắng kêu gọi chính phủ các nước đầu tư để mở rộng khả năng sản xuất, nhưng thất bại.
Loạn giá vaccine, kiếm lời khủng, chuyển hàng chậm
Tổng thống Joe Biden cảm thấy rất thất vọng vì sự thiếu hợp tác của Moderna, bởi họ đã cung cấp cho công ty quá nhiều - từ tiền bạc cho đến hỗ trợ về công nghệ. Các nhà khoa học từ Viện Y tế Quốc gia đã cùng làm việc với công ty để phát triển vaccine. Ngoài ra còn là 1,3 tỉ USD tiền thử nghiệm lâm sàng và nhiều nghiên cứu khác. Và tháng 8/2020, Mỹ còn đồng ý đặt hàng trước lô vaccine trị giá 1,5 tỉ USD, nhằm đảm bảo rằng Moderna sẽ có nơi tiêu thụ dù khi đó chưa được cấp phép.
Dù thử nghiệm lâm sàng cách đây 1 năm chỉ ra rằng Moderna và Pfizer có hiệu quả tương đương, nhưng một số nghiên cứu gần đây cho rằng vaccine của Moderna dường như mạnh hơn một chút. Nó cho hiệu quả bảo vệ dài hơn, lại dễ vận chuyển và lưu trữ hơn.
"Vaccine của Moderna về cơ bản là loại cao cấp," - Karen Andersen, chuyên gia phân tích chiến lược của Morningstar cho biết. "Họ ở vị thế không cần phải hy sinh quá nhiều về giá cả khi ký kết hợp đồng."
Có rất ít thông tin về các hợp đồng Moderna ký kết với chính phủ các nước. Chỉ biết rằng trong số 22 quốc gia bao gồm cả EU mà Moderna đã gửi thuốc đến, không có nước nào thuộc dạng thu nhập thấp, chỉ trừ Philippines là ở mức trung bình thấp.
Pfizer thì khác. Họ phải đồng ý bán vaccine với mức giá thấp hơn cho 12 nước thu nhập trung bình cao, 5 nước trung bình thấp, và 1 nước nghèo (là Rwanda).
Chỉ một số ít chính phủ công khai số tiền đã trả cho Moderna. Như Mỹ là 15 - 16,5 USD mỗi liều, bên cạnh 1,3 tỉ USD họ đầu tư cho Moderna phát triển vaccine. EU phải trả 22,6 - 25,5 USD mỗi liều. Đáng chú ý là Botswana, Thái Lan và Colombia - những nơi có thu nhập thấp hơn Mỹ và EU - phải trả 27 - 30 USD mỗi liều.
Cuối năm 2020, chính phủ Tunisia đã hy vọng sẽ đặt hàng được từ Moderna, nhưng không tài nào liên lạc được và phải xin thông tin từ đại sứ quán Mỹ. Các nhân viên từ đại sứ quán liên lạc với Moderna, nhưng chẳng có gì xảy ra cả.
Thái Lan - nơi 32% dân số được tiêm chủng đầy đủ, chính phủ cho biết họ đã trả cho Moderna 28 USD mỗi liều cho 1 triệu mũi vaccine dành cho nhóm có rủi ro cao. Lô hàng dự tính sẽ được phân phối vào đầu năm 2022.
Botswana cũng đã đặt 500.000 liều của Moderna, ở mức giá 29 đô mỗi liều - đủ cung cấp cho 10% dân số.
Bộ Y tế Botswana cho biết các liều vaccine được kỳ vọng chuyển đến vào tháng 8, nhưng chưa có liều nào đến. Colombia đặt 10 triệu liều, ở mức 30 đô mỗi liều - bao gồm chi phí vận chuyển. Theo Bộ trưởng Y tế Fernando Ruiz, Moderna là vaccine đắt nhất mà Colombia từng đặt.
Việc thông tin thiếu minh bạch đã khiến nhiều nước nghèo trở nên yếu thế trên bàn đàm phán. "Họ gần như đàm phán trong trạng thái mù mờ," - Kate Elder, chuyên gia chính sách vaccine nhận định.
Trong một số trường hợp, Moderna đồng ý cung cấp vaccine cho các nước nghèo với mức giá thấp hơn, nhưng chỉ khi đã hoàn thành đơn đặt hàng của các nước khác. Như hồi tháng 5, Moderna chấp nhận cho Liên minh châu Phi (AU) mua vaccine với giá 10 USD/liều, nhưng lô hàng tới sớm nhất là đầu năm 2022, khiến cho cuộc đàm phán có nguy cơ đổ bể.
"Thái độ của họ giống như thể đang tuyên bố: 'Chúng tôi ở đây là để kiếm tiền. Chúng tôi thậm chí còn không buồn giả vờ như đang cứu thế giới'," - Tiến sĩ Ayoade Alakija, người hỗ trợ chương trình vaccine tại châu Phi nhận xét.
Trên thực tế, vaccine Covid là thứ đã làm thay đổi bộ mặt của Moderna. Dự tính doanh thu của họ trong năm 2021 ít nhất phải đạt tới 20 tỉ USD, trong đó riêng vaccine là 14 tỉ, trở thành sản phẩm y dược thu lời nhiều nhất trong lịch sử công ty.
Giá trị của Moderna cũng đã tăng gấp 3 lần trong năm nay, lên hơn 120 tỉ USD. 2 nhà sáng lập của công ty cùng nhà đầu tư sớm nhất đều đã lọt vào danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ trên Forbes.
Khi Covid-19 lây lan hồi đầu năm 2020, Moderna đã tham gia vào cuộc đua chế tạo vaccine theo một công nghệ mới - mARN. Để tạo ra những liều vaccine thử nghiệm đầu tiên, họ tiếp nhận 900.000 USD từ một tổ chức phi lợi nhuận, có tên Liên minh Phương pháp đổi mới chuẩn bị chống dịch (CEPI).
CEPI đồng ý tài trợ cho Moderna với một điều kiện, rằng vaccine của họ sẽ là "loại sẵn sàng đáp ứng cho cộng đồng cần đến với một mức giá chấp nhận được, đặc biệt là với các nước thu nhập thấp hoặc trung bình."
Tháng 5/2021, Moderna đồng ý cung cấp 34 triệu liều vaccine, cộng thêm 446 triệu liều nữa vào năm 2022 cho cơ chế phân phối vaccine COVAX của Liên hợp Quốc. Nhưng chưa có bất kỳ liều nào được họ chuyển đi cả, dù COVAX đã phân phối 10 triệu liều Moderna được chính phủ Mỹ quyên góp.
CEO Bancel của Moderna cho biết đáng lẽ sẽ chuyển nhiều liều hơn cho COVAX nếu 2 bên đạt được thỏa thuận cung ứng từ năm 2020. Nhưng Aurélia Nguyen, giám đốc điều hành của COVAX bác bỏ điều đó. "Rõ ràng là chúng tôi chỉ kỳ vọng nhận được số liều tối thiểu trong năm nay (từ Moderna) thôi."
Nguồn: NY Times