Một số nghiên cứu từng chỉ ra, tương lai của một người ra sao phụ thuộc vào 2 chỉ số IQ và EQ. Trong đó, IQ chiếm 20% cơ hội thành công và EQ là 80%. Như nhiều người đã biết, EQ - hay trí tuệ cảm xúc là loại trí tuệ giúp con người có thể nhận ra cảm xúc của chính mình và của người khác.
Nhờ đó, họ có thể kiểm soát cảm xúc, rèn luyện được sự đồng cảm, biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, đồng thời điều chỉnh lời nói hành động của bản thân sao cho phù hợp với từng tình huống.
Trong xã hội ngày nay, việc sở hữu EQ cao sẽ giúp bạn có chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Chính vì vậy ngay từ khi con còn nhỏ, bố mẹ cần chú trọng rèn luyện loại trí tuệ này. Theo các chuyên gia tâm lý học, có 4 dấu hiệu cho thấy EQ của trẻ rất thấp. Nếu bố mẹ không sớm điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến con đường phát triển sau này:
1. Tính cách mong manh, dễ tự ái
Một số đứa trẻ có tính cách khá mong manh, dễ tự ái trước những lời góp ý của người lớn, bạn bè. Trong nhiều trường hợp, trẻ không thể nào chấp nhận được sự chê trách của người khác và bùng nổ những phản ứng, cảm xúc tiêu cực. Trẻ cũng dễ thu mình lại khi gặp khó khăn.
2. Dễ mất bình tĩnh, đặc biệt là với các thành viên trong gia đình
Những đứa trẻ kiêu ngạo thường dễ mất bình tĩnh và dễ xúc động khi gặp chuyện không ưng ý. Đặc biệt, kiểu trẻ này rất hay nổi nóng với người thân trong gia đình. Chỉ cần bố mẹ, anh chị nhắc nhở nhẹ, trẻ cũng sẽ khóc lóc, phản ứng thái quá.
3. Lời nói sắc như dao cạo, hay làm tổn thương người khác
Bên cạnh những đứa trẻ dễ tự ái thì lại có những đứa trẻ rất bộc trực. Nhiều khi trong quá trình trò chuyện, giao tiếp, trẻ nói mà không suy nghĩ và gây tổn thương đối phương. Trong nhiều trường hợp, trẻ thậm chí gọi người khác bằng những biệt danh không mấy hay ho, gây ra sự khó chịu và phiền phức.
Những đứa trẻ như vậy thường đánh mất dần thiện cảm của mọi người và lâu dần không còn bạn bè thân thiết.
4. Trẻ tự cho mình là trung tâm, mọi thứ đều phải xoay quanh mình
Nhiều trẻ có suy nghĩ coi thường người khác đặc biệt nghiêm trọng và chỉ quan tâm đến cảm xúc bản thân. Khi gặp khó khăn, vướng mắc, trẻ sẽ bỏ qua ý kiến đóng góp của mọi người xung quanh và chỉ khăng khăng làm theo ý mình. Điều này khiến trẻ đã sai lại càng sai hơn.
Thực tế, những đứa trẻ có EQ thấp thưởng khó thành công trong cuộc sống, hoặc không được mọi người yêu mến. Vì vậy, bố mẹ cần sớm điều chỉnh hành vi của trẻ và có những biện pháp giáo dục thích hợp để nâng cao EQ.
Một số biện pháp bố mẹ có thể áp dụng để điều chỉnh cảm xúc cho trẻ
1. Giúp con xác định cảm xúc của bản thân
Việc xác định được chính xác cảm xúc của bản thân sẽ giúp trẻ thoải mái hơn khi đối diện với chúng. Để rèn điều này cho con, bố mẹ có thể bắt đầu bằng những câu hỏi đơn giản mỗi ngày như: "Hôm nay con có cảm xúc/cảm nhận gì?". Nếu hỏi chung chung: "Hôm này con thế nào?" - thì trẻ thường sẽ trả lời: "Con ổn", dù thực tế đôi khi không phải vậy.
Một câu hỏi cụ thể, mang tính chất gợi mở sẽ giúp trẻ dễ bộc lộ cảm xúc của mình hơn, từ đó có thêm nhận thức và sự tự tin. Một cách nữa để dạy trẻ xác định cảm xúc của mình, đó là giúp trẻ nhận biết cảm xúc của những nhân vật trong sách báo, phim ảnh,... Chẳng hạn như hỏi trẻ: "Con nghĩ nhân vật này đang vui hay buồn?".
2. Cố gắng bình thường hóa các cảm xúc tiêu cực
Không một bậc cha mẹ nào mong muốn có những trải nghiệm, cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên việc cố gắng bảo vệ con khỏi những cảm xúc này đôi khi lại gây hại. Thay vì che giấu, bố mẹ hãy dạy con biết, tất cả các cảm xúc là tự nhiên và bình thường. Quan trọng nhất là cách chúng ta đối phó với nó.
3. Dạy con cách bày tỏ và quản lý cảm xúc đúng đắn
Một trong những khía cạnh quan trọng của EQ là biết cách giải quyết vấn đề. Theo đó, các bước phát triển toàn diện trí tuệ cảm xúc bao gồm: nhận biết cảm xúc, gọi tên cảm xúc và biết giải quyết vấn đề như thế nào. Ví dụ khi con tức giận, bố mẹ nên hỏi xem con định làm gì để giải tỏa cảm xúc. Sau đó, bố mẹ hướng dẫn con những cách lành mạnh để giải tỏa như nghe một bản nhạc, đi dạo ngoài vườn, chơi thể thao,...
4. Cho con tham gia các hoạt động và tiếp xúc thêm với nhiều người
Bố mẹ nên tạo điều kiện để con tham gia nhiều hoạt động cộng đồng và tiếp xúc với những môi trường mới, con người mới. Có thể bắt đầu bằng những hoạt động đơn giản như cùng nhau đọc sách, xem phim tài liệu, thử một môn thể thao mới,... Dần dần các hoạt động được nâng cấp rộng hơn như cùng đi làm tình nguyện,... Những trải nghiệm này sẽ giúp con có thêm nhiều kỹ năng sống và mở rộng tư duy, quan điểm.
Ngoài ra, bố mẹ nên khuyến khích con đặt mình vào vị trí của người khác, khuyến khích con nói chuyện với mọi người theo cách cởi mở, bình đẳng và không phán xét. Bố mẹ cũng cần làm gương cho con. Khi bố mẹ đối tốt với những người xung quanh, con cũng sẽ tự giác học theo đức tính tốt này.