Chương trình thực tế của Netflix có tên“Dọn nhà cùng Marie Kondo”, được sản xuất dựa trên cuốn sách“Nghệ thuật bài trí của người Nhật” đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người, đặc biệt là các phụ nữ công sở trong công cuộc dọn dẹp lại cuộc sống của mình.
Nếu đi làm mà chỉ cảm thấy chán chường vì đồng nghiệp quá xấu tính, bàn làm việc bừa bộn, email chưa đọc còn chất đống,... thì chị em cần bắt tay vào sắp xếp lại sự vô tổ chức này ngay lập tức, dễ dãi với bản thân càng lâu thì sự nghiệp chỉ càng thêm trì trệ và đi xuống mà thôi!
1. Trước khi làm gì cũng phải có định hướng
Mỗi một tập của chương trình đều bắt đầu với việc Kondo hỏi những vị khách tính tình cẩu thả, sinh hoạt bừa bộn rằng tại sao bây giờ họ lại muốn dọn dẹp, sắp xếp lại cuộc sống.
Trước khi sắp xếp, lau chùi lại bàn làm việc hay xóa đi những tin nhắn cũ, hãy trả lời xem vì sao bạn lại muốn đặt mọi thứ trở nên ngăn nắp hơn. Làm việc với một chiếc bàn gọn gàng, tài liệu được sắp xếp đâu ra đó quả thật là cảm thấy dễ chịu hơn hẳn phải không? Lỡ bị sếp mắng mà đi về còn thấy một cái bàn chứa đầy giấy tờ lộn xộn, vỏ đồ ăn… thì quả là tuột mood đừng hỏi.
Chị em cũng cần sửa đổi ngay thái độ làm việc nửa vời, nếu cảm thấy mình đang dành quá nhiều thời gian cho việc viết mail, online mạng xã hội, hóng hớt chuyện của đồng nghiệp... hơn là thực sự làm việc thì bạn cần chấn chỉnh lại bản thân ngay. Hãy lên danh sách những việc cần làm trong một ngày và cam kết với chính mình rằng sẽ hoàn thành chúng trước khi tan ca, chị em nhé!
Jenny Ning - chuyên gia dọn dẹp chuyên nghiệp và cũng là đại sứ đầu tiên ở Mỹ của Kondo nói rằng:“Mình muốn cảm thấy thế nào khi bước chân vào nơi làm việc chính là câu đầu tiên dân công sở nên tự hỏi bản thân trước khi làm bất cứ nhiệm vụ đao to búa lớn khác".
2. Tinh giản đồ dùng của bạn
Kondo Marie khuyên rằng, nếu đang sở hữu hai món đồ có công dụng như nhau thì chị em nên xem xét bỏ bớt đi một chiếc.
Chỉ giữ lại những vật còn sử dụng, các giấy tờ quan trọng và loại bớt những thứ rườm rà hay lâu rồi còn chẳng đụng tới đi nhé. Ivey, một cộng sự của Kondo Marie khuyên rằng:“Dân văn phòng hãy sắp xếp lại tủ tài liệu một cách tối giản và dán nhãn phân loại rõ ràng, ví dụ như 'dự án đang hoạt động', 'tài liệu hành chính', 'quản lý nhân sự', 'tài liệu tham khảo',...”
Bạn cũng nên áp dụng phương pháp này đối với tài liệu điện tử. Một cái bàn làm việc gọn gàng không có nghĩa là công việc của bạn đã đâu vào đấy nếu núi thư điện tử của trong gmail vẫn còn là mớ hỗn độn chưa được xử lý!
3.Chú ý đến cảm xúc của bản thân khi làm việc
Hãy thành thật với bản thân khi đánh giá môi trường làm việc xung quanh mình. Đôi khi bạn không thể bộc lộ cảm xúc thật của mình ở chốn công sở khốc liệt, nhưng hãy thành thật với bản thân khi ở một mình.
Tricia Fidler - Tư vấn viên của KonMari chia sẻ rằng:“Hãy luôn đặt ra những câu hỏi như Tại sao tôi lại không thích nhiệm vụ này thế cơ chứ?; Vì sao sếp lại phản đối ý tưởng của mình trong cuộc họp sáng nay nhỉ? Vì sao mình làm lâu thế rồi mà chưa được thăng chức... Những câu hỏi sẽ giúp bạn đi đúng hướng và biết làm gì để sửa đổi bản thân”.
