Trong lục phủ ngũ tạng của con người, tim được ví như "người anh cả" vì luôn luôn làm việc rất say mê, chăm chỉ và đảm nhiệm những chức năng quyết định sự sống.
Kể từ khi chúng ta nằm trong bụng mẹ, tim đã là một trong những cơ quan phải hoạt động với cường độ cao. Gần như tim không bao giờ nghỉ ngơi, nó liên tục co bóp để bơm máu đi khắp các động mạch, tĩnh mạch và mao mạch để đảm bảo tất cả các cơ quan và cơ bắp có thể hoạt động. Chỉ khi tim được khỏe mạnh thì các cơ quan khác mới có thể hoạt động bình thường.
Theo bác sĩ Charles Chambers (Viện Tim mạch Hershey, bang Pennsylvania, Mỹ): "Không phải chỉ khi bị đau nhói ở ngực thì chúng ta mới bị bệnh tim. Thực tế, không phải lúc nào bệnh tim cũng có dấu hiệu rõ ràng. Nếu không chắn chắn, bạn cần đi kiểm tra nó".
Đối tượng thừa cân, mắc bệnh tiểu đường, cholesterol cao hoặc huyết áp cao, trên 60 tuổi là nhóm người có rủi ro mắc bệnh tim cao nhất và càng phải quan tâm đến sức khỏe của tim nhiều hơn.
Khi tim mặc bệnh, cơ thể sẽ có dấu hiệu "1 sưng - 2 tím" dưới đây:
2 sưng gồm:
- Mặt sưng vù:
Nếu khuôn mặt bị sưng mà không có lý do, thì rất có thể là do trái tim của bạn đã bị tổn thương, bởi mỗi khi tim có vấn đề, nó sẽ ảnh hưởng đến việc bơm máu và một số chức năng tuần hoàn, cuối dẫn đến tình trạng phù nề trên cơ thể, đặc biệt là ở mặt.
- Bàn chân, mắt cá chân bị sưng:
Các bệnh về tim, đặc biệt là suy tim thường gây phù chân do tim không bơm máu hiệu quả như bình thường. Máu sẽ chảy ngược trong tĩnh mạch và gây phù.
Phù chân do suy tim thường mềm, trắng, ấn lõm và không đau. Tình trạng phù hay xuất hiện về chiều, khi người bệnh đứng lâu và sẽ giảm bớt khi nằm xuống nghỉ ngơi hoặc vào lúc sáng sớm khi người bệnh mới ngủ dậy.
Khi chúng ta mắc suy tim nặng hơn, tình trạng phù sẽ rõ ràng hơn, phù nhiều hơn, đôi khi phù toàn thân và xuất hiện suốt cả ngày, không giảm nếu không được điều trị.
2 tím gồm:
- Môi thâm tím:
Màu môi chính là bức tranh phản chiếu tình trạng sức khỏe của mỗi người. Khi khỏe mạnh, bạn sẽ thấy mình có màu môi hồng hào, tươi tắn. Nhưng nếu đôi môi của bạn đột nhiên trở nên đậm hơn và có màu tím xanh, bạn nên chú ý đến bệnh tim, xuất hiện do lưu thông máu kém.
- Lưỡi tím tái:
Lưỡi là bộ phận có sự liên kết chặt chẽ với trái tim. Ở người bình thường, lưỡi sẽ luôn hồng hào và linh hoạt. Nhưng ngược lại, nếu trên lưỡi của bạn xuất hiện màu tím sẫm, điều đó chứng tỏ phần huyết quản dưới niêm mạc lưỡi thiếu oxy trầm trọng hoặc tuần hoàn máu bị trở ngại, đây là dấu hiệu ở những người bị suy tim, xơ gan, bệnh ở phổi... Nếu lưỡi tím tái đi kèm với khó thở, mất ngủ, đánh trống ngực... thì bạn nên đi khám tim khẩn cấp.
Ngoài ra, người bệnh tim thường xuất hiện 1 số dấu hiệu dễ bị bỏ qua như sau:
- Hay chóng mặt:
Ăn uống không đủ chất, đứng lên ngồi xuống quá nhanh... đều có thể khiến bạn cảm thấy hoa mắt, chóng mặt. Nhưng nếu bạn chóng mặt không rõ lý do, đồng thời cảm thấy khó chịu ở ngực hoặc khó thở, hãy nhờ sự giúp đỡ của những người bên cạnh.
"Điều đó có thể có nghĩa là huyết áp của bạn đã giảm vì tim bạn không thể bơm đủ máu do một số bệnh lý nào đó", ông Vincent Bufalino, phát ngôn viên của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho biết.
- Ngủ ngáy:
Việc ngáy một chút trong khi ngủ là điều bình thường. Nhưng tiếng ngáy to bất thường nghe có vẻ như thở hổn hển hoặc nghẹt thở có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ. Cần phải chẩn đoán, theo dõi và điều trị sớm để có thể loại bỏ nguy cơ tăng huyết áp, các bệnh tim mạch, bệnh lý mạch máu não... và giảm thiểu khả năng tử vong đột ngột.
- Buồn nôn, khó tiêu, ợ nóng hoặc đau dạ dày
Đau tim cũng có thể gây nôn mửa. Phụ nữ có nhiều khả năng báo cáo loại triệu chứng này hơn nam giới. Đương nhiên, bạn có thể bị đau bụng, buồn nôn vì nhiều lý do không liên quan gì đến trái tim của bạn. Nhưng bạn vẫn cần lưu ý dấu hiệu này khi là đối tượng có nguy cơ cao.
- Đau lan đến cánh tay
Một triệu chứng đau tim kinh điển khác là đau lan xuống bên trái cơ thể.
"Đau tim luôn bắt đầu từ ngực và di chuyển ra ngoài, lan ra cánh tay. Một số bệnh nhân của tôi bị đau tim nhưng đồng thời cũng có dấu hiệu đau ở tay", bác sĩ Charles Chambers cho hay.
(Nguồn: Webmd, Aboluowang)