Cách tốt nhất để theo dõi tăng trưởng chiều cao của trẻ là sử dụng biểu đồ tăng trưởng WHO về chiều cao theo độ tuổi. Tuy nhiên, theo dõi tăng trưởng là phải nắm bắt xu hướng tăng trưởng của 1 đứa trẻ. 1 giá trị đơn lẽ được đo đạt tại 1 thời điểm chỉ nói lên chiều cao của trẻ tại lúc đó, không nói xu hướng tốt hay đáng lo. Bạn cần phải theo dõi ít nhất các trị số ở 2-3 thời điểm khác nhau.
Cụ thể: Chiều cao thường ít biến động và có mức độ tăng nhịp nhàng chậm rãi sau 5 tuổi đến trước dậy thì 2-3 năm (tầm 9 tuổi). Mức trung bình tăng là 5 đến 7.5 cm mỗi năm.
Vậy dưới 5 tuổi thì sao? Mức biến động lớn hơn nhiều. Chi tiết là:
+ 0-1 tuổi: tăng trung bình 25 cm.
+ 1-2 tuổi: tăng trung bình 13 cm.
+ 3 - trước 5 tuổi: tăng trung bình 8.75 cm/năm.
Lưu ý, đây là mức tăng trung bình khi trẻ được đáp ứng đủ các yếu tố về dinh dưỡng và hormone cần thiết.
Thực ra, con số không là vấn đề, trừ khi nó biến đổi đột ngột.
Nếu có 2 biểu hiện này, cha mẹ nên đưa con đi khám
- Nếu chỉ số đo chiều cao của trẻ rơi ra khỏi vùng các đường tăng trưởng trong biểu đồ WHO, rơi trên đường cao nhất hoặc rơi ngoài đường thấp nhất.
- Chiều cao tăng trưởng chậm (< 4cm/năm đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên).
Thời điểm nào cha mẹ nên bắt đầu quan tâm đến sự phát triển chiều cao của trẻ?
Chuyên gia Anh Nguyễn, Phó Tổng Biên Tập tạp chí Harvard Public Health Review tại Đại học Harvard cho biết: Nếu bạn đợi đến khi trẻ đến tuổi dậy thì mới quan tâm đến phát triển chiều cao của trẻ thì đã muộn.
Một biểu đồ toàn cảnh về sự phát triển chiều cao theo từng độ tuổi đã cho chúng ta thấy rằng: Giống như não bộ, phát triển chiều cao đã bắt đầu từ rất sớm: từ những năm đầu đời trẻ đã trải qua hàng loạt sự phát triển vượt bậc về chiều cao, và dậy thì là giai đoạn cuối có những tăng trưởng vượt trội về chiều cao.
Chiều cao khác cân nặng. Nếu như cân nặng phần lớn phụ thuộc vào sự cân bằng của năng lượng trẻ ăn vào và tiêu thụ, thì chiều cao phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Nếu bỏ qua yếu tố về gen di truyền, thì 4 yếu tố sau đây lần lượt xếp hàng ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển chiều cao tối ưu của trẻ: Dinh dưỡng, vận động, giấc ngủ, và sự vui vẻ. Ngoài ra, ở từng giai đoạn phát triển của trẻ lại có sự điều phối bởi hoạt động của các hormone như hormone tăng trưởng và hormone sinh dục.
Làm sao giúp trẻ phát triển được chiều cao tối ưu?
1. Dinh dưỡng
- Đừng để trẻ thiếu vi chất như sắt, kẽm, canxi, vitamin D và acid folic lúc mẹ mang thai.
- Đừng để mẹ thừa cân béo phì trước mang thai vì khi đó người mẹ sẽ có nguy cơ tăng cân quá mức lúc mang thai và trẻ sinh ra có nguy cơ thừa cân béo phì sau 2 tuổi. Thừa cân béo phì ở độ tuổi này có liên quan đến dậy thì sớm và giảm tăng trưởng chiều cao khi trưởng thành ở trẻ.
- Đừng để thiếu dinh dưỡng hoặc thiếu cân lúc mang thai vì nó dễ dẫn đến nguy cơ sinh non hoặc thai sinh nhỏ. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng bắt nhịp tăng trưởng của trẻ khi sinh ra.
- Trẻ nên được bú sữa mẹ sớm sau sinh và duy trì lâu nhất có thể.
- Cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm từ 6 tháng tuổi, giúp trẻ phát triển hành vi ăn uống đa dạng và đúng cấu trúc thức ăn trước 18 tháng tuổi. Khi các kỹ năng này phát triển theo đúng tiến độ thì trẻ sẽ phát triển hành vi ăn uống đúng sau 3 tuổi, và trẻ cũng ít biếng ăn và khi đó cơ thể trẻ sẽ tự lấy đủ chất dinh dưỡng từ thực phẩm.
- Trẻ nên có chế độ ăn đa dạng đủ các chất dinh dưỡng quan trọng như sắt, kẽm, chất béo omega-3... Bổ sung vitamin D 400IU/ngày cho trẻ dưới 5 tuổi.
- Tránh các nguy cơ làm trẻ tiêu chảy.
2. Giấc ngủ
- Mẹ lúc mang thai nên tránh sử dụng điện thoại trước giờ ngủ 1 tiếng và thiết lập thói quen ngủ sớm, tránh thức khuya, giảm sử dụng các chất kích thích như trà, cafe hoặc bia rượu.
- Trẻ mới sinh đến 5 tháng tuổi bú sữa như 1 nhu cầu cơ bản. Do đó cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu. Lúc này giấc ngủ của trẻ có thể gián đoạn do trẻ cần bú mỗi 2-4 tiếng.
- Sau 5 tháng tuổi, trẻ có thể bắt đầu ngủ xuyên đêm. Nếu trẻ khỏe mạnh, tăng trưởng tốt, có thể không cần cữ đêm và khuya. Phần lớn các cữ bú này chỉ là thói quen do trẻ chưa phân biệt rõ ngày đêm, không hẳn là đòi bú cơ bản. Bạn có thể cắt các cữ này về gần sáng để trẻ có giấc ngủ dài và tốt hơn.
- Trẻ nên sớm thiết lập lịch ngủ từ 12 tháng tuổi. Bạn nên tạo giờ ngủ cụ thể, thời gian hugging time trước giờ ngủ 20 phút. Giờ lên giường cho hugging time: cha hoặc mẹ cùng bé có hoạt động trên giường như đọc sách, vui chơi, nói chuyện... không nên có các hoạt động liên quan đến màn hình điện tử.
- Trẻ sau 3 tuổi nên cho trẻ biết rõ ràng về luật ngủ.
- Trẻ nên ngưng các thiết bị điện tử có màn hình trước giờ ngủ ít nhất 2 tiếng.
3. Vận động
- Trẻ được khuyến khích có lối sống năng động, tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời như đi dạo công viên, chơi vận động tăng tương tác xã hội... Điều này giúp tăng các hoạt động thăng bằng và sử dụng các cơ để thúc đẩy sự tăng trưởng chiều cao. Bé từ 5 tuổi có thể tham gia 1 môn thể thao như chơi bóng, bơi lội... khoảng 2 buổi/tuần và 2 buổi cách nhau 3 ngày, mỗi buổi không quá 45 phút.
4. Xây dựng môi trường yêu thương và không khí vui vẻ trong gia đình
- Nghiên cứu tại Anh cho thấy những đứa trẻ thường xuyên sống trong môi trường căng thẳng có ít hormone tăng trưởng hơn và phát triển chậm hơn các trẻ khác.
- Do đó, tránh đánh mắng trẻ, nên dùng thái độ vui vẻ, khuyến khích trẻ trò chuyện, chia sẻ và tham gia đóng góp ý kiến trong mọi hoạt động. Hãy luôn tạo bầu không khí thoải mái và vui vẻ trong gia đình, không chỉ để gắn kết tình cảm mà còn giúp trẻ phát triển tốt hơn.