Ning, một khách hàng của Kondo đã quyết định bỏ công việc tài chính khô khan bấy lâu để theo đuổi mục tiêu đời mình. Cô tâm sự:“Thành thực mà nói tôi đã từng cảm thấy mình làm việc như một con robot trong suốt 8 tiếng mỗi ngày, giờ đây tôi đã tìm được thứ thực sự khiến mình hạnh phúc nhờ biết lắng nghe cảm xúc bên trong mình”. Cô khuyên những người đang mắc kẹt và không tìm thấy niềm vui trong công việc đừng bỏ mặc cảm xúc của bản thân, hãy trung thực đáp lại nó để tìm ra định hướng cho tương lai!
4. Tập trung vào nhu cầu của bản thân trước tiên
Trong tập mở đầu của chương trình, khi vị khách Rachel hỏi về chiếc áo cũ yêu thích của chồng cô ấy:“Lần cuối anh mặc nó là khi nào?”, Kondo đã nhẹ nhàng nhắc nhở rằng dù là vợ chồng thì cô ấy cũng chỉ nên tập trung vào đồ đạc của mình mà thôi.
Đó cũng chính là một bài học mà bạn có thể áp dụng vào sự nghiệp của mình. Rất nhiều người có thói quen làm sai thì đổ lỗi cho người khác. “Đó là lỗi của cộng sự”; “Đó là lỗi của sếp tôi”; “Do tôi phải hợp tác với kẻ mà tôi chẳng ưa”… Fidler, tư vấn viên của Konmari khuyên những nhân viên này hãy bớt để ý đến chuyện ngoài lề của đồng nghiệp trong công ty, thay vào đó nên tập trung nhiều hơn vào những gì mình có thể làm để thúc đẩy sự nghiệp của bản thân. Có thể bạn không được lựa chọn ai là cấp trên nhưng bạn có thể lựa chọn thái độ của mình khi giải quyết công việc.
5. Hãy biết ơn những bài học mình nhận được
Không phải lúc nào bạn cũng có thể trông tràn đầy năng lượng khi đi làm, cũng có lúc dealine ngập đầu, bị đồng nghiệp chơi xấu, công việc chán nản không khơi dậy được niềm vui cống hiến nhưng bạn vẫn phải tiếp tục đương đầu với mớ hỗn độn đó.
Trong chương trình, Kondo cho biết mục tiêu của việc dọn dẹp là học cách trân trọng mọi thứ mà bạn đang có! Biết ơn những gì bạn có mỗi ngày thay vì ám ảnh về những thứ bạn không thể sở hữu.
Ngay cả khi bạn phạm sai lầm, chí ít bạn cũng rút ra được kinh nghiệm cho mình để làm tốt hơn vào lần sau. Hãy biết ơn những bài học từ công việc tẻ nhạt, từ người quản lý tồi, đừng hối hận hay tiếc nuối khi nghĩ về quá khứ mà hãy tập trung để phát triển bản thân ở hiện tại và tương lai.
6. Khai thác sức mạnh từ đồ vật xung quanh
Phương pháp KonMari không phải là vứt bỏ mọi thứ bạn sở hữu mà là nhận ra những gì bạn muốn giữ lại nhất ở thời điểm hiện tại. Bằng cách này, những đồ vật bạn yêu thích nhất, những món còn ở lại sau mỗi lần dọn dẹp sẽ tiếp thêm sức mạnh cho bạn khi gặp trở ngại trong cuộc sống.
“Hãy biến bàn làm việc của bạn trở thành nơi mang đến nguồn động lực để bạn phấn đầu nhiều hơn. Đó có thể là một bức tranh con bạn vẽ, đồ lưu niệm từ những người thân thương hoặc một tấm bằng khen khiến bạn cảm thấy tự hào” - Marie nói.
Vậy chị em đã sẵn sàng để bắt tay vào sắp xếp, tổ chức lại công việc của mình sao cho ngăn nắp, gọn gàng chưa?
Theo Huffington Post