Từ năm 1991, ông đã tổ chức các triển lãm cá nhân tại Trung tâm triển lãm tạo hình Minsk, Trung tâm triển lãm nghệ thuật tạo hình Moscow, được báo Nga – Mỹ bình chọn là Họa sĩ xuất sắc của năm 2005 và đoạt Giải thưởng quốc tế Liên hoan nghệ thuật tổng hợp Artiada (2006).
Bên cạnh đó, ông cũng nhận được Giải thưởng y học quốc tế “Nikolay Pirogov” và Huân chương cao quý vì những đóng góp “Lớn lao và Đặc biệt” cho sự nghiệp Y học quốc tế (2007), được phong hàm Giáo sư y học dân tộc thuộc Hiệp hội y học dân gian Liên bang Nga (2010). Ông còn là người sáng lập ra môn phái võ Nhất Nam.
Nằm trong 50 sự kiện của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Thành phố Hà Nội năm 2022 với chủ đề “Sáng tạo và công nghệ”, triển lãm “Ego– Người” của họa sĩ Ngô Xuân Bính đã diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội. Nơi đây trưng bày các tác phẩm nghệ thuật: hội họa, điêu khắc trên nhiều chất liệu khác nhau, kết hợp giữa chất liệu truyền thống và đương đại. Triển lãm được thực hiện với nhiều giải pháp trưng bày, sắp đặt sáng tạo thu hút người xem.
Đây là bước đánh dấu sự trở lại của họa sĩ sau 2 triển lãm “Du & Dội” - 2017 và “Niệm” – 2019. Những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo thu nhỏ với không gian sống, không gian cây xanh, không gian dịch vụ, không gian kết nối, không gian tổ chức lao động, không gian thị giác… được thể hiện bằng nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật tương tác.
Tham dự buổi lễ khai mạc triển lãm, bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, cho biết: “Triển lãm gồm hơn 300 bức tranh sơn mài, sơn dầu và hơn 100 tượng điêu khắc với các chất liệu như đồng, đá, gỗ. Qua triển lãm, công chúng sẽ cảm nhận các giá trị của từng tác phẩm điêu khắc, truyền tải đầy đủ thông điệp về đô thị kỷ nguyên mới Việt Nam - là đô thị của cái đẹp mà cộng đồng vươn đến.”
“Lễ hội Thiết kế sáng tạo Thành phố Hà Nội năm 2022 là không gian văn hóa sắp đặt ấn tượng với những sản phẩm được thiết kế đa dạng, sáng tạo cùng những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được các nghệ nhân, nghệ sĩ, những người yêu văn hóa Thủ đô trình diễn đầy ấn tượng. Không chỉ tôn vinh sự sáng tạo trên chất liệu truyền thống, Lễ hội còn là nơi để các nghệ sĩ, kiến trúc sư, nghệ nhân thăng hoa trong cảm xúc, các ý tưởng được thể hiện sáng tạo qua các tác phẩm”, bà Trần Thị Vân Anh nói.
Chia sẻ về triển lãm này, họa sĩ Ngô Xuân Bính cho biết: “Triển lãm dựa trên dự cảm nghệ thuật điêu khắc vĩ mô đa chiều, tranh bích họa và ảo ảnh ánh sáng nhờ kỹ thuật số- thuật toán, hoành tráng về số lượng và kích cỡ tranh”.
Việc xây dựng kế hoạch thực hiện Không gian nghệ thuật sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội là một trong những cách làm nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của cộng đồng, đơn vị, doanh nghiệp, những người lao động sáng tạo, người dân Thủ đô đúng với chủ trương, tầm nhìn, định hướng của Thành phố. Triển lãm làm đa dạng thêm các loại hình sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội; gia tăng giá trị, tính hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Thủ đô, khách tham quan trong và ngoài nước.
Từ đó từng bước đưa Bảo tàng Hà Nội là nơi giới thiệu các sản phẩm văn hóa, kết nối làng nghề, nơi chia sẻ thông tin và đàm luận, nơi thử nghiệm những giải pháp nghệ thuật kết nối công nghệ, kết nối truyền thống với hiện đại. Qua đó dần hình thành cộng đồng sáng tạo, kết nối các lĩnh vực nghệ thuật, liên kết với cộng đồng trong nước và quốc tế, tạo dựng sự phát triển bền vững cho đô thị trên nền tảng các giá trị truyền thống của Thủ đô.
Triển lãm “Ego- Người” của họa sĩ Ngô Xuân Bính bắt đầu từ 18/11/2022 dự kiến kéo dài đến tháng 3/2023.
Đông đảo bạn bè, người yêu nghệ thuật đã đến chúc mừng và thăm quan triển lãm "Ego - Người".
Điểm danh 5 trung tâm văn hóa nghệ thuật ở Hà Nội đang là điểm đến yêu thích của giới trẻ