Không ít những bậc làm cha, làm mẹ lần đầu chưa thực sự hiểu rõ lắm về quy luật lớn lên của con cái, họ chỉ đưa ra những nhận định dựa trên cảm nhận thông thường và những gì đã nghe được.
Nhận định kiểu này đôi khi chính xác, nhưng đôi khi lại không đáng tin cậy, khiến cha mẹ lo lắng, thậm chí mắc phải một số sai lầm cản trở sự tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ.
Nếu bạn phát hiện trẻ có những “tật xấu” này, đừng tức giận, chúng đang âm thầm ngày càng thông minh hơn đấy!
1. Trẻ hay xé giấy bừa bãi
Khoảng sáu tháng tuổi, trẻ sơ sinh có xu hướng thích một "bài tập tay" đặc biệt, đó chính là xé giấy.
Bất kể đó là báo và tạp chí, sách hay nhật ký công việc, chỉ cần bạn dám đặt nó trước mặt bé, bé sẽ có thể biến nó thành hoa giấy cho bạn.
Không ít bậc cha mẹ phải đau đầu vì điều này, lo lắng không biết khi còn nhỏ con mình đã nghịch ngợm như vậy thì lớn lên có ảnh hưởng gì không. Nhưng trên thực tế, xé giấy thực chất là một quá trình học hỏi để phát triển trí não của bé.
Đây là cách bé thay đổi điều gì đó, thỏa mãn trí tò mò của mình. Khi bé nhận thấy hình dạng của tờ giấy có thể thay đổi, tiếng xé giấy cũng có thể phát ra thông qua cử động của bàn tay thì trí não của trẻ cũng đang âm thầm ghi nhớ và phát triển.
Hơn nữa, theo các nhà tâm lý học, đối với một đứa trẻ thì bàn tay chính là bộ não thứ hai. Khi mà trẻ vận động đôi tay cũng đồng nghĩa với việc não bộ đang tư duy. Quá trình này sẽ giúp tăng cường khả năng phối hợp tay và mắt, từ đó thúc đẩy sự phát triển các khả năng khác nhau của bé.
Thay vì ngăn cấm, bố mẹ nên đưa con những loại giấy sạch sẽ, không vướng mực, chì... để trẻ được tiếp tục phát huy khả năng tư duy sáng tạo của mình mà không gây hại cho sức khỏe.
Xé giấy giúp trẻ tư duy tốt hơn. Ảnh: Inner Child Fun.
2. Trẻ nói chuyện luôn mồm
Khi bé còn nhỏ sẽ có giai đoạn nói chuyện cực kỳ nhiều, gần như không lúc nào ngơi nghỉ. Dù bố mẹ không có thời gian để ý đến thì bé cũng có thể tự nói rất lâu.
Đôi khi nhìn bé tự nói chuyện không ngừng, các vị phụ huynh có thể sẽ lo lắng không biết tinh thần của trẻ có điều gì không ổn, hoặc sau này nó có biến thành tật xấu hay không.
Thực tế, giao tiếp là cách để trẻ chuyển từ ngôn ngữ bên ngoài sang ngôn ngữ bên trong, là con đường nhanh nhất để trẻ học ngôn ngữ.
3. Thói quen mút ngón tay
Mút ngón tay là “ác mộng vệ sinh” mà nhiều phụ huynh phải đối mặt. Không ít bậc cha mẹ sẽ thấy rằng, khi mới sinh ra con của họ không hề có thói quen này, nhưng đột nhiên khi dần lớn hơn chúng lại có.
Rõ ràng, việc mút ngón tay tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe, tất nhiên cha mẹ sẽ muốn chấm dứt nó nhanh chóng.
Nhưng trên thực tế, thói quen này là bình thường đối với trẻ sơ sinh có não bộ chưa phát triển hoàn thiện. Trẻ đã học hành động này trong bụng mẹ, ngay từ giai đoạn bào thai, nên sẽ tạo ra cảm giác an toàn khi thực hiện điều đó.
Mút ngón tay có thể làm dịu cảm xúc bản thân của bé và kích thích sự phát triển trí não, giúp bé tư duy tốt hơn.
4. Trẻ thích vẽ lên tường
Không ít gia đình “đau đầu” khi chứng kiến những bức tường nguệch ngoạc nét vẽ của con trẻ. Phần lớn trẻ đều thích vẽ để thông qua đó thể hiện trí tưởng tượng phong phú và khả năng thực hành của mình. Những hình vẽ đó là một phần thế giới mà trẻ tự tưởng tượng ra.
Nếu như bố mẹ ngăn cấm hoạt động vẽ sẽ khiến trẻ giảm đi tính sáng tạo. Thay vào đó, hãy dạy con không nên vẽ lên tường hay sàn nhà. Phụ huynh nên là người hướng dẫn con sử dụng những tờ giấy, tấm bảng đủ lớn để bé thỏa sức “sáng tác”.
Lâu dần, con sẽ tự hình thành ý thức về việc vẽ đúng nơi quy định.
5. Trẻ hay ném đồ đạc
Việc trẻ con thích ném đồ chơi, điều khiển từ xa, hoặc bất cứ đồ vật gì trong tầm tay thường khiến bố mẹ tức giận. Việc này không chỉ khiến căn phòng lộn xộn, mà còn gây hư hỏng đồ đạc, gây nguy hiểm cho những người xung quanh.
Tuy vậy, đối với trí não của trẻ em, chúng thường bị cuốn hút bởi chuyển động của những vật chuyển động nhanh. Khi ném đồ, món đồ cũng có thể bị vỡ tung, lăn lông lốc, tạo ra tiếng vang… đều là những chuyển động lạ thường khiến trẻ tò mò, thích thú.
Đây là một cách trẻ mở rộng sự khám phá của mình, nhận thức được mối liên hệ giữa mình và không gian xung quanh, bằng cách ném, di chuyển đồ vật.
Tuy vậy, để hạn chế nguy hiểm cho bản thân con trẻ và mọi người, phụ huynh không nên cấm đoán mà có thể chủ động sử dụng những quả bóng đồ chơi mềm, nhẹ nhàng… chơi cùng con. Đồng thời, nên cất những thứ dễ vỡ, nguy hiểm lên trên cao, xa tầm với của trẻ.
Tất nhiên, các bậc cha mẹ cũng nên lưu ý các thói quen của trẻ để kịp thời điều chỉnh. Về mặt lý thuyết, nó sẽ giúp trẻ tư duy tốt hơn, phát triển sự sáng tạo nhiều hơn nhưng một số hành vi không nên được “khuyến khích”. Trẻ nhỏ hoàn toàn chưa nhận thức được mức độ cân bằng giữa “tốt” và “xấu” nên càng cần có sự quan tâm, đồng hành từ cha mẹ để sửa đổi kịp thời.
*Theo Sohu