Bệnh nhân khi đến viện thường có tâm lý rất ngại, thậm chí là sợ bác sĩ vì khá nhiều lý do nhưng đối với bác sĩ Vũ Thái Hà hiện là Trưởng khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - Bệnh viện Da liễu Trung ương thì lại hoàn toàn khác. Anh luôn xuất hiện phía sau cánh cửa mỗi khi bệnh nhân bước vào bằng một nụ cười và đôi mắt nhìn thẳng như sẵn sàng lắng nghe chia sẻ của họ, để trước hết, tạo cho họ một sự tin tưởng là sẽ có thể trút ra được những lo lắng trong lòng.
Khi gặp bác sĩ Hà, ấn tượng đầu tiên của người viết về anh chính là sự thân thiện và ấm áp. Ngồi xuống trò chuyện nhiều hơn về chuyện nghề, chuyện đời, người viết lại càng thấy rõ hơn sự nhiệt huyết với ngành da liễu - một công việc tuy ít khi nằm trong giới hạn sinh – tử của bệnh nhân nhưng lại đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và cẩn trọng đến từng chi tiết nói chung và lĩnh vực tế bào gốc hoàn toàn mới mẻ, nhiều thử thách nói riêng.
Không chỉ có vậy, cuộc sống của một người bác sĩ khi trút bỏ chiếc áo blouse trắng cũng thực sự có những điều khiến nhiều người phải ngẫm nghĩ.
Đến với nghề y vì lời hứa chữa bệnh cho bà
Mỗi chúng ta khi còn bé chắc chỉ trả lời về nghề nghiệp tương lai khi được hỏi: "Sau này cháu muốn làm nghề gì" nhưng với bác sĩ Hà thì khác, vì nhìn thấy bà đau ốm liên miên, thương bà nhiều lắm nên trong đầu anh đã nghĩ tương lai sẽ trở thành một bác sĩ. Mà không chỉ có vậy, bác của anh, một thầy lang có tiếng của vùng đất Kinh kỳ cũng kể cho anh nghe nhiều về chuyện cứu người. Dẫu vậy, hồi đó, anh chỉ biết bác sĩ là người mặc áo trắng đi chữa bệnh chứ chắc cũng chưa thể có mường tượng một cách cụ thể.
Thế rồi, những sự việc, lời nói đó cứ theo anh đi suốt một thời tuổi thơ cho đến năm lớp 10, khi đang là học sinh giỏi khối A, chàng trai Thái Hà chuyển hướng sang thi khối B để vào trường Đại học Y Hà Nội 1992 - 1998 trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Thời điểm đó, bố của bác sĩ Hà đã kịch liệt phản đối vì lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền, ngành y học vừa vất vả mà ra trường lại khó xin việc của cậu con trai. Thế nhưng, bằng tất cả sự quyết tâm, anh vẫn nhất định theo đuổi con đường mình đã chọn.
BS Hà vốn sinh ra trong một gia đình công nhân viên chức bình thường ở Hà Nội nên anh sớm phải tự lập. Bác sĩ Hà của ngày đó đã tự bươn chải đủ công việc khác nhau để có tiền trang trải cho việc học tập và sinh hoạt dù chương trình học ở trường rất nặng và chiếm nhiều thời gian.
"Mình cũng không biết tại sao thời đó lại nhiều năng lượng như vậy, mỗi ngày chỉ ngủ có vài tiếng mà vẫn tỉnh táo để làm đủ mọi việc. Có lẽ, cái đam mê với nghề y, nhất định phải làm nghề y đã thôi thúc mình hay chăng. Để đến tận bây giờ cũng như vậy, dù là công việc bận đến thế nào mình cũng không những chịu được mà còn làm rất nhanh", BS Hà mỉm cười chia sẻ.
Dù là thanh niên Hà Nội nhưng bác sĩ Hà phải tự mình bươn chải không khác gì các sinh viên khác.
Khám bệnh về da rất cần bác sĩ phải có cảm xúc
Sau khi tốt nghiệp đại học, bác sĩ Vũ Thái Hà công tác tại Đại học Y Hà Nội, đảm trách vị trí giảng viên bộ môn Da liễu. Cũng thời gian này, anh trở thành bác sĩ da liễu tại khoa Laser - Phẫu thuật bệnh viện Da liễu Trung ương.
Hiện nay, anh Hà đang giữ chức Trưởng khoa của Khoa Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ tế bào gốc - Bệnh viện Da liễu Trung ương, một lĩnh vực còn khá mới mẻ và chưa được ứng dụng nhiều ở Việt Nam. Bác sĩ Hà còn đảm trách nhiệm vụ của một bác sĩ thẩm mỹ chuyên về điều trị da với mong muốn mang cái đẹp cho tất cả các bệnh nhân đến với mình.
Những năm trở lại đây, chúng ta có thể nghe nhiều đến cụm từ "tế bào gốc" nhưng sự thật thì đó vẫn là một lĩnh vực mới, chưa có nhiều người đi sâu, thậm chí ở viện Da liễu Trung Ương hiện tại mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu đầy thử thách. Dẫu vậy, bác sĩ Hà với niềm đam mê vốn có cộng với tính cách thích tìm hiểu cái mới thì lại rất thích khám phá lĩnh vực này.
Anh cho biết, càng làm việc lâu năm trong ngành y, sự "tham lam" về kiến thức lại càng sâu sắc hơn. Bằng chứng là trước đó, dù đã có bề dày kinh nghiệm nhưng anh Hà nhiều năm về trước vẫn đăng ký các chương trình thực tập sinh tại các bệnh viện về Da liễu lớn trên thế giới như Bichat Claude Bernard hay Sant Louis (Pháp).
Anh Hà chia sẻ: "Phương pháp tế bào gốc trên thế giới hiện nay thực ra cũng chỉ đang được ứng dụng chữa các bệnh nhỏ lẻ vì làm thế nào để kiểm soát được nó một cách tốt nhất chính là điều rất khó. Nếu làm sai, tế bào gốc hoàn toàn có thể gây ung thư rất nguy hiểm. Chính vì vậy, phương pháp tế bào gốc bây giờ vẫn chưa được cho phép ứng dụng nhiều, đặc biệt là trong lĩnh vực làm đẹp.
Càng tìm hiểu, tôi càng thấy phương pháp này rất tốt nhưng cần có thời gian để trải nghiệm. Nếu thành công, các bệnh nhân mắc bệnh da liễu hay việc làm đẹp duy trì sự trẻ trung cho làn da chắc chắn sẽ có thêm nhiều hi vọng".
Tâm huyết như vậy nên các đồng nghiệp ở viện luôn nhìn bác sĩ Hà với ánh mắt ngưỡng mộ và hoàn toàn bị thuyết phục bởi chuyên môn cũng như cách anh tiếp xúc với bệnh nhân. Ngoài thời gian dành cho nghiên cứu, bác sĩ Hà còn đảm nhận việc khám chữa bệnh nhờ việc tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị các bệnh như u lympho, bệnh về tóc, bệnh về móng... Khi được hỏi tại sao anh có thể cười nhiều như vậy dù mỗi ngày đều có lịch trình dày đặc, nếu hôm nào ở viện khám cả ngày thì đều phải tiếp đến gần 100 bệnh nhân thì anh cho biết, điều quan trọng nhất đối với một người bác sĩ chính là EQ (chỉ số cảm xúc).
"Trở thành một bác sĩ thì chuyên môn đơn thuần về y học là nhất định phải có rồi nhưng với tôi, chuyên môn cảm xúc mới là yếu tố giúp điều số 1 kia phát huy được hiệu quả tối đa. Bệnh nhân khi đến khám mà đặc biệt lại là khám các bệnh ngoài da thì ngoại hình sẽ không thể như người bình thường được. Khi đó, không phải ai cũng ở trạng thái bình tĩnh mà có người rất tự ti, thậm chí hoảng loạn. Khi đó, việc ổn định và nắm bắt cảm xúc của người bệnh để họ có thể tự tin chia sẻ nỗi khổ của mình là rất quan trọng. Nếu không làm được điều đó, cuộc thăm khám sẽ coi như thất bại hoàn toàn.
Mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân không chỉ đơn thuần là sự cho và nhận mà là sự giúp đỡ, đồng hành. Mấu chốt quan trọng chính là để cho bệnh nhân tự hiểu về chính họ và kể lại với chúng tôi một cách chính xác, đầy đủ thì mới tìm ra phương án tốt nhất được".
Đã có thâm niên gần 20 năm khám chữa bệnh, bác sĩ Hà có rất nhiều "kỷ niệm" về các bệnh nhân đã từng khám chữa. Thế nhưng có một ca bệnh mà bác sĩ Hà không thể nào quên được, đó là trường hợp một bác gái lớn tuổi đến gặp anh với hai bên gò má đỏ ửng, nóng rát và lúc nào trong tay cũng phải có chiếc túi nilon đá kèm 2 miếng gạc để làm mát đến khám. Việc trước tiên anh làm là trấn an bệnh nhân bằng những câu nói để họ cảm thấy yên tâm và trao đổi. Anh hỏi sao cô lại bị như vậy thì cô ấy nói rằng bản thân đã dùng một loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc và sau thời gian sử dụng thì bị như thế này.
Điều quan trọng hơn cả là cô đã đi chữa khắp nơi cả 3-4 năm nhưng đều không thuyên giảm. Lúc cô đến với bác sĩ Hà là thời điểm chỉ còn cách đám cưới của con gái chừng 5-6 tháng nên nếu xuất hiện với khuôn mặt như vậy thì thật là rất thiếu tự tin. "Lúc đó tôi nghĩ rằng khi một người bị như vậy thì đi khám sẽ có nhiều chẩn đoán, và khi có sơ suất nào đó trong quá trình trao đổi dẫn đến chẩn đoán nhầm thì sẽ khiến cho tình trạng không được cải thiện. Chưa kể cô ấy còn tự ý ra hiệu thuốc mua các loại truyền và bôi lên mặt nên lại càng trầm trọng hơn".
Rất may, sau khi đến với bác sĩ Hà và kiên trì chữa bệnh thì bệnh nhân nói trên đã phục hồi. Sau 3 tháng, tình trạng nóng rát đã không còn, chỉ hơi đỏ một chút. Và đến lúc cưới con, khuôn mặt của cô đã có thể đánh phấn được.
Bác sĩ Hà khi nói về vẻ đẹp của làn da cũng cho rằng da đẹp trước hết phải khỏe, tức là không bị phản ứng nhiều trước các tác động, không có vết tích lão hóa hay vết nhăn, giãn mạch, dày sừng, u ác tính hoặc lành tính trên da. Ở Việt Nam chúng ta vẫn thường chuộng làn da trắng nhưng nhiều người tuy da ngăm đen nhưng lỗ chân lông nhỏ và mịn màng thì vẫn được coi là đẹp.
"Đó là về làn da, còn về vẻ đẹp nói chung của mỗi con người thì khá là khó để định nghĩa. Tôi còn nhớ trong một hội nghị y khoa quốc tế, sau khi mọi người đã thảo luận hết về các công thức vẻ đẹp của người Hàn Quốc hay Nhật Bản thì ngài chủ tịch chỉ nói một câu: "Đẹp là hấp dẫn người khác". Điều đó có nghĩa một người thấy người kia đẹp chắc chắn là phụ thuộc vào cảm nhận của chính người đó".
Cuộc sống sau khi trút bỏ chiếc áo blouse trắng
Là một bác sĩ da liễu và hiện tại làm nhiều về thẩm mỹ như bác sĩ Hà thì ngoài chuyên môn bệnh học, sự cảm nhận về vẻ đẹp cũng rất quan trọng. Chính cảm nhận đó sẽ giúp các bác sĩ đặt được giới hạn điều trị cho bệnh nhân để làm sao phù hợp nhất với họ.
Và cũng nhờ chính cảm xúc thiên phú đó nên có vẻ như cuộc sống bên ngoài sau khi cởi bỏ chiếc áo blouse trắng và bước ra khỏi bệnh viện của bác sĩ Hà có nhiều màu sắc mới lạ. Những tưởng rằng các bác sĩ như anh sẽ chỉ chuyên tâm vùi đầu vào nghiên cứu nhưng bác sĩ Hà lại có thú vui vô cùng đặc biệt, anh thích sưu tập đồng hồ và xe Vespa cổ. Dù bộ sưu tập đến nay chưa hẳn là quá nhiều nhưng đó cũng là cách để anh giải trí và cảm nhận giá trị của bản thân ở một góc nhìn khác.
Tất nhiên, là một bác sĩ, áp lực của anh luôn lớn hơn những người bình thường rất nhiều. "Ngành y chúng tôi có cái khó là sắp xếp lịch trình khá khó khăn. Có những lúc có thể từ chối việc gì đó nhưng phần đa là không thể vì nó ảnh hưởng đến tính mạng và cuộc sống của người bệnh thì mình nhất định phải làm. Chính vì thế, chúng tôi vẫn nói với nhau rằng thèm lắm một bữa sáng ngồi thảnh thơi rồi uống ly cà phê nhưng đôi khi đã chọn nghề là phải biết buông bỏ một cái gì đó, còn buông cái gì thì tùy thuộc vào mỗi người.
Dù cho ở hiện tại, các bác sĩ dường như đã biết cách để sắp xếp thời gian hơn nhưng nhìn chung nghề y vẫn là nghề thiếu thời gian cho mình và cho gia đình".
Vậy nếu bận rộn như thế thì bác sĩ Hà đã từng có ý định bỏ nghề bao giờ chưa? Anh trả lời là "Chưa". Với bác sĩ Hà, anh chọn ở lại, chọn cống hiến tiếp vì đã xác định tinh thần ngay từ đầu khi mới bước chân vào cổng trường Đại học:"Nghề y là phải hi sinh. Nếu cuộc sống quá khó khăn thì cũng có thể trong một khoảnh khắc nào đó tôi cũng sẽ nghĩ giống những người bạn của tôi. Nhưng thật may, ở hoàn cảnh nào tôi cũng đều làm cho nó đơn giản được".
Cảm ơn bác sĩ Hà vì cuộc trò chuyện này. Chúc anh trên con đường tương lai sẽ ngày càng thành công và giúp nhiều bệnh nhân đẹp, khỏe hơn nữa